Bình Dương: Tạo đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội
(ĐCSVN) - Bình Dương chủ trương xem khoa học công nghệ không phải hoạt động độc lập mà gắn liền với các ngành khác, với nhu cầu thị trường mà doanh nghiệp là trung tâm, hỗ trợ để các ngành tăng trưởng hiệu quả hơn, đặc biệt trong kỷ nguyện 4.0. Từ quan điểm đó, tỉnh đã xây dựng chiến lược tập hợp nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia, tạo đòn bẩy bứt phá thành vùng công nghiệp trọng điểm của cả nước.
Để triển khai, TP Thủ Dầu Một đẩy mạnh mô hình ba nhà gồm, nhà nước- nhà doanh nghiệp- viện trường. (Ảnh: Phú Đức) |
Từ thực tiễn triển khai gắn với thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành trung ương khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tại Bình Dương đã có những đặc sắc mang tính sáng tạo riêng.
Thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua Đề án Thành phố thông minh
Trong tham luận gửi đến Hội thảo khoa học tổng kết Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XI được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bình Dương nêu rõ: Thành phố thông minh (TPTM) xác định rõ lấy khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) làm nền tảng để có thể bứt phá trong thời đại 4.0. Vì vậy, phát triển KHCN đều được lồng ghép trong tất cả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Để triển khai, TPTM đẩy mạnh mô hình ba nhà gồm, nhà nước- nhà doanh nghiệp- viện trường.
Để thực hiện TPTM, tỉnh Bình Dương đã đề ra 4 lĩnh vực hành động cụ thể, đó là: con người, doanh nghiệp, các yếu tố nền tảng và công nghệ. Trong đó rất chú trọng phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy ĐMST để hướng đến xây dựng TPTM. Cụ thể, đứng trên tinh thần của Nghị quyết 20, Bình Dương đặc biệt đưa ra 1 chương về KHCN, ĐMST để tập trung đầu tư phát triển. Tỉnh triển khai các dự án hướng đến mục đích khuyến khích sự sáng tạo, hợp tác và chuyển giao tri thức, gắn kết được công nghệ với các ngành trọng điểm và đời sống xã hội; tăng cường và thu hút các hoạt động nghiên cứu và phát triển; tạo điều kiện để công nghệ mới được thí điểm tại các môi trường thực tế, vừa hỗ trợ cho nghiên cứu, đồn thời cải thiện đời sống của người dân.
Bình Dương xác định cần phải có một nền tảng tri thức vững chắc với phương châm chính quyền lãnh đạo cũng như hỗ trợ, tập hợp các viện trường, các công ty không chỉ trong nước mà cả các tập đoàn đa quốc gia cùng chung tay xây dựng. Thông qua TPTM, Bình Dương đã quy hoạch những khu vực để tập trung nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mà tiêu biểu là Vùng thông minh Bình Dương, được tiên phong phát triển theo 6 tiêu chí cũng là những nền tảng cơ bản quan trọng để phát triển đô thị thông minh, kinh tế tri thức, kinh tế số. Bình Dương đã tập trung thu hút nguồn lực, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, từ đó phát triển dịch vụ hợp tác thu hút quốc tế.
Đặc biệt, Bình Dương xác định vai trò quan trọng của việc thu hút nguồn lực, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, người dân cùng tham gia phát triển khoa học công nghệ.
Một trong những sự hợp tác mang đến hiệu quả cao đó là hợp tác giữa nhà nước và Tổng Công ty Becamex. Với kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái công nghiệp của tập đoàn, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương và định hướng của Đề án TPTM, Becamex đã tập trung nguồn lực phát triển hệ sinh thái ĐMST khởi nghiệp tại Thành phố mới Bình Dương tại Thành phố Thủ Dầu Một. Thành phố mới là trung tâm chính trị xã hội của tỉnh Bình Dương, là nơi có trung tâm hành chính tỉnh và hạ tầng đô thị hiện đại, cả về giao thông vận tải lẫn kỹ thuật công nghệ. Thành phố mới đặc biệt có các đại học quốc tế, với những chương trình đào tạo quốc tế, giảng viên trong và ngoài nước, tập trung vào các ngành trọng yếu phục vụ cho nền tảng phát triển công nghiệp của tỉnh… là những trụ cột trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các nhà máy hiện đại, đồng thời đặt nền móng cho việc phát triển các công cụ sản xuất mới, cải tiến và nâng cấp nền tảng công nghiệp thông qua các đề tài nghiên cứu và phát triển. Trong điều kiện đó, Thành phố mới đã trở thành một “Living Lab” cho TPTM Bình Dương – để thí điểm các ý tưởng, công nghệ mới, tạo ra một nền tảng vững chắc để lan tỏa ứng dụng đồng bộ toàn tỉnh Bình Dương và chia sẻ với khu vực.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, qua đó thu hút nguồn lực thế giới, cũng như làm cầu nối đưa tỉnh vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp được tỉnh khuyến khích đầu tư nghiên cứu phát triển KHCN mở ra các quỹ KHCN của doanh nghiệp, năm 2022 dự kiến trên dưới 200 tỷ. Các doanh nghiệp cũng đồng thời tham gia trực tiếp vào công tác nghiên cứu, chủ động cùng các viện, trường tổ chức nghiên cứu, chủ động triển khai nhiều đề tài giải quyết các vấn đề thực tiễn. Bình Dương cũng mở rộng hợp tác với các viện trường đại học lớn, mở ra các chương trình nghiên cứu với nhiều đề tài thực tiễn và tạo đột phá, trực tiếp hỗ trợ các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức. Tỉnh đặc biệt phối hợp chặt chẽ với Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực giai doạn 2017- 2022, đa dạng hóa đối tác và đẩy mạnh liên kết trong và ngoài nước…
Phát triển khu CN KHCN sẽ đẩy mạnh hoạt động đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy hợp tác “ba nhà” và tạo thuận lợi trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh minh họa: Phú Đức) |
Xây dựng tiền đề quan trọng sẵn sàng cho hệ sinh thái ĐMST giai đoạn mới
Hiện nay, tỉnh Bình Dương xác định rõ giai đoạn tới Đề án TPTM- trong đó KHCN ĐMST là động lực, sẽ được tỉnh đặc biệt đầu tư phát triển, là mũi nhọn để đột phá vươn tầm quốc tế và đưa nhiệm vụ quan trọng này vào chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở đó, với 4 lĩnh vực “con người:, “doanh nghiệp”, “công nghệ”, “các yếu tố nền tảng” Bình Dương triển khai thêm hàng loạt các chương trình quy mô lớn hơn, nhấn mạnh hơn vào nền tảng chính là ĐMST, tập trung xây dựng những tiền đề quan trọng để chuẩn bị cho hệ sinh thái ĐMST giai đoạn mới.
Bên cạnh 4 lĩnh vực, Bình Dương đồng thời đẩy mạnh thêm ba trụ cột mới trong đề án TPTM gồm: Phát triển môi trường sinh thái, xanh sạch, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn; An sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người dân, tạo điều kiện để phát huy nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia vào quá trình phát triển; Chuyển đổi số, phát triển công nghệ số và các công nghệ chủ đạo trong kỷ nguyên 4.0.
Đại diện lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Bình Dương cho biết: Giai đoạn tới, trọng tâm của Bình Dương là tiếp tục mở rộng vùng thông minh Bình Dương, đặt ra những tầm nhìn chiến lược mới, tập trung hơn nữa vào KHCN, ĐMST và khởi nghiệp, gọi là Vùng DDMST Bình Dương, kết nối trục giữa từ nam đến bắc của tỉnh, trong đó Thành phố mới thuộc Thủ Dầu Một là trung tâm. Nhiều công trình lớn được quy hoạch, hướng về xây dựng một hệ sinh thái ĐMST, trong đó tiêu biểu là Khu công nghiệp khoa học công nghệ, gắn kết với các trung tâm đô thị và công nghiệp của tỉnh thông qua các trục giao thông lớn; tích hợp các chức năng khu công nghiệp dành cho cả các doanh nghiệp lẫn các khởi nghiệp, khu KHCN ĐMST và cụm trường đại học kết hợp với phát triển đô thị đáng sống, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…/..