Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bệnh "sính" bằng cấp!

Thứ Năm, 05/07/2018 16:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, một số đại biểu cho rằng, có tình trạng cán bộ đi học lấy bằng để lý lịch của mình “hoành tráng” hơn. Đặc biệt, ở cơ sở xuất hiện lớp lãnh đạo rất nhiều bằng cấp nhưng không biết làm gì. Điều này có lẽ không mới nhưng nó nhận được sự quan tâm, suy ngẫm của nhiều người về đánh giá cán bộ hiện nay.

Ảnh minh họa. (nguồn: Báo Tuổi trẻ).

Bằng cấp và hiệu quả công việc!

Xin được dẫn ý kiến của một số đại biểu tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội để thấy rõ được bằng cấp và hiệu quả công việc. Phản ánh về chất lượng bằng cấp của cán bộ cơ sở, Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải cho rằng: phải đổi mới trong công tác đào tạo, tiêu chí đi học của cán bộ, công chức và phải gắn với vị trí việc làm, khung năng lực.

Nói về chuyện đi học lấy bằng cấp, ông Đỗ Mạnh Hải nêu: cán bộ, công chức đi học về để phục vụ chính việc đang làm chứ không phải đi học để lấy bằng hay làm cho lý lịch của mình "hoành tráng" hơn. Không phải cứ có bằng cấp là cán bộ, công chức đáp ứng được công việc. “Không học mà đáp ứng được công việc thì tốt hơn là đi học mà không làm được việc. Bởi đáp số cuối cùng vẫn phải là cán bộ, công chức có đáp ứng được vị trí việc làm hay không”, ông Đỗ Mạnh Hải nhấn mạnh.

Do đó, ông Đỗ Mạnh Hải đề nghị: cần có biện pháp đánh giá cán bộ, công chức sau khi đi học về. Nếu không đáp ứng được công việc thì phải điều chỉnh.

Đồng tình về vấn đề này, ông Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội cho biết, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội hiện có hơn 719 người (nhiều người nhất trong các đài địa phương), trong đó có hơn 500 biên chế, 200 hợp đồng. Trong 500 biên chế ấy có gần 140 người là cán bộ chủ chốt. Thực tế, chưa có cơ quan truyền thông nào cán bộ chủ chốt nhiều như thế. Đáng chú ý, trong hơn 700 người làm tại đài chỉ có khoảng 60% cán bộ đủ năng lực làm việc tốt. "40% cán bộ yếu kém cũng không bỏ được, không loại được vì là con ông này, cháu bà kia từ Trung ương trở xuống thành phố”, ông Tô Quang Phán nói.

Cũng theo Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, ngoài việc “con ông này, cháu bà kia” những cán bộ này không vi phạm kỷ luật, làm việc thì làng nhàng. “Họ cứ đi ra đi vào thôi, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi, nhưng bình bầu cuối năm cũng toàn tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Ai cũng hoàn thành nhiệm vụ”.

Dẫn chứng thực tế tại cơ quan mình, ông Tô Quang Phán khẳng định: “Thạc sĩ có nhưng không làm gì cả, chả có chương trình nào để lại ấn tượng. 3 bằng đại học, rồi cả thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm gì. Tôi thấy ở cơ sở xuất hiện lớp lãnh đạo rất nhiều bằng nhưng không biết làm gì cả”.

Do vậy, ông Tô Quang Phán đề nghị, Thành ủy Hà Nội tăng cường hơn nữa công tác đánh giá cán bộ. Đặc biệt, tuyển chọn đầu vào cán bộ cơ sở cần chặt chẽ hơn nữa. Nếu không sẽ vẫn mở cửa cho một số người “làng nhàng” vào làm việc trong bộ máy hành chính.

Nhiều đại biểu cùng chung quan điểm trên là muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy; cần phải làm tốt công tác đánh giá cán bộ, tinh giản biên chế làm sao chọn được cán bộ có tài, đáp ứng yêu cầu công việc.

Đúng là khó thật!

Từ thực tế các đại biểu nêu, hội nghị đã có những góp ý thẳng thắn về công tác cán bộ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Thứ nhất: Đó là hiện nay chúng ta quá coi trọng bằng cấp. Bằng cấp là tiêu chuẩn cứng và được quy định trong nhiều văn bản để làm tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chạy theo bằng cấp, cố đi học cho có bằng dù công việc không cần thiết phải có. Thậm chí có nhiều bằng cấp càng tốt để lý lịch sẽ “hoành tráng” hơn người khác. Bệnh “sính” bằng cấp đang là thực tiễn của xã hội hiện nay, cần nhận thức rõ, đầy đủ bằng cấp là cần thiết nhưng không phải là tất cả.

Vấn đề nữa là tại sao cán bộ có những tấm bằng ấy lại không làm được việc, phải chăng cán bộ đó đang sở hữu một tấm bằng không đúng quy định, bằng thật nhưng học giả, bằng không học nhưng nhờ mua mà có… hay chúng ta cho họ đi học không đúng với chuyên môn mà họ đang làm? Câu chuyện trên là không mới, là chuyện nói rồi, nói mãi nhưng vẫn cứ kéo dài, vẫn cứ tồn tại năm này qua năm khác.

Nguyên nhân thì cũng đã quá rõ, đang có chuyện “sính” bằng cấp, chỉ quan tâm đến bằng cấp mà ít chú ý đến năng lực chuyên môn thực, trong nâng ngạch, bổ nhiệm, thăng chức cán bộ ở không ít địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nhiều người nhờ những bằng cấp mà có quyền, có chức, có danh, có bổng lộc thật. Một khi mà có lợi ích thì nhất định sẽ có người theo đuổi thậm trí là mua bán bằng cấp, học giả nhưng bằng thật…

Siết lại kỷ cương về bằng cấp cán bộ là việc không thể không làm, xử lý tận gốc nạn xài bằng cấp giả, học giả cấp bằng thật… xóa bỏ tâm lý quá coi trọng vấn đề bằng cấp. Dư luận cũng mong rằng, không chỉ riêng Hà Nội mà các nơi khác trong cả nước cũng cần có đợt kiểm tra, thanh lọc phát hiện và xử lý nghiêm những người đang dùng bằng giả - bất kể họ là ai.

Thứ hai: Những ý kiến trên một lần nữa chứng minh cho đánh giá về công tác cán bộ của Nghị quyết số 26 –NQ/TW ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đó là: Đánh giá cán bộ là khâu trọng yếu nhất trong công tác cán bộ nhưng cho đến nay vẫn là khâu yếu nhất. Việc cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng còn chậm; có nơi tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá còn chung chung, thiếu định lượng. Và do đó “có cán bộ làng nhàng nhưng không vi phạm nên rất khó đuổi”. Trong kiểm điểm, đánh giá vẫn còn biểu hiện hình thức, chưa thực chất; còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu tính chiến đấu, dĩ hòa vi quý, khen ngợi lẫn nhau.

Hầu như không có cán bộ lãnh đạo, quản lý được đánh giá ở mức hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ, và tình trạng “ở cơ sở xuất hiện lớp lãnh đạo rất nhiều bằng nhưng không biết làm gì cả”, có cán bộ có khuyết điểm, vi phạm không phát hiện được vẫn đánh giá tốt để được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm ở các chức vụ cao hơn. Bình bầu cuối năm cũng toàn tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Ai cũng hoàn thành nhiệm vụ. Không ít cán bộ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng sau đó bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự.

Nghị quyết số 26 –NQ/TW ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, nêu những nội dung đổi mới công tác đánh giá cán bộ trong tình hình hiện nay theo hướng: Xuyên suốt cả quá trình phấn đấu, trưởng thành. Liên tục, định kỳ theo tuần, tháng, quý, 6 tháng, năm theo từng nhóm đối tượng cụ thể. Đa chiều, cấp trên đánh giá cấp dưới; đồng cấp đánh giá; cấp dưới đánh giá cấp trên; bản thân tự đánh giá. Theo tiêu chí về: chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phong, lề lối làm việc; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo vị trí việc làm; chiều hướng và triển vọng phát triển. Bằng sản phẩm, phải có kết quả cụ thể, được cấp có thẩm quyền ghi nhận, đánh giá. Thông qua khảo sát nhân sự trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Công khai kết quả và có sự so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Do vậy, các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa đề ra những giải pháp thực tế hiệu quả để đổi mới cách đánh giá cán bộ, để tuyển dụng được người thực tài và thay đổi quan niệm bằng cấp./.

Nguyễn Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN