Bình Dương: Phấn đấu trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
(ĐCSVN) - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành logistics của Bình Dương có đầy đủ tiềm năng nội tại để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của địa phương. Đồng thời, với thế mạnh của mình, trong tương lai, Bình Dương sẽ vươn lên thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển dịch vụ logistics.
Các DN tối ưu hóa nguồn lực, chuyển đổi số hạ giá thành Logistics. Trong ảnh: Cảng An Sơn. (TP Thuận An) |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, Quy hoạch chỉ rõ phải phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Tây Ninh.
Riêng đối với Bình Dương, những năm qua, địa phương đã tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển dịch vụ logistics.
Đến nay, hệ thống trung tâm logistics, phương tiện vận chuyển của tỉnh Bình Dương liên tục được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ; đáp ứng được nhu cầu lưu trữ, trung chuyển phục vụ thương mại nội địa và xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực.
Bình Dương đã hình thành được chuỗi liên kết dịch vụ logistics cấp vùng với hệ thống hạ tầng gồm: 15 trung tâm logistics quy mô lớn, trong đó có 03 ICD và 01 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất-nhập khẩu hàng hóa; hình thành 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 02 kho CFS đang hoạt động phục vụ tốt cho các hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp và thực hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành trong khu vực và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, Bình Dương xác định logistics là ngành kinh tế trọng điểm trong chiến lược phát triển với định hướng trở thành trung tâm logistics vệ tinh, phục vụ cho các khu công nghiệp trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đại diện các doanh nghiệp tham quan triển lãm Logistics 2024 tại Bình Dương. |
Bình Dương đặt mục tiêu năm 2025 và những năm tiếp theo, địa phương sẽ tập trung xây dựng hạ tầng logistics theo hướng hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng lớn, đồng thời góp phần giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Hiện nay, Bình Dương đang hoàn thiện các tuyến đường huyết mạch kết nối với vùng Đông Nam bộ theo hướng kết nối về cảng biển sân bay quốc tế như sân bay Long Thành, cảng Cái mép – Thị Vải hay một số phân đoạn trên đìa bàn Bình Dương thuộc tuyến Vành Đai 3, Vành Đai 4, tuyến cao tốc Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh ở phía Bắc…
Đến năm 2050, Bình Dương phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của toàn vùng và khu vực phía Nam, liên kết trực diện ra quốc tế với 5 nền tảng giá trị cơ bản, gồm: Hệ thống kho bãi đa dạng và sẵn sàng cho các loại hàng hóa khác nhau từ ngành công nghiệp và thương mại điện tử; hạ tầng giao thông đa phương tiện, kết nối xuyên suốt đến các tỉnh, thành và các cảng hàng không, cảng biển trong khu vực; vận chuyển nhanh chóng và linh hoạt với các loại phương tiện vận chuyển đa dạng, dành cho các loại mặt hàng khác nhau; tự động hóa và số hóa quy trình thông qua việc ứng dụng công nghệ mạng lưới "vạn vật kết nối", AI trong vận hành và quản lý quy trình luân chuyển hàng hóa, kiểm soát lộ trình; hệ thống giám sát thông minh trong quá trình vận chuyển.
Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ chuyên môn về logistics đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đây cũng là giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ ở mức độ 3 (3PL), 4 (4PL), hướng đến mức độ 5PL - Logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các phương thức vận tải xuyên biên giới, khuyến khích ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Với hướng đi của mình và đóng góp của các doanh nghiệp trong những năm qua, Bình Dương đang hướng tới phát triển hệ sinh thái logistics xanh, bền vững. Việc chuyển đổi logistics sang hướng xanh trở thành một yêu cầu không thể bỏ qua trong bối cảnh toàn cầu hóa đang hướng tới sự phát triển bền vững.
Có thể nói với lợi thế về vị trí chiến lược, có thế mạnh về phát triển công nghiệp cùng với kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, khu/cụm công nghiệp được quy hoạch phát triển đồng bộ, Bình Dương hoàn toàn có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển, trở thành trung tâm dịch vụ, hỗ trợ công nghiệp và khoa học - công nghệ của vùng Đông Nam bộ và khu vực phía Nam. Trong đó, ngành logistics có đầy đủ tiềm năng nội tại để trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương trong tương lai./..