Bí thư Đảng uỷ tâm huyết phát triển, nhân rộng cây sâm Nam núi Dành (Bắc Giang)
(ĐCSVN) – Đồng chí Phạm Văn Hân, Bí thư Đảng ủy xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang là tấm gương điển hình tại địa phương góp phần vào sự phát triển của quê hương, với cách nghĩ, cách làm đúng, sáng tạo, phù hợp, góp phần đưa cây sâm Nam núi Dành thể trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai, du lịch, lợi thế của Tân Yên.
Đồng chí Phạm Văn Hân, Bí thư Đảng ủy xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. |
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, những lời cặn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam để chúng ta học tập. “Dân vận khéo” luôn đóng vai trò quan trọng không chỉ trong đời sống vật chất mà còn là phương châm hành động cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong đời sống tinh thần. Ý thức được vai trò quan trọng này, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang rất quan tâm tới công tác “dân vận”. Trong những năm qua, có rất nhiều tấm gương "Dân vận khéo" đã đóng góp cho thành tích của xã nói riêng, huyện Tân Yên nói chung trong nhân rộng mô hình trồng cây Sâm nam Núi Dành trên địa bàn huyện. Một trong những tấm gương đó là đồng chí Phạm Văn Hân - Bí thư Đảng ủy xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Quyết đoán, sâu sát, cương nghị, chính trực nhưng cũng đầy phóng khoáng, hào sảng là ấn tượng của hầu hết những người đã từng tiếp xúc và làm việc với đồng chí Phạm Văn Hân, Bí thư Đảng ủy xã Liên Chung. Anh là con người sống, hành động và cống hiến với một tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương sâu sắc. Trong anh lúc nào cũng thường trực những tình cảm mến thương và và ý thức trách nhiệm góp phần trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Trong đó, cây Sâm Nam núi Dành tạo ra sản phẩm có thể trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện; đồng thời, khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai, du lịch, lợi thế từng vùng.
Anh tâm sự: “Để tuyên truyền vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động nhân rộng phát triển cây Sâm núi Dành của địa phương, trước hết bản thân phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương. Làm hết chức trách nhiệm vụ của người lãnh đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia mang lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời, tạo sự đồng thuận xã hội phát huy sức mạnh đại đoàn kết của cán bộ và nhân dân nhằm thực hiện hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.
Sinh ra trong một gia đình nông nghiệp nơi miền quê xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, chốn “địa linh - nhân kiệt”, Phạm Văn Hân đã trải qua những tháng ngày tuổi thơ đầy gian khó. Từ vùng quê thuận lành, với những con người hồn hậu, chất phát, chân thành ấy, từ bắp ngô củ sắn, củ khoai, từ đồng đất thuần nông với những lời ru của bà, của mẹ và sự uốn nắn dạy bảo của người cha cùng các thầy cô giáo mà người con quê hương Tân Yên anh hùng ấy đã lớn khôn trở thành một người giáo viên nhân dân trên vai sứ mệnh “trồng người”, cho thấy quê hương, gia đình chính là cái nôi nuôi nuôi dưỡng, chở che, rèn luyện ý chí và nghị lực, nâng cánh ước mơ để anh biến ước mơ thành hiện thực.
Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, huyện ủy Tân Yên thăm mô hình HTX Sâm núi Dành xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. |
Suốt những năm tháng học tập tại quê nhà, anh luôn là người học trò ưu tú, luôn kính thầy, yêu bạn, sống chan hòa, được thầy cô bạn bè yêu mến. Cuối năm học cấp 3, cậu học sinh của trường Tân Yên đăng ký dự thi vào trường Đại học sư phạm Hà Nội 2. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm, anh xin về ngôi trường xã Lan Giới, huyện Tân Yên và thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên để cống hiến cho quê hương. Mặc dù chỉ công tác 8 năm, trên cương vị là giáo viên - một chặng đường không dài nhưng ngập tràn những niềm vui và dấu ấn của một thời tuổi trẻ. Năm 2010, anh được chuyển công tác về Ban Tổ chức Huyện ủy huyện Tân Yên.
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, bằng sự nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, sự yêu mến của nhân dân… anh luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao; đạt được nhiều thành tích trong công tác, đã nhận được nhiều giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Bắc Giang trong những năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022…
Ngay sau ngày tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, do yêu cầu về công tác cán bộ, Huyện ủy Tân Yên đã điều động đồng chí Phạm Văn Hân, đang giữ chức Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy về xã Liên Chung, được chỉ định tham gia BCH, BTV và cử giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, nhiệm kỳ 2020-2025. Ở cương vị mới, vị trí của người đứng đầu cấp ủy trên một địa bàn mới với nhiệm vụ hết sức mới mẻ, đây là một vinh dự song cũng là một thử thách lớn đối với đồng chí. Trong buổi lễ công bố quyết định điều động cán bộ và ra mắt tại cơ sở mới, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Bí thư Huyện ủy đã nói: “Đồng chí Phạm Văn Hân là một cán bộ trẻ, có năng lực, Huyện ủy tin tưởng giao nhiệm vụ và mong muốn khi về công tác tại Liên Chung, đồng chí Hân sẽ đóng góp đầy trách nhiệm, tâm huyết với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Liên Chung…”.
Từ những ngày đầu, tháng đầu về xã, anh đã tuyên truyền, vận động cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước; phát động, xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: lĩnh vực kinh tế; lĩnh vực văn hóa - xã hội; lĩnh vực an ninh quốc phòng; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị gắn với thực hiện các phong trào thi đua như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, tiếp tục xây dựng “Xã nông thôn mới nâng cao”. Trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện đồng chí luôn dân chủ trong thảo luận, trao đổi, bàn bạc với nhân dân, đề ra những giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong các cuộc họp của các thôn.
Qua tìm hiểu thực tế cuộc sống và canh tác của người dân trong xã, anh nhận thấy: Xã Liên Chung có diện tích đất canh tác khá lớn; nhiều hộ riêng diện tích đất đồi rừng đã có trên 02 ha; hộ ít cũng có đến vài sào bắc bộ; cây trồng trên đất chủ yếu là vải, nhãn, bưởi…, phần lớn các hộ còn để vườn tạp, không cho thu nhập hoặc thu nhập rất thấp; lao động trong năm chủ yếu làm theo mùa vụ, xong lại nhàn rỗi, dư thừa lao động. Hiện, cây Sâm Nam là cây dược liệu quý hiếm rất tốt cho sức khỏe, được một vài người dân trong xã trồng và cho thu nhập rất cao, kể cả hoa, lá, thân mà đặc biệt là củ sâm; cây Sâm Nam phù hợp với thổ nhưỡng nơi này, nhất là với những diện tích đồi rừng ở Liên Chung như hiện nay. Đây chính là một phần cho giải quyết công ăn việc làm, giải quyết nguồn dôi dư lao động, tạo thu nhập cho người dân địa phương, đồng chí đã kịp thời xây dựng kế hoạch vận động nhân dân mạnh dạn cải tạo, phá bỏ vườn tạp, đưa cây Sâm Nam vào trồng thay thế, bắt đầu từ việc tổ chức cho cán bộ các thôn đi tham quan học tập thực tế ở một số nơi có mô hình trồng cây có giá trị kinh tế cao để học hỏi, áp dụng… Lúc đầu gặp không ít nhứng khó khăn, trở ngại, nhận thức của người dân trên địa bàn xã chưa đồng đều, kể cả với một số ít cán bộ, đảng viên; thói quen trồng cây truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người, chưa kể họ còn tỏ ra nghi ngại khi trồng giống cây Sâm Nam núi Dành này, vốn đầu tư ban đầu thì lớn, nhưng đầu ra cho sản phẩm thì khá mơ hồ, xa xôi… Liệu đầu ra khi tiêu thụ sản phẩm của Sâm Nam có giống với một số cây trước đây đã được cán bộ vận động người dân nuôi trồng như: dứa, bí ngọt, và cây ngô bao tử….
Đồng chí Phạm Văn Hân, Bí thư Đảng xã Liên Chung, thăm tặng quà đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn xã Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang. |
Việc phát triển cây sâm Nam Núi Dành giai đoạn đầu gặp vô cùng khó khăn thách thức do người dân chưa thực sự yên tâm với sản phẩm và đầu ra. Tuy nhiên, Đảng ủy đã quyết tâm triển khai quyết liệt giao cho Ủy ban nhân dân xã có chính sách hỗ trợ đối với người dân, thành lập hợp tác xã Sâm Nam Núi Dành. Kết quả, sau 2 năm, đồng chí cùng Mặt trận Tổ quốc, UBND xã phối hợp cùng các ban ngành trên địa bàn triển khai phát triển diện tích Sâm Nam núi Dành trên địa bàn tăng hơn 30 hecta, thành lập mới 2 hợp tác xã, xây dựng thương hiệu OCOP 4 sao cho sản phẩm nụ hoa sâm. Năm 2022, tổng sản lượng nụ hoa sâm khô trên địa bàn được gần 2 tấn, giá bình quân 1 kg nụ hoa sâm khô từ 800.000 đến 1 triệu đồng đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ gia đình, qua đó đã tạo được niềm tin và ủng hộ của người dân địa phương. Đến nay được nhiều doanh nghiệp tham gia nghiên cứu sản xuất và chế biến các sản phẩm từ củ sâm và nụ hoa sâm như rượu sâm trà sâm, trà túi lọc, trà hòa tan, nước sâm tinh khiết. Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết của Đảng ủy về phát triển Sâm Nam Núi Dành, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Liên Chung có thu nhập cao từ vài chục triệu đến vài tỷ đồng mỗi năm; hiện nay trên địa bàn xã có 10/10 thôn với hàng trăm hộ gia đình trồng cây Sâm Nam núi Dành có từ 1 đến 2 năm tuổi thay thế cho vườn tạp kém năng suất, chất lượng trước đây.
Có thể nói, thành công của việc đưa cây sâm nam núi Dành đưa vào trồng trên đất Liên Chung là một trong những thành công của đồng chí Phạm Văn Hân với vai trò là người đứng đầu cấp ủy khi trực tiếp làm công tác Dân vận. Là người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm nhưng anh cũng thật gần gũi với người dân, là một trong những điểm nổi bật trong con người anh. Người dân Liên Chung nay không còn xa lạ gì với hình ảnh một đồng chí Bí thư xã nặng tình yêu quê hương, đất nước, luôn tâm huyết đưa nhân rộng mô hình trồng cây Sâm Nam Núi Dành, mỗi tuần đều dành thời gian xuống các thôn để nắm bắt tình hình thực tế, kiểm tra, đôn đốc công việc; một hình ảnh thân thuộc, cởi mở, gần dân, sát dân, biết lắng nghe song rất cũng khiêm tốn học hỏi và đưa ra những ý tưởng, quyết định táo bạo có giá trị trên thực tế./.