Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Blockchain và AI: Làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai”

Thứ Năm, 17/10/2024 21:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sự kiện đánh dấu chương trình thứ 14 trong chuỗi ABAII Unitour nhằm phổ cập Blockchain và AI tại 30 trường đại học trên cả nước, với 1.000 sinh viên tham dự trực tiếp và hàng chục nghìn lượt tiếp cận qua các kênh livestream trên gần 50 nền tảng mạng xã hội.

Tối 17/10, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII), Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức sự kiện ABAII Unitour 14 với chủ đề “Blockchain và AI: Làm chủ công nghệ, làm chủ tương lai”. Chương trình đã thu hút sự tham gia của gần 1.000 sinh viên, phần lớn đến từ các ngành công nghệ, tài chính, trong đó có Trường Công nghệ – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. 

Trao tặng chứng nhận cho thành viên Ban tổ chức (Ảnh: HNV) 

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Công nghệ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, “Blockchain và đặc biệt là AI không chỉ là xu hướng mà còn là cơ hội lớn giúp Việt Nam tiến xa trên bản đồ kinh tế số thế giới. Sinh viên cần nắm bắt, làm chủ công nghệ này để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và làm chủ tương lai của chính mình. Blockchain và AI đã và đang định hình lại nền kinh tế số, đồng thời là chìa khóa mở ra con đường sự nghiệp quốc tế cho thế hệ trẻ. Việc thành thạo công nghệ này sẽ giúp sinh viên đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động”.

Chia sẻ về vấn đề đang gây ra nhiều tranh luận trong cộng đồng là AI là bạn đồng hành hay đối địch trên thị trường lao động, TS. Lê Linh Lương, Phó Viện trưởng ABAII cho rằng, “AI mang đến cả cơ hội và thách thức: Cơ hội với những người biết nắm bắt, làm chủ công cụ này và thách thức với những người chậm bắt nhịp với sự thay đổi hiện nay. Nhiệm vụ của chúng ta là phải nắm bắt ưu thế, hạn chế những nhược điểm để AI trở thành công cụ hữu hiệu, phục vụ cho các mục đích tốt đẹp trong học tập, làm việc và góp phần phát triển kinh tế xã hội”.

Theo báo cáo của McKinsey 2023, AI tạo ra khoảng 4.000 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó marketing, bán hàng và phát triển phần mềm là những ngành chịu tác động mạnh nhất. Còn theo báo cáo của Microsoft, người lao động ở mọi lứa tuổi, từ GenZ (18-28 tuổi), Millennials (29-43 tuổi), GenX (44-57) tới Boomers (trên 58 tuổi) đều đang có xu hướng chấp nhận và sử dụng AI như một công cụ học tập và làm việc không thể thiếu với tỷ lệ ứng dụng từ 73-85%.

Đánh giá tác động của AI đến thị trường lao động, đặc biệt là đối với sinh viên ngành công nghệ, ThS. Nguyễn Thanh Tuấn, Thạc sỹ chuyên ngành Machine Learning, Giảng viên Khoa Toán Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhấn mạnh AI không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất, mà còn mang đến nhiều cơ hội lớn chưa từng có. Ông Tuấn dẫn chứng một số ứng dụng AI nổi bật như trợ lý ảo Virtual Service Desk Agent (VSDA) là công cụ hỗ trợ đắc lực cho ngành IT, có khả năng cắt giảm 99% thời gian chờ và giảm tới 40% thời gian làm việc cho các bộ phận dịch vụ khách hàng. AI còn đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác như chuỗi cung ứng, toán học với các công nghệ tiên tiến như xe tự lái và hệ thống quản lý kho bãi thông minh, giúp thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của những ngành nghề truyền thống này.

Đặc biệt, chương trình còn tạo diễn đàn để các bạn sinh viên trao đổi trực tiếp với các chuyên gia trong phiên thảo luận với chủ đề “Xu hướng việc làm ngành Blockchain và AI: Cơ hội trau dồi kỹ năng và gia tăng thu nhập cho sinh viên” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Blockchain và AI. 

Trao tặng chứng nhận cho các diễn giả của sự kiện (Ảnh: HNV) 

Về ứng dụng thực tiễn của Blockchain và AI, ThS. Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Wischain cho rằng, Blockchain không chỉ giúp cải thiện khả năng bảo mật mà còn thay đổi căn bản cách thức quản lý dữ liệu và giao dịch tài chính thông qua việc phát triển tài sản số và các ứng dụng Blockchain như Tài sản thực được token hóa (RWA), NFT,...

ThS. Nguyễn Minh Cường, Tư vấn trưởng CTCP Alobase, đồng quan điểm khi chỉ ra rằng nhu cầu nhân lực trong ngành Blockchain và AI đang rất lớn, đặc biệt là các vị trí lập trình viên với mức thu nhập cao và môi trường làm việc quốc tế linh hoạt, ít cạnh tranh.

Song song, khi đề cập đến lo ngại về việc AI có thể thay thế con người, TS. Lương Văn Thiện, Giảng viên Khoa Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo, Trường Công nghệ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, AI sẽ thay thế nhiều công việc lặp lại, đặc biệt trong ngành dịch vụ nhưng cũng đồng thời mở ra các cơ hội nghề nghiệp mới chưa từng xuất hiện trước đây. Đặc biệt, các bạn sinh viên Việt Nam với lợi thế cạnh tranh về năng lực và sự sẵn sàng thay đổi có thể sẽ là những ưu tiên của thị trường lao động quốc tế trong thời gian tới.

Bà Phạm Thùy Linh, Giám đốc CTCP TomoTech nhận định, AI sẽ không thay thế hoàn toàn con người mà chủ yếu bổ sung, tăng cường năng lực lao động của con người trong nhiều lĩnh vực bằng việc tự động hóa một phần nhiệm vụ trong các ngành nghề như Giáo dục, Kế toán - Kiểm toán, Phân tích dữ liệu,.. Đồng thời, nó cũng tạo ra nhu cầu mới về kỹ năng và vai trò mới.

 Sự kiện thu hút gần 1.000 sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tham dự (Ảnh: HNV)

Chia sẻ về những mặt trái của AI, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ VVN AI nhấn mạnh sự phát triển nhanh chóng của ngành AI đang đặt ra yêu cầu về việc tuân thủ đạo đức AI và các tiêu chuẩn cộng đồng, tránh lạm dụng AI cho các mục đích xấu như lợi dụng deepfake (giả mạo hình ảnh, giọng nói chất lượng cao) để lừa đảo hay giả mạo danh tính. Ông cũng khuyến khích sinh viên nắm bắt cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực cung cấp giải pháp nhận diện và an ninh mạng để đối phó với các rủi ro này.

Đồng quan điểm với ông Tùng, bà Phạm Thùy Linh, Giám đốc Phát triển Tài năng Viện ABAII, khuyến khích sinh viên tích cực học tập, nâng cao kiến thức về Blockchain và AI để chủ động nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp với mức thu nhập cao. “Chưa bao giờ cơ hội học tập và gia nhập thị trường lao động quốc tế lại trở nên gần đến thế và các bạn sinh viên cần chủ động nắm bắt cơ hội này”, bà Phạm Thùy Linh nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chương trình, Viện ABAII cũng dành tặng ưu đãi đặc biệt cho các bạn sinh viên khi đăng ký các lớp tập huấn về Ứng dụng AI cho sinh viên trên MasterTeck - nền tảng học trực tuyến về Blockchain và AI hàng đầu Việt Nam. MasterTeck có hơn 300 khoá học tập trung vào 24 ngành nghề hấp dẫn với mức thu nhập cao và cung cấp các chứng chỉ quốc tế uy tín từ EC Council, CompTIA, PECB. Việc sở hữu các chứng chỉ quốc tế này sẽ là lợi thế lớn cho sinh viên khi bước vào thị trường lao động toàn cầu.

Tiếp nối thành công của chương trình thứ 14 tại Trường Công nghệ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuỗi hoạt động phổ cập Blockchain và AI, mở ra cơ hội nghề nghiệp mới cho các bạn sinh viên, ABAII Unitour sẽ được tiếp tục tổ chức tại Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Huế và nhiều trường đại học uy tín khác trên cả nước./.

Hà Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN