Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang: Nâng cao chất lượng giáo dục, tránh tối đa "bệnh thành tích"

Thứ Sáu, 26/08/2022 08:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh giao Sở Giáo dục và Đào tạo cùng cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát lại đội ngũ cán bộ cũng như có phương án để phát huy tối đa vai trò, vị trí của người đứng đầu từng cấp, bậc Giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh; đánh giá khách quan năng lực, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên để có phương án đào tạo, tập huấn bài bản; quan tâm sâu sắc tới việc dạy tiếng phổ thông cho cấp bậc Mầm non...

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Phi Anh) 

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chiều 25/8, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành GD&ĐT trong thời gian qua.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Sở GD&ĐT cùng cấp ủy, chính quyền của từng địa phương rà soát lại đội ngũ cán bộ cũng như có phương án để phát huy tối đa vai trò, vị trí của người đứng đầu từng cấp, bậc Giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, từng cá nhân trên từng vị trí công tác phải tự xem xét, đánh giá lại bản thân về trách nhiệm, kỷ cương cũng như về nghiệp vụ, chuyên môn để xây dựng giải pháp tự hoàn thiện bản thân nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao. Riêng với đội ngũ giáo viên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý cần đánh giá năng lực, nghiệp vụ, chuyên môn một cách khách quan để có phương án, giải pháp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng bài bản kết hợp với bồi dưỡng về tư tưởng, đạo đức cho giáo viên vững tâm, chuyên sâu với nghề. Về vấn đề điểm trường, cần rà soát, xây dựng phương án ghép hiệu quả, thiết thực và thuận lợi nhất cho thầy, trò theo tình hình thực tế của từng địa phương.

Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, toàn ngành GD&ĐT và các địa phương cần quan tâm sâu sắc tới việc dạy tiếng phổ thông cho cấp bậc Mầm non, đảm bảo khi học xong bậc Tiểu học phải nói thông, viết thạo tiếng phổ thông để tạo đà cho học sinh học tốt hơn ở các cấp, bậc tiếp theo. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố cần có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà song song với nâng cao chất lượng các trường chuyên, lớp chọn.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Phi Anh) 

Về nhiệm vụ năm học mới 2022 – 2023, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đề nghị cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể thực hiện Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, đảm bảo thiết thực và tránh tối đa bệnh thành tích. Cùng với đó, cũng cần có chương trình khen thưởng, biểu dương kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác GD&ĐT cũng như có phương án nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong sự nghiệp phát triển GD&ĐT.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, riêng đối với việc triển khai Nghị quyết số 27 về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm đưa nội dung tuyên truyền bài trừ hủ tục vào trường học, từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức cho thế hệ trẻ, con em của đồng bào dân tộc thiểu số…

Tại buổi làm việc, Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang đã nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Đảng ủy Sở GD&ĐT báo cáo kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025; kết quả năm học 2021 – 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm học 2022 – 2023.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đến nay tỉnh Hà Giang đã thành lập được 8 trường PTDT nội trú THCS&THPT các huyện, hoàn thành trước thời gian đề ra. Đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang trên cơ sở Trường Cao đẳng sư phạm. Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang hiện có hơn 18 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 820 cơ sở giáo dục và trung tâm Học tập cộng đồng. 11/11 huyện/thành phố có trường PTDT nội trú THCS&THPT, THPT. Năm học vừa qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt cao, trẻ 3-5 tuổi đi mẫu giáo đạt 98,25%, trẻ 6 tuổi đi học lớp 1 đạt 99,88%. Tỷ lệ huy động học sinh 6-14 tuổi đến trường đạt 99,05%. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 94,4%.

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Phi Anh) 

Bên cạnh những kết quả đạt được, toàn tỉnh vẫn thiếu hơn 2.400 cán bộ, giáo viên. Tỷ lệ học sinh chưa sõi tiếng phổ thông còn cao. Còn có tình trạng bệnh thành tích, dẫn đến chất lượng giáo dục chưa cao. Tỷ lệ học sinh lớp 9 đi học tiếp đạt thấp. Tỷ lệ nhà vệ sinh trường học đảm bảo đủ điều kiện chỉ đạt 74%. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến giáo dục, đào tạo...

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu cũng tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân như: Công tác giáo dục tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh; kết quả các kỳ thi, cuộc thi cấp Quốc gia còn thấp so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Chất lượng một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay. Công tác quản lý, quản trị, chỉ đạo điều hành ở một bộ phận cán bộ quản lý còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, thiếu chủ động, sáng tạo, chưa sát sao, còn trông chờ, ỷ lại. Hệ thống trường, lớp sắp xếp chưa khoa học, hiệu quả; các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động không hiệu quả; việc đưa học sinh ở các điểm trường về học tại trường chính gặp nhiều khó khăn.../.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN