Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình Phước tăng cường quản lý, hướng dần điều trị người mắc COVID-19 tại nhà

Thứ Năm, 23/12/2021 21:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với số ca mắc trong cộng đồng ngày càng gia tăng, tỉnh Bình Phước yêu cầu, các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý, hướng dẫn điều trị F0 không triệu chứng, mức độ nhẹ tại nhà; ưu tiên tập trung công tác điều trị cho các ca mắc COVID-19 nặng, nguy kịch để hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Tỉnh Bình Phước tăng cường quản lý, hướng dẫn điều trị F0 không triệu chứng, mức độ nhẹ tại nhà; ưu tiên tập trung công tác điều trị cho các ca mắc COVID-19  nặng (Ảnh: TTVH Phước Long)

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, tính đến chiều 23/12, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hơn 23.200 ca mắc COVID-19, hơn 9.000 trường hợp đang điều trị, trong đó 57% số ca điều trị tại nhà và trụ sở doanh nghiệp. Hiện mỗi ngày trên địa bàn Bình Phước ghi nhận khoảng 600-700 ca mắc.

Toàn tỉnh Bình Phước vẫn ở cấp độ 2; có 9/11 huyện ở cấp độ 3; 52 xã ở cấp độ 3 (tăng 15 xã so với lần công bố ngày 7/12), 17 xã ở cấp độ 4 (giảm 3 xã so với lần công bố ngày 7/12).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi số ca mắc, đặc biệt là ca mắc trong cộng đồng cao, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường yêu cầu, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện biện pháp để sớm phát hiện, đưa F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết F1 nguy cơ cao; ưu tiên tập trung công tác điều trị, nhất là các ca mắc COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch để hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Đặc biệt, các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý, hướng dẫn điều trị F0 không triệu chứng, mức độ nhẹ tại nhà; nghiên cứu chuyển khu cách ly tập trung thành cơ sở chữa bệnh để thu dung, điều trị cho bệnh nhân F0, đồng thời đẩy mạnh cách ly F1 tại nhà.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường yêu cầu Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn cho người dân các phương pháp điều trị F0 không triệu chứng tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xem xét thành lập thêm và phát huy tối đa vai trò trạm y tế lưu động ở từng địa bàn; xây dựng sẵn phương án phòng, chống dịch với biến chủng mới (Omicron) và có kịch bản ứng phó trong điều kiện số ca F0 đang điều trị vượt 10.000 ca./.

MT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN