Bình Thuận nỗ lực đẩy lùi HIV/AIDS trước năm 2030
(ĐCSVN) - Tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1994, đến nay Bình Thuận có 6.798 trường hợp nhiễm HIV/AIDS (số tích lũy), trong đó chỉ có 1.781 người có địa chỉ ở Bình Thuận, còn lại nằm ở 2 trại giam của Bộ Công an là Thủ Đức và Huy Khiêm.
Chung tay đẩy lùi bệnh HIV/AIDS (Ảnh minh họa: TL) |
Trong 1.781 người nhiễm HIV địa chỉ ở Bình Thuận thì có 549 người đã chết, 1.232 người còn sống, trong đó 724 người đang được điều trị bằng thuốc ARV. Trong 11 tháng đầu năm 2023, ngành y tế Hà Nam phát hiện được 41 trường hợp nhiễm HIV.
Hơn 10 năm gần đây, khi đẩy mạnh các biện pháp phòng chống HIV như phát bao cao su, bơm kim tiêm cho nhóm nguy cơ cao là gái mại dâm, người nghiện ma túy, tăng tỉ lệ người được cai nghiện bằng Methadone và được điều trị bằng ARV, thì tốc độ lây nhiễm HIV đã chững lại. Khống chế tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư xuống dưới 0,2%. Cụ thể, 100% xã, phường, thị trấn tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhằm giảm số người nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, lây truyền qua đường tình dục; 80% người nhiễm HIV được quản lý điều trị thuốc kháng virus HIV; 80% người nghiện ma túy được tiếp cận điều trị thuốc thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone…
Trong Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay, ngành y tế Bình Thuận tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác khám điều trị cho bệnh nhân AIDS, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng các dịch vụ khám điều trị đến với người bệnh, đến gần với cộng đồng nhằm giúp nhân dân nâng cao nhận thức, cùng toàn xã hội hỗ trợ và giúp đỡ người bị nhiễm HIV/AIDS.
Bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone ở Bình Thuận. (Ảnh: TTPC HIV/AIDS) |
Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đề ra kế hoạch phòng chống HIV/AIDS năm 2023 tại tỉnh. Mục tiêu là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,2%; tạo môi trường thuận lợi cung cấp các dịch vụ thân thiện, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử người nhiễm HIV/AIDS, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hướng đến mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV và được điều trị bằng thuốc ARV, 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện và chấm dứt căn bệnh AIDS trước năm 2030.
Để đạt các mục tiêu và sẽ chấm dứt căn bệnh AIDS trước năm 2030, các giải pháp được đặt ra gồm truyền thông, tư vấn phòng chống HIV/AIDS; tư vấn xét nghiệm và xét nghiệm HIV; cung cấp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV cho đối tượng như bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị thay thế nghiện bằng thuốc Methadone. Tăng cường giám sát phát hiện ca nhiễm mới. Bên cạnh đó là chăm sóc, điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm, kể cả điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. Triển khai các hoạt động chăm sóc tại cộng đồng là cách chăm sóc ít tốn kém, giảm gánh nặng cho gia đình và các cơ sở y tế nhằm xua tan mặc cảm của người nhiễm HIV, góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử người nhiễm./.