Bịt lỗ hổng, khắc phục khai thác giá trị đất phục vụ cho lợi ích riêng
(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến đề nghị sửa Luật đất đai (sửa đổi) cần quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.
GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. |
Góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo luật đặc biệt quan trọng. Việc sửa đổi, điều chỉnh có các quan hệ trực tiếp liên quan đến đời sống người dân. Do đó, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của dự thảo Luật lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, với các điều luật được cụ thể hóa nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”.
Theo GS.TS Phan Trung Lý, đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai, nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho lợi ích quốc gia, phục vụ cho phát triển đất nước. Bởi vậy, phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; đặc biệt ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.
Đáng chú ý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, cần phải có quy định về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tách giá trị đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như những doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo các phương án sử dụng đất đã được duyệt. Nếu trong trường hợp chuyển đổi mục đích khác thì phải thu hồi đất, đấu thầu lại.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực. |
Góp ý về việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận quyền sử dụng đất, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần làm rõ nhà đầu tư được thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất trong việc bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án đô thị, nhà ở thương mại hay không? Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã nêu: "thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất" thì mới khắc phục được hạn chế, bất cập lớn hiện hành. Do đó, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh phải kiên trì thực hiện nguyên tắc xuyên suốt này.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực ủng hộ phương án thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất ngoài việc tạo sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo ra nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước, còn bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư.
TS Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tiếp tục có quy định về miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với đồng bào dân tộc thiểu số trong các trường hợp sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo…
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, khó khăn nhất trong việc sửa đổi luật lần này do tác động của các điều kiện tự nhiên xã hội của vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ta thấy rất rõ về tính chất phức tạp, đa dạng của địa hình, khí hậu, thiên tai, mưa lũ, quy mô, chất lượng của nguồn tài nguyên về đất, nước, rừng… Để xác định được các yếu tố đưa ra một bộ luật và phù hợp với 53 dân tộc thiểu số, TS Quàng Văn Hương cho rằng rất khó và đề nghị nghiên cứu để khi luật đưa ra giải quyết được cơ bản những vấn đề. Để thuận lợi cho việc thi hành Luật, có thể nghiên cứu phương án giao Chính phủ có nghị định riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến. |
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến quan tâm đến khoản 2 Điều 225 quy định “Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại”. Tuy nhiên, theo ông Luyến, trong điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam mà dự thảo Luật Đất đai lần này chỉ giao cho Tòa án nhân dân, Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai, mà không giao cho UBND giải quyết như trước, là không phù hợp, không khả thi và sẽ kéo dài thời gian giải quyết, mất nhiều thời gian, kinh phí cho các bên tham gia giải quyết.
Vì vậy, ông Luyến kiến nghị nên quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng là khi có tranh chấp thì UBND cấp xã nơi có tranh chấp tổ chức hòa giải, nếu hòa giải không thành thì tùy theo tính chất, mức độ tranh chấp mà giao cho UBND cấp có thẩm quyền giải quyết; trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND, thì có thể đề nghị UBND cấp trên trực tiếp giải quyết (lần 2) hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Bên cạnh đó, ông Luyến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại Điều 226 của dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền khiếu nại của công dân, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Luật Khiếu nại; do quy định nêu trên của dự thảo Luật là làm hạn chế quyền công dân, không được khiếu nại lần 2 lên cấp trên của người giải quyết khiếu nại lần đầu và quy định này không thống nhất với quy định của Luật Khiếu nại./.