Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Biệt đội những chiến binh F0”

Thứ Năm, 07/10/2021 16:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Không phân biệt độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính, với mong muốn chung tay hỗ trợ lực lượng y tế, tiếp sức và chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19, thời gian qua, nhiều F0 sau khi được điều trị khỏi bệnh đã tình nguyện ở lại các bệnh viện để tham gia công tác chăm sóc, chưa bệnh cho những bệnh nhân khác.

Dịch COVID-19 tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống, kinh tế xã hội, nhất là ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người. Biết ơn đội ngũ y, bác sĩ và đồng cảm với những bệnh nhân đang “giành giật” từng hơi thở, nhiều F0 sau khi khỏi bệnh đã tự nguyện ở lại bệnh viện để hỗ trợ, trực tiếp chăm sóc các F0 nặng. Việc làm nghĩa tình của những cá nhân này đã và đang giúp lan tỏa truyền thống tương thân tương ái, là biểu tượng sinh động về tinh thần sẻ chia của con người trong hoạn nạn, khó khăn.

“Cha mẹ đã sinh ra, nhưng mọi người ở đây đã tái sinh ra con lần thứ hai. Con mong Ban Giám đốc Bệnh viện cho con ở lại, tham gia đội thiện nguyện của bệnh viện, cho con được đóng góp một chút công sức của mình trong cuộc chiến sống còn chống COVID-19…”, đó là những dòng tâm thư của một F0 khỏi bệnh, anh Đặng Minh Tân, 37 tuổi gửi Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh). Anh Đặng Minh Tân phát hiện dương tính với COVID-19 vào tháng 8/2021. Trong suốt quá trình nằm viện, anh Tân tận mắt chứng kiến và cảm nhận được sự hy sinh, vất vả của các y, bác sĩ. Xuất phát từ mong muốn được san sẻ gánh nặng, giảm tải áp lực cho lực lượng y tế, sau khi khỏi bệnh, anh Tân đã xin ở lại bệnh viện để trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân F0. Hàng ngày, anh Tân đi từng giường bệnh để động viên tinh thần, truyền cảm hứng cho bệnh nhân từ chính câu chuyện mà bản thân mình đã vượt qua. Tại nơi tâm dịch, được bệnh nhân gọi với cái tên “Biệt đội những chiến binh F0”, nhóm tình nguyện do anh Tân làm đội trưởng đã cố gắng chung tay cùng lực lượng tuyến đầu ngăn chặn và đầy lùi dịch COVID-19.

Anh Lê Ngọc Hùng Sơn, tình nguyện viên tại Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 số 1 Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh sau khi điều trị khỏi COVID-19. (Ảnh: NB). 

Câu chuyện về một người thanh niên sau khi chiến thắng COVID-19 sẵn sàng ở lại bệnh viện để chăm sóc các F0 cũng đang lan tỏa những cảm hứng tích cực đến rất nhiều người. Đó là anh Lê Ngọc Hùng Sơn, người từng ở trong tình trạng nguy kịch giữa ranh giới “sinh tử” với COVID-19. Sau khi khỏi bệnh, anh đã xin ở lại Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 số 1 Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) để chăm sóc các bệnh nhân nặng. Được cán bộ y tế hướng dẫn, đến nay, anh Sơn có thể làm thuần thục các công việc của một điều dưỡng viên như: đo huyết áp, kiểm tra thân nhiệt và nhịp thở của bệnh nhân… Anh Đặng Minh Tân hay anh Lê Ngọc Hùng Sơn chỉ là 2 trong số những F0 sau khi điều trị khỏi COVID-19 sẵn sàng xung phong ở lại bệnh viện để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nặng.

Anh Nguyễn Tiến Long, ở đường Chu Văn An (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Quyết định ở lại bệnh viện, khu cách ly điều trị COVID-19 để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của các F0 khỏi bệnh khiến tôi rất cảm động. Họ hoàn toàn có thể lựa chọn trở về nhà, nơi có những người thân vẫn đang mong ngóng. Nhưng chính tình yêu thương, lòng biết ơn, đã thôi thúc họ ở lại, “đồng cam cộng khổ” cùng lực lượng tuyến đấu chống dịch, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng…”. 

Ghi nhận thực tế cho thấy, thời gian qua, đã có ngày càng nhiều trường hợp F0 khỏi bệnh xin được ở lại làm tình nguyện viên tại các bệnh viện điều trị COVID-19. Họ chủ động viết thư, bày tỏ sự cảm kích và nguyện vọng được sẻ chia, đóng góp sức mình vào cuộc chiến chống dịch. Đó có thể là những đầu bếp, nhạc công, sinh viên, lao động phổ thông, công nhân, võ sĩ… Dù độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính khác nhau nhưng mỗi tình nguyện viên đều có chung một mong muốn, đó là được tham gia chống dịch. Mỗi người một công việc, người phụ trách cấp phát đồ ăn, chuyển oxy, người thăm khám cho bệnh nhân để kịp thời báo cáo tình hình sức khỏe với nhân viên y tế.

Tình nguyện viên là F0 đã được điều trị khỏi bệnh tình nguyện ở lại bệnh viện thực hiện các công việc phát cơm, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện dã chiến số 1, cơ sở Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: DC).

Nhiều tháng qua, những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 đã tạo những áp lực lớn đối với hệ thống y tế cả nước nói chung, và với đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 nói riêng. Chính vì vậy, sự tham gia hỗ trợ của đội ngũ tình nguyện viên đã trực tiếp góp phần san sẻ khối lượng công việc của đội ngũ nhân viên y tế.

Hơn ai hết, chính người từng chiến thắng COVID-19 là những người hiểu rõ nhất tâm lý của bệnh nhân. Họ không chỉ là những người trực tiếp chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, mà còn truyền thông điệp tích cực, giúp người bệnh thêm lạc quan và giữ vững niềm tin để vượt qua bệnh tật, sớm điều trị khỏi bệnh.

Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vì cộng đồng, những trường hợp F0 khỏi bệnh tình nguyện ở lại bệnh viện đã trở thành là “cánh tay nối dài” của lực lượng y tế trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Hành động của những cá nhân này không chỉ giúp giảm tải áp lực cho cán bộ, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ, mà còn làm tăng cơ hội phục hồi cho người bệnh; thể hiện lòng biết ơn, sự dũng cảm, đồng thời cũng là biểu tượng đẹp về tinh thần tương thân tương ái đang lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội./.

Ngọc Mai

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN