Bình Dương thúc đẩy chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, chuyển đổi số chính là "chìa khóa" cho sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp. Nắm bắt xu thế này, tỉnh Bình Dương đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, bước đầu hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều cơ sở sản xuất nông sản ở Bình Dương được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP.(Ảnh: https://www.binhduong.gov.vn) |
Hiện đại hóa nông nghiệp
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã có những bước tiến vượt bậc nhờ ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến cùng với việc tận dụng những lợi thế sẵn có về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Các giải pháp canh tác thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và cảm biến đã giúp nông dân tối ưu hóa việc quản lý và chăm sóc cây trồng, vật nuôi một cách hiệu quả; từ đó giúp tăng năng suất và giảm thiểu nguồn lực, sản xuất nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.
Thực tế cho thấy, thông qua việc ứng dụng công nghệ cao, ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khắc phục và giảm thiểu rủi ro từ các yếu tố tự nhiên khó kiểm soát, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp, mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Tính đến nay, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt trên toàn tỉnh khoảng 6.413,2 hecta với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị khoảng 407,2 hecta với các loại cây trồng chủ yếu như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh.
Ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn và cấp 24 mã số vùng trồng xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Anh, Nga, New Zealand… với tổng diện tích được cấp mã là 1.185,16 hecta tập trung cho các cây trồng như: Chuối, măng cụt, sầu riêng, mít, nhãn và bưởi trên các địa bàn huyện, trong đó huyện Phú Giáo cấp được 05 mã số vùng trồng, góp phần phục vụ cho việc xuất khẩu những sản phẩm cây trồng có tiềm năng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 443 tổ chức, cá nhân đã được đánh giá chứng nhận VietGAP, GlobalGAP (260 tổ chức trồng trọt, 183 tổ chức chăn nuôi); trong đó, 132 tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ và có 103 sản phẩm của tỉnh đạt chứng nhận OCOP từ 3-4 sao.
Cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh được chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi hộ gia đình quy mô nhỏ sang chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Hiện nay, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao phát triển ổn định với 465 trại (261 trại heo, 147 trại gà, 01 trại bò, 56 trại vịt); riêng huyện Phú Giáo có 154 trại, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều công ty, trang trại chăn nuôi tư nhân trên địa bàn tỉnh là điểm sáng trong việc áp dụng chăn nuôi công nghệ cao như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, Hệ thống trại chăn nuôi Vĩnh Tân, Công ty cổ phần 3F Việt,… Ngoài ra, còn có 03 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn (Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng, Công ty TNHH Ba Huân), với tổng diện tích đất được giao là 567,91 hecta.
Hiệu quả của mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã lan tỏa rộng rãi trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với nông nghiệp, tạo nền tảng cho nông nghiệp hội nhập.
Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long là một điển hình về ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả. Trải qua 06 năm hoạt động và phát triển, đến nay, hợp tác xã Kim Long đã có diện tích nhà màng nông nghiệp canh tác dưa lưới khoảng 20 hecta. Hàng năm, cung cấp cho thị trường từ 1.500-1.800 tấn sản phẩm với doanh thu 45 tỷ đồng/năm. Sản phẩm của hợp tác xã đạt chất lượng OCOP 3 sao và Global GAP với hệ thống phân phối đa kênh gồm chợ đầu mối, các đại lý bán sỉ ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt các tỉnh, thành có phát triển du lịch. Song song đó là 4 hệ thống siêu thị lớn gồm: Bách hóa xanh, MM Mega, Go, CoopMart và các kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Vỏ sò, Sendo, Postmart…
Ông Nguyễn Hồng Quyết – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long cho biết, khi mới thành lập, Hợp tác xã chỉ có 07 thành viên, nhưng đến thời điểm hiện tại đã có đến 75 thành viên cùng hợp tác sản xuất và kinh doanh. Tất cả hệ thống trang trại được canh tác theo một quy trình, định kỳ có bộ phận kỹ thuật kiểm tra và hỗ trợ cho bà con. Hợp tác xã cũng đã áp dụng nhật ký điện tử Facefarm vào sản xuất; tổ chức nhiều chương trình tập huấn, chia sẻ những kinh nghiệm và sáng kiến mới. Ngoài ra, Hợp tác xã luôn cập nhật, học hỏi và đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó chi phí sản xuất đã giảm 20%; giảm được nhiều nhân công lao động, giảm thiểu tối đa sự tác động từ thiên nhiên, kiểm soát sâu bệnh tốt hơn. Đồng thời, giảm 70% sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng giúp cải thiện môi trường lao động nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn, mẫu mã đẹp, độ đồng đều cao cũng như tăng được năng suất cây trồng. "Năm 2023, Hợp tác xã nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long vinh dự là một trong 63 Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc" - ông Quyết vui mừng chia sẻ.
Riêng mô hình chăn nuôi công nghệ cao, hiện nay, trại gia cầm Minh Tân Phát ở huyện Dầu Tiếng do anh Lê Văn Dương làm chủ là điển hình trong quy trình truy xuất toàn diện từ giai đoạn chăn nuôi đến lưu thông thành phẩm. Trại chăn nuôi bao gồm 4 phân trại nuôi gia cầm với tổng diện tích gần 14 hecta, tổng đàn 600.000 con gà đẻ, cung ứng ra thị trường khoảng 500.000 quả trứng mỗi ngày. Anh Dương cho biết, những trại gia cầm trên đều truy xuất nguồn gốc gà từ khi 1 ngày tuổi, áp dụng quy trình khép kín trong chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh và hoàn toàn không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. "Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là công cụ đắc lực để tránh được các rủi ro về bệnh dịch, tăng hiệu quả sản xuất và hướng đến an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ" - anh Dương chia sẻ.
Đưa nông sản lên sàn Thương mại điện tử
Không thể phủ nhận hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao hiệu suất, nâng tầm chất lượng sản phẩm; góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nông dân. Trong đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được xem là định hướng tất yếu và là một trong những nội dung cấp thiết hiện nay. Thông qua chuyển đổi số đã giúp nhà nông và doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hòa nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp thông minh.
Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp cụ thể, tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, sàn thương mại điện tử đã được Bình Dương xem là giải pháp tối ưu tạo ra những kênh phân phối mới, hiện đại; đồng thời định vị đúng giá trị thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Tỉnh đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia giao dịch trên các sàn postmart.vn, Voso.vn, binhduongtrade.vn, foodmap…
Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử và 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để mua - bán trên các sàn này. Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đặt ra mục tiêu năm 2023 có trên 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có gian hàng số trên các sàn TMĐT và có trên 60% số hộ có tài khoản thanh toán điện tử.
Các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch mua bán trên các sàn thương mại điện tử được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; được hướng dẫn đăng ký tài khoản kinh doanh, tài khoản thanh toán trực tuyến, thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm nông nghiệp được quảng bá, giới thiệu thông qua sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn; mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số. Ngoài ra, các hộ sản xuất nông nghiệp còn được hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh. Tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Hệ thống này đóng vai trò quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm.
Chia sẻ về định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2030, ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngoài nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch tại 4 huyện phía Bắc là Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Trọng tâm là tích cực ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất công nghệ cao, tạo ra những đột phá rõ nét.
Nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 – 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực tuyên truyền, hỗ trợ chủ thể sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thực hiện giao dịch nông sản kết nối cung cầu trực tuyến.
Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các hợp tác xã, người nông dân.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy chuyển đổi số ngành Nông nghiệp toàn diện hơn nữa trong thời gian tới, ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Nhân dân tỉnh khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và cũng là công cụ hiệu quả tạo giá trị gia tăng cho nông sản, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả của ngành và bảo đảm phát triển bền vững. Tỉnh Bình Dương cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, có 70% số xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, vùng trồng và tiếp cận thị trường.
Việc chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp"; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tích cực phối hợp thực hiện chuyển đổi số toàn diện, phát triển thương mại điện tử, xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình làng thông minh; nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng thị trường tiêu thụ hướng đến phát triển bền vững./.