Bến Tre chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu
(ĐCSVN) - Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre vừa ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai năm 2023-2024, nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước trong thời gian tới.
Thi công bờ kè chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại (Ảnh: Hoàng Duy) |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, tỉnh sẽ rà soát, cập nhật các kế hoạch về phòng, chống, ứng phó phù hợp với nhận định tình hình thiên tai trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024; duy trì, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, kịp thời huy động lực lượng khi có tình huống, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương.
Tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó triều cường, các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa mưa, bão hàng năm. Địa phương chủ động thực hiện công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển theo quy định. Ngành chức năng vận động các hộ dân có nhà ở nằm trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng sạt lở di dời đến nơi an toàn, thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng để tránh xảy ra tai nạn; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư... để gia cố tạm thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Bến Tre triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ứng phó với thiên tai trong điều kiện El Nino và chủ động triển khai các giải pháp cấp bách về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều, cấp nước nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh cũng như các dự án có lồng ghép mục tiêu phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì và có thể kéo dài đến những tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015- 2016 và không loại trừ trường hợp cực đoan, kéo dài và đạt lịch sử như mùa khô năm 2019-2020 do tác động của công trình cống, đập giữ nước tại thượng nguồn và các địa phương giáp ranh tỉnh. Xâm nhập mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 11/2023.
Thời gian qua, thực hiện phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt là xây dựng, củng cố và năng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã triển khai đến các ngành, địa phương tập trung rà soát, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Đến nay, tỉnh có 157/157 xã, phường, thị trấn có thành lập lực lượng xung kích với khoảng 15.096 người, lực lượng dân quân tự vệ đóng vai trò nòng cốt.
Tại Bến Tre, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 7 đợt dông lốc gây hư hỏng, tốc mái 103 căn nhà ở, tập trung ở 3 huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và huyện Chợ Lách. Ngoài ra, sạt lở bờ sông, bờ biển trong những năm qua diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ... ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh. Toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134 km. Đáng chú ý, sạt lở bờ sông 104 điểm, tổng chiều dài khoảng 115 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của khoảng 700 hộ dân trong khu vực sạt lở; sạt lở bờ biển 8 điểm, với tổng chiều dài khoảng 19 km đã làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển. Hiện tỉnh còn khoảng 13km bờ sông và 8,5 km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng nhưng chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện 730 tỷ đồng./.