Bình ổn giá cước vận tải dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
(ĐCSVN) – Phục vụ nhu cầu đi lại dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố chỉ đạo doanh nghiệp vận tải không tăng giá cước hoặc có thì phải đáp ứng các biện pháp bình ổn giá cước vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.
Hình ảnh tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) trước đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2019. |
Ngày 22/4, Cục Đường bộ Việt Nam đã gửi văn bản tới Sở Giao thông Vận tải (GTVT) các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm 2024.
Theo đó, Cục đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở GTVT thực hiện hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông; Tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, tại các đường ngang đường sắt; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn; rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống báo hiệu trên các tuyến đường.
Đồng thời, có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên các tuyến đường xảy ra hiện tượng nhiều “xe dù, bến cóc”, xe quá tải hoạt động để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm theo quy định.
Chỉ đạo các bến xe xây dựng và tổ chức kế hoạch phục vụ vận tải khách, huy động phương tiện chuyển tải khách của các xe bị xử lý vì chở khách quá tải; Hướng dẫn, hỗ trợ, ưu tiên hành khách ra, vào bến được thuận tiện trong mua vé; Sử dụng các hình thức bán, đặt vé trực tuyến và qua điện thoại; Niêm yết công khai và có biện pháp phòng chống đầu cơ, buôn bán vé, không để tình trạng tăng giá vé trái quy định.
Các bến xe cũng phải thực hiện đúng quy trình đảm bảo ATGT cho phương tiện ra, vào bến; Kiểm tra, kiểm soát, không cho các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật xuất bến; Phối hợp với các lực lượng công an, cảnh sát, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương lên phương án hành động đảm bảo an ninh trật tự.
Liên quan đến đơn vị kinh doanh vận tải, các Sở GTVT chỉ đạo doanh nghiệp trên địa bàn bố trí đủ số lượng phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ; Đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt của phương tiện; Không để lái xe, nhân viên phục vụ trên xe vi phạm thời gian lái xe liên tục, điều khiển phương tiện khi có nồng độ trong máu và hơi thở; truyền dẫn đầy đủ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, từ camera đúng quy định; Kịp thời chấn chỉnh những hành vi gây mất ATGT của lái xe.
Đặc biệt, doanh nghiệp vận tải không tăng giá cước hoặc có thì phải đáp ứng các biện pháp bình ổn giá cước vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan; Ưu đãi về giá vé cho những người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, khuyết tật.
Cùng với đó, phối hợp với lực lượng chức năng trong kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, người điều khiển phương tiện; Công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông, kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết, khắc phục các sự cố, tai nạn xảy ra.