Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang: Bảo tàng tỉnh phải tái hiện quá trình hình thành và phát triển của tỉnh gắn với những bản sắc văn hóa độc đáo riêng
(ĐCSVN) - Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bảo tàng tỉnh trong việc quảng bá, giới thiệu, bảo tồn văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống của Hà Giang, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh gợi mở, các chuyên gia và đơn vị tư vấn nghiên cứu bố trí các không gian trưng bày của Bảo tàng tỉnh phải tái hiện được quá trình hình thành và phát triển của Hà Giang gắn với những bản sắc văn hóa, đa dạng sinh học đặc trưng, độc đáo riêng có của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chủ trì buổi làm việc (Ảnh: Tuấn Duy) |
Chiều 10/1, các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy có buổi làm việc với các chuyên gia, đơn vị tư vấn nghe giới thiệu và góp ý vào thiết kế không gian trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
Dự buổi làm việc có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam; lãnh đạo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch; Sở Xây dựng; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh.
Bảo tàng tỉnh Hà Giang được phê duyệt đầu tư năm 2020, trên tổng diện tích quy hoạch 4.100m2 (gồm toàn bộ diện tích Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh cũ) với các hạng mục: Cải tạo nâng cấp Bảo tàng hiện tại; xây dựng mới các hạng mục: Nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, nhà trình tường lợp ngói âm dương của dân tộc Mông vùng Cao nguyên đá và không gian trưng bày ngoài trời, hệ thống hạ tầng kỹ thuật… Dự án chia làm 2 giai đoạn với tổng kinh phí đầu tư trên 106 tỷ đồng. Hiện giai đoạn 1 của dự án về nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng đã hoàn thành 95% khối lượng.
Theo Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang, Bảo tàng tỉnh là điểm đầu tiên của khách tham quan với nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá nhằm phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, khoa học đến cộng đồng; là một trong những thiết chế văn hóa quan trọng của tỉnh có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của 19 dân tộc anh em, góp phần giáo dục truyền thống, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa cho cộng đồng, giới thiệu, khẳng định lịch sử lâu đời và đa dạng văn hóa của các dân tộc đã và đang sinh sống tại Hà Giang; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Không gian trưng bày của Bảo tàng tỉnh được tư vấn thiết kế gồm 1 gian khánh tiết và 5 không gian trưng bày theo kịch bản được xây dựng dựa trên tiến trình thời gian, không gian gồm: Cư dân Hà Giang theo dòng lịch sử; Bảo vệ tổ quốc và an ninh biên giới; văn hóa đa dạng; ba vùng sinh thái và xây dựng cuộc sống mới. Các không gian trưng bày được sắp xếp để có thể đem đến cho du khách quy trình tham quan rõ ràng, mạch lạc. Thủ pháp thiết kế lồng ghép công nghệ mapping, màn hình tương tác, thiết bị hướng dẫn tự động, tiếp cận thông tin trực tuyến… không chỉ có tính hiệu quả truyền tải thông tin mà còn đem lại hiệu ứng về mặt thị giác góp phần tạo nên những trải nghiệm khó quên cho du khách.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Tuấn Duy) |
Tham gia ý kiến vào thiết kế không gian trưng bày của Bảo tàng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang cơ bản đồng tình với thiết kế các không gian trưng bày được đơn vị tư vấn và các chuyên gia xây dựng, nhất là việc kết hợp giữa trưng bày truyền thống với ứng dụng công nghệ số để du khách có trải nghiệm trọn vẹn văn hóa, cảnh quan, con người Hà Giang. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của Bảo tàng rất quan trọng trong quảng bá, giới thiệu, bảo tồn văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống của Hà Giang. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang đề nghị đơn vị tư vấn và các chuyên gia nghiên cứu thêm ý tưởng thiết kế, trưng bày phải toát lên những đặc trưng riêng, độc đáo riêng có của Hà Giang như lịch sử hình thành và phát triển, trang phục, kiến trúc, văn hóa các dân tộc...; nghiên cứu sắp xếp lại các không gian trưng bày hợp lý, hài hòa hơn, có thể bổ sung thêm không gian giới thiệu bằng video clip, kết hợp hài hoà việc trưng bày truyền thống với ứng dụng công nghệ số để làm nổi bật những đặc trưng của Hà Giang.
Nhấn mạnh lĩnh vực văn hóa luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm và xác định là thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh mong muốn không gian trưng bày, cách trưng bày trong Bảo tàng tỉnh phải tạo ra giá trị, bền vững và sinh động, hấp dẫn; không chỉ là nơi đón tiếp, quảng bá, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách mà còn phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho các thế hệ con em Hà Giang thêm tự hào về mảnh đất và con người Hà Giang.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Với lịch sử hình thành và những đặc sắc văn hóa riêng, Hà Giang là vùng đất hiếm có của Việt Nam cũng như thế giới. Đồng chí gợi mở, các chuyên gia và đơn vị tư vấn nghiên cứu bố trí các không gian trưng bày tái hiện được quá trình hình thành và phát triển của Hà Giang với những bản sắc văn hóa, đa dạng sinh học đặc trưng, độc đáo riêng có của tỉnh. Việc thiết kế không gian trưng bày của bảo tàng phải vừa tái hiện lịch sử vừa có những hiện vật minh chứng, không chỉ trưng bày theo phương pháp truyền thống mà tận dụng công nghệ số, công nghệ ánh sáng để giới thiệu nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa của Hà Giang, đưa du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh xem mô hình thiết kế không gian trưng bày Bảo tàng tỉnh và cho rằng một số không gian đang bị chia nhỏ (Ảnh: Tuấn Duy) |
Đặc biệt, không nên chia nhỏ các không gian trưng bày mà cần sự khoáng đãng, mạch lạc, thể hiện được sự đa dạng trong văn hóa, bản sắc, sinh thái, kiến tạo địa chất của Hà Giang. Đồng thời, lựa chọn được những gì đặc sắc, sinh động nhất về Hà Giang để trưng bày, giới thiệu. Đồng chí yêu cầu các sở, ngành cùng các chuyên gia, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện hơn, phấn đấu hoàn thành việc thiết kế không gian văn hóa trong Bảo tàng trước Lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2022.
Theo PGS, TS Nguyễn Văn Huy, đại diện các chuyên gia và đơn vị tư vấn, những ý kiến đóng góp vào thiết kế không gian trưng bày bảo tàng rất hay, gợi mở cho nhóm tư vấn nhiều ý tưởng điều chỉnh để không gian trưng bày đáp ứng mong muốn của tỉnh. Đồng chí đề nghị các sở, ngành của tỉnh Hà Giang phối hợp trong thu thập tư liệu, hiện vật, hình ảnh, video clip đáp ứng nhu cầu trưng bày tại Bảo tàng./.