Biện pháp nào tiếp tục ổn định thị trường vàng?
(ĐCSVN)- Ngày 27/5 Ngân hàng Nhà nước đã thông báo việc dừng đấu thầu vàng. Và dự kiến ngày 3/6 tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ triển khai phương án bình ổn thị trường vàng mới thay thế cho giải pháp này. Theo các chuyên gia kinh tế, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, để bình ổn thị trường vàng nhà quản lý đang tính đến giải pháp căn cơ đó là đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp.
Ảnh minh hoạ: M.P |
Từ đầu năm đến nay thị trường vàng có lẽ là thị trường hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nhiều nhất. Giá vàng thế giới và trong nước liên tục lập đỉnh mới. Trong đó khi phân tích về giá vàng tăng, giới chuyên gia chỉ ra các nguyên nhân, nhu cầu vàng thế giới tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu từ thị trường mua bán vàng không qua sàn giao dịch tập trung (OTC). Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council), nhu cầu vàng toàn cầu năm 2023 (không bao gồm thị trường phi tập trung OTC) giảm xuống còn 4.448,4 tấn, giảm 5,3% so với năm 2022. Tuy nhiên, khi gộp cả nhu cầu từ thị trường mua bán vàng không qua sàn giao dịch tập trung (OTC) và các nguồn khác, tổng nhu cầu về vàng đã tăng lên mức kỷ lục hàng năm mới là 4.899,8 tấn, cao hơn năm 2022 khoảng 3,1%. Đặc biệt, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ… liên tục mua và tích trữ vàng số lượng lớn trong thời gian qua.
Chưa kể, các biến động về địa chính trị cũng như leo thang quân sự đã khiến nhiều ngân hàng trung ương đã chọn cách mua và dự trữ vàng vật lý nhiều hơn. Các nhà đầu tư gom vàng với nhận định vàng luôn là hầm trú ẩn an toàn chống lạm phát và chống khủng hoảng.
Trước biến động rất mạnh của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng tăng như vũ bão, khoảng cách giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới thường xuyên ở mức 18 – 20 triệu đồng/ lượng, giá vàng có thời điểm chạm đỉnh 92,4 triệu đồng/ lượng. Các thông điệp phải giữ ổn định thị trường vàng liên tục được đưa ra, Ngân hàng nước buộc phải sử dụng lại biện pháp đấu thầu vàng sau 11 năm.
Và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chủ trương đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, từ ngày 19/4/2024 đến nay, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường với tổng khối lượng 48.500 lượng. Loại vàng miếng đấu thầu là vàng SJC do NHNN tổ chức sản xuất, hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá. NHNN thông báo giá sàn bán vàng miếng, các thành viên tham gia đấu thầu căn cứ các nội dung trong thông báo đấu thầu bán vàng miếng của NHNN để tiến hành đặt thầu theo giá.
Việc NHNN tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, từ đó “hạ nhiệt” giá vàng. Tuy nhiên đến nay mục tiêu này chưa hoàn thành. Đáng chú ý càng đấu thầu vàng giá vàng càng cao, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới được kéo xa.
Cụ thể tại thời điểm 9 giờ sáng 23/4, trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên của năm 2024, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,7 - 82,9 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra), trong khi giá trúng thầu vàng của NHNN là 81,32 triệu đồng. Thời điểm này giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới sau quy đổi khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Đến phiên đấu thầu gần đây nhất ngày 23/5, doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng đã mua được vàng từ NHNN với giá trúng thầu cao nhất là 88,73 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 88,72 triệu đồng/lượng. Cũng tại thời điểm chiều ngày 23/5 giá vàng SJC đứng 89,8 triệu đồng/lượng (bán ra) - 87,8 triệu đồng/lượng (mua vào). Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 15 triệu đồng/lượng.
Đến thời điểm chiều ngày 28/5, sau khi NHNN dừng đấu thầu vàng và hứa thay thế bằng biện pháp khác giá vàng đã lại vọt tăng vượt 90 triệu đồng/ lượng, khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế là 18 triệu đồng/ lượng.
Với lịch sử của đấu thầu vàng, cho thấy trước và sau đấu thầu vàng, khoảng cách vàng trong nước và thế giới đã được nhân đôi từ 7 triệu lên 15 triệu đồng/ lượng.
Chuyên gia kinh tế GS-TS Hoàng Văn Cường phân tích, để tăng cung thì Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu, nhưng càng đấu thầu thì giá lại càng tăng, khoảng cách với giá vàng thế giới cũng tăng theo. Rõ ràng giải pháp đấu thầu là không đạt được mục tiêu. Tôi cho rằng, có lẽ việc đấu thầu – cụ thể là cơ chế đấu thầu lại là một tác nhân khiến giá vàng tăng.
Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, giá sàn đấu thầu ban đầu cao hơn giá trị trường, thì đương nhiên người trúng thầu phải trả cao hơn giá sàn. Mà đã trúng thầu thì tức sẽ là người trả cao nhất, giá cao nhất, thì bán ra phải cao hơn nữa. Vậy mục tiêu của đấu thầu là chọn được người nào trả giá cao chứ không phải mục tiêu kéo giá vàng sát với thị trường. Do vậy đấu thầu vàng, nếu muốn giảm xuống sát với giá vàng thế giới thì phải đấu thầu ngược. Đơn vị nào trả giá thấp nhất thì người đó thắng thầu. Giá sàn tham chiếu để đấu thầu cũng phải lấy từ giá vàng thế giới chứ không phải là lấy giá trong nước.
Theo ông Hoàng Văn Cường, kết quả đấu thầu vàng đã không đạt mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước, mà ở góc độ nào đó việc đấu thầu còn là tác nhân đẩy giá vàng lên cao hơn. Bởi việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu là chưa phù hợp, khó có thể kéo giá trong nước đi xuống như mực tiêu.
Thị trường vàng là thị trường chung của thế giới, mặc dù thị trường vàng Việt Nam tương đối biệt lập với thế giới, nhưng nguồn vàng không từ nguồn nhập khẩu chính ngạch thì nó lại vẫn tuồn về từ nước ngoài qua khâu buôn lậu.
Hiện tại, các cuộc khủng hoảng trên thế giới, nhất là khủng hoảng địa chính trị đã làm tăng vị thế của vàng như là nơi trú ẩn tài chính an toàn. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thời gian này có sự bất định: NH mốn giảm lãi suất thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng họ rất kiên trì kiểm soát lạm phát. Do vậy, đã làm cho giá trị của USD giảm, từ đó đẩy giá vàng tăng theo. Thị trường vàng được thuận lợi do FED có thể sẽ giảm lãi suất, tất cả các yếu tố đã đẩy giá vàng lên và tác động đến giá vàng trong nước.
Ở trong nước, nhu cầu vàng tăng mạnh, đây là do yếu tố tâm lý khi nhiều người có tiền thấy rằng các kênh đầu tư như chứng khoán không ổn định, bất động sản trầm lắng, lãi suất ngân hàng giảm, ngoại tệ khó mua… Do đó, vàng là kênh nổi bật!
Chuyên gia trang giavang.net Trương Vi Tuấn cho rằng, khi phương án đấu thầu vàng không làm giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới, việc Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu bán vàng miếng là dễ hiểu. Điều này tạm thời dẫn đến nguồn cung bị hạn chế, trong khi sức mua vàng trên thị trường vẫn lớn nên giá vàng miếng sẽ giữ ở mốc cao.
Vị chuyên gia này cho hay, các diễn biến tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn mới là điều cần chú ý. Theo đó, thị trường vẫn tập trung sự chú ý vào việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 04 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đang áp dụng, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC) không được nhập, dập vàng miếng. Khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý và trong thời gian qua cũng không phát hành thêm vàng miếng. Vì vậy, nguồn cung vàng miếng bị khan hiếm và giá chênh lệch trong nước và thế giới luôn ở mức cao, trên 15 triệu đồng/lượng.
Theo vị chuyên gia này, trường hợp nếu bỏ độc quyền vàng miếng, các doanh nghiệp khác như PNJ, DOJI được sản xuất vàng miếng, điều này sẽ khiến giá vàng miếng kéo sát lại gần với giá vàng nhẫn, vàng trang sức. Có thể nói, chỉ khi chính sách độc quyền vàng miếng thay đổi mới tạm thời tác động đến giá vàng miếng.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cũng phân tích, thời gian qua, giá vàng trong nước chênh lệch so với vàng thế giới đi từ việc hai thị trường này không liên thông với nhau, bởi NHNN không nhập khẩu vàng nên trở thành bình không thông nhau. NHNN chính là cái van để chặn giữa các bình thông nhau.
Ngoài ra, giá vàng trong nước liên tục neo cao có thể bị tác động những yếu tố khác: như tâm lý sợ lạm phát của người Việt, người ta nhìn giá vàng như hàn thử biểu đoán định tình hình lạm phát, tâm lý lo ngại lạm phát lên cao mua vàng để đảm bảo tài sản.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trên thế giới có những Ngân hàng Trung ương (NHTW) quản lý thị trường vàng, nhưng đa phần các nước tiên tiến chỉ quản lý chính sách tiền tệ, vàng được xem là các sản phẩm không phải tiền tệ, cần có cơ quan ngoài chính sách quản lý tiền tệ để quản lý thị trường vàng.
NHNN cần xem xét để cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng nhập khẩu, tăng nguồn cung cho thị trường vàng. Có thể tháo gỡ nhãn hiệu SJC, để nhãn hiệu này không còn độc quyền và để các sản phẩm trên thị trường vàng có sự bình đẳng. Khi số lượng đáp ứng nhu cầu chắc chắn thị trường vàng đi vào sự ổn định.
Để giải quyết được căn nguyên vấn đề, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng sàn giao dịch vàng trong đó giao dịch mua bán thể hiện rõ trên thị trường như chứng khoán, từ đó người dân nhận định đúng thực tế sẽ giảm bớt cơn sốt vàng, giảm bớt hiện tượng bầy đàn, xô nhau đi mua vàng…
Bên cạnh đó giao dịch vàng lớn phải qua chuyển khoản bởi các giao dịch vàng sử dụng tiền mặt sẽ không để lại dấu vết sẽ khó thu thuế hay tìm được tội phạm rửa tiền. Do đó, những giao dịch 100 triệu đồng phải chuyển khoản để lại dấu vết. Tất cả những giao dịch vàng cần phải đóng thuế, vì hiện tại người mua bán vàng trên thị trường không phải đóng thuế...
Các chuyên gia nhận định, để bình ổn thị trường vàng nhà quản lý đang tính đến giải pháp căn cơ đó là đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp, thay vì sử dụng giải pháp tình thế vừa qua là đấu thầu vàng.
Nhóm Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VERP) và Bộ phận Nghiên cứu vĩ mô của Think Future (đứng đầu là Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế và là nhà sáng lập của Think Future Consultancy) nói các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối, mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì./.