Bình Dương đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp
(ĐCSVN) - Tại tỉnh Bình Dương, thời gian qua, tất cả các lĩnh vực đều đã tích cực thực hiện chuyển đổi số, trong đó có các doanh nghiệp. Với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động đã giúp cho các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Chuyển đổi số hiện đang trở thành một xu thế, một động lực thúc đẩy quan trọng trong phát triển của xã hội nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng.
Tại tỉnh Bình Dương, thời gian qua, tất cả các lĩnh vực đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, sản xuất, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và bước đầu đã tạo sự lan tỏa trong hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động đã giúp cho các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. |
Hiện Bình Dương có khoảng 65.000 doanh nghiệp (97% doanh nghiệp nhỏ và vừa), trong đó có trên 45.000 doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số và có hơn 13.000 doanh nghiệp với gần 56.000 lao động cung cấp, kinh doanh điện, điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ số đang hoạt động. Ngoài sự chủ động, sáng tạo, đổi mới và nỗ lực của doanh nghiệp trong việc triển khai mạnh mẽ những ứng dụng của công nghệ thông tin, những mô hình, giải pháp mới, hiệu quả vào trong sản xuất kinh doanh thì để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số, rất cần tới vai trò của Nhà nước
Trước tình hình thực tế đó, nằm trong các hoạt động trọng tâm của công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình Dương vừa triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Chương trình hướng tới mục tiêu là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan về hoạt động chuyển đổi số, tỉnh sẽ áp dụng bộ chỉ số chuyển đổi số trong doanh nghiệp để đánh giá rộng rãi tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp doanh nghiệp xác định được thực trạng trong quá trình chuyển đổi số từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Đồng thời, đưa ra bức tranh tổng thể về chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp số trong từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, cần tổ chức khen thưởng, vinh danh các doanh nghiệp điển hình trên địa bàn tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, các doanh nghiệp đạt thứ hạng cao trong mức độ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Trong thời gian tới các đơn vị chức năng của tỉnh sẽ lựa chọn các nền tảng số xuất sắc trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế để giới thiệu, tư vấn cho các doanh nghiệp xem xét, ứng dụng. Đồng thời, tổ chức trao đổi, kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số xuất sắc; ký kết thỏa thuận hỗ trợ, hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số xuất sắc để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp, vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. |
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, xử lý thủ tục hành chính. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử… tìm kiếm thị trường, chào bán sản phẩm trực tuyến…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, để thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp thì địa phương cần tiên phong chọn triển khai chuyển đổi số một số khâu trong từng ngành, lĩnh vực sang online, dùng các khâu online này để tăng tốc, thúc đẩy các khâu còn trong các ngành công nghiệp; tiên phong ứng dụng trợ lý ảo, AI phát triển bởi Việt Nam tới tất cả các khâu sản xuất; thí điểm đánh giá kinh tế số, tới cấp huyện trực thuộc tỉnh; thí điểm sàn giao dịch dữ liệu; chuyển đổi số xây dựng hình mẫu đô thị thông minh và khu công nghiệp thông minh... Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương cần thành lập bộ phận tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Từ đó hướng dẫn doanh nghiệp tự đánh giá và tìm các nền tảng chuyển đổi số phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Cùng với đó triển khai các sáng kiến thúc đẩy thanh toán số như: làng số, xã số, khu phố không dùng tiền mặt… từ đó nhân rộng, lan tỏa trên địa bàn tỉnh.
Được biết, trong thời gian qua, Bình Dương đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực này như đã và đang hình thành quy hoạch cụ thể dự án Khu công nghiệp Khoa học công nghệ đặt tại huyện Bàu Bàng; Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC) đã đi vào hoạt động; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistics đường sông, đường sắt; triển khai Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh Bình Dương; Hệ thống thông tin địa lý GIS trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính; truyền thông định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế; kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại; tiếp tục xây dựng và phát triển làng thông minh...
Hi vọng, với những giải pháp trên sẽ góp phần tạo tiền đề, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn, đóng góp tích cực vào chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số cho tỉnh Bình Dương.
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số thông qua nhiều hoạt động. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh năm 2022 xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2021... Đặc biệt, hoạt động kinh tế số được tỉnh đẩy mạnh triển khai nhằm hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, với lộ trình thực hiện để kết nối, quảng bá, giới thiệu thêm sản phẩm, các kênh phân phối mới. |