Bắt đối tượng điều hành gần 60 "công ty ma" mua bán trái phép gần 1.700 hóa đơn GTGT
(ĐCSVN) - Bắt đối tượng điều hành gần 60 "công ty ma" mua bán trái phép gần 1.700 hóa đơn GTGT; Hơn 1.200 nhà đầu tư xin giảm án cho các bị cáo trong vụ án Tân Hoàng Minh; chìm xuồng ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ khiến 16 người di cư thiệt mạng... là một số tin đáng chú ý hôm nay, 15/3.
Bắt đối tượng điều hành gần 60 "công ty ma" mua bán trái phép gần 1.700 hóa đơn GTGT
Ngày 15/3, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu cho biết vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Anh Tài (SN 1996, trú tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT).
Trước đó, từ cuối năm 2020, Phòng Cảnh sát Kinh tế phát hiện Đỗ Thị Thu Hiền (SN 1981), kế toán Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Hà Thanh (thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên) nhờ Nguyễn Thị Thắm (SN 1990, cùng trú tại thị trấn Than Uyên) tìm mua giúp hóa đơn GTGT nhằm mục đích kê khai, trốn thuế.
Đối tượng Trần Anh Tài cùng tang vật liên quan. (Ảnh: TTXVN) |
Sau đó, Thắm lên mạng xã hội mua của một người đàn ông 21 hóa đơn với giá trị sau thuế ghi trên hóa đơn 1,32 tỉ đồng rồi bán lại cho Hiền, hưởng chênh lệch 3,2% - 4%. Tháng 12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lai Châu quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Thị Thu Hiền về hành vi trốn thuế và Nguyễn Thị Thắm về hành vi mua bán trái phép hóa đơn để điều tra xử lý theo quy định.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác địnhThắm còn lên mạng xã hội, liên hệ với một số đối tượng khác mua hàng trăm hóa đơn GTGT để bán lại cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Cụ thể, từ cuối năm 2020 đến hết năm 2021, Thắm mua hàng trăm hóa đơn GTGT của tài khoản Facebook "Trần Thành".
Quá trình mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Cục an ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cùng Công an một số tỉnh, thành phố làm rõ chủ tài khoản Facebook "Trần Thành" là Trần Anh Tài (SN 1996, hộ khẩu thường trú tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ngày 13/3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can Tài về hành vi mua bán hóa đơn GTGT. Tại cơ quan điều tra, Tài khai nhận đã móc nối với nhiều đối tượng quản lý, điều hành gần 60 "công ty ma" để mua bán hóa đơn cho 360 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Trong đó, Tài trực tiếp thành lập, điều hành 4 công ty trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An và huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh nhằm mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Từ năm 2020 đến nay, thông qua các "công ty ma", Tài xuất gần 1.700 liên hóa đơn bán cho hàng trăm tổ chức, cá nhân mua nhằm mục đích trốn thuế.
Thủ đoạn của các đối tượng là mua lại công ty do người khác thành lập hoặc lấy căn cước công dân của nhiều cá nhân rồi đăng ký thành lập doanh nghiệp để lập ra các "công ty ma" nhằm mua bán trái phép hóa đơn. Sau đó, đối tượng lập nick Facebook tên khác lên mạng rao bán hóa đơn nhằm che giấu tung tích, lai lịch bản thân.
Hiện Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Lai Châu tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Xét xử vụ án Tân Hoàng Minh: Hơn 1.200 nhà đầu tư xin giảm án cho các bị cáo
Theo kế hoạch, ngày 19/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh). Trước khi diễn ra phiên tòa, các cơ quan tố tụng đã nhận được đơn của hơn 1.200 nhà đầu tư là những bị hại trong vụ án xin giảm án cho các bị cáo.
Hai bị can Đỗ Anh Dũng (trái) và Đỗ Hoàng Việt. (Ảnh: Bộ Công an) |
Trong đơn, hơn 1.200 nhà đầu tư đã đề nghị Tòa án, Viện Kiểm sát xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, với lý do toàn bộ các bị cáo đều đã hợp tác tích cực với Cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi sai phạm, có nhân thân tốt. Đối với hai bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh) và Đỗ Hoàng Việt (con trai bị cáo Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh), các bị hại đề nghị, các cơ quan tố tụng xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt vì trong thời gian ngắn họ đã nỗ lực khắc phục hoàn toàn 100% số tiền của người mua trái phiếu (hơn 8.600 tỷ đồng) vào Kho bạc Nhà nước. Những bị hại này cho rằng, hành vi khắc phục hậu quả của Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt không những thể hiện sự ăn năn, hối cải của bị cáo mà còn giúp cho các bị hại giải tỏa được tâm lý lo lắng, tạo niềm tin cho người dân đối với các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trong vụ án này, hai bị cáo Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt cùng với 8 bị cáo thuộc Công ty Tân Hoàng Minh gồm: Phùng Thế Tính (nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán), Hoàng Quyết Chiến (quyền Phó Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán), Lê Thị Mai (nguyên Phó trưởng Ban Nguồn vốn), Vũ Lê Vân Anh (Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn), Nguyễn Văn Khẩn (Phó trưởng phòng Ngân sách Trung tâm Tài chính - Kế toán), Lê Văn Thịnh (Phó Tổng Giám đốc), Trần Hồng Sơn (Phó Tổng Giám đốc), Nguyễn Khoa Đức (Trợ lý Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông) và 5 bị cáo khác gồm: Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt), Bùi Thị Ngọc Lân (nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán Nam Việt Chi nhánh phía Bắc), Lê Văn Dò (Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Kế toán Hà Nội), Phan Anh Hùng (nguyên Phó Giám đốc Công ty CPA Hà Nội Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Thị Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CPA Hà Nội) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a, Bộ luật Hình sự.
Hơn 20 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng, luật sư Nguyễn Văn Tú (Công ty Luật FANCI) bào chữa cho bị cáo Đỗ Hoàng Việt. Liên quan đến vụ án có 6.630 nhà đầu tư được xác định là người bị hại cũng được triệu tập đến Tòa.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, do khó khăn về tài chính, để có tiền chi phí duy trì bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư, thanh toán các khoản nợ phải trả của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, từ tháng 6/2021 - 3/2022, bị cáo Đỗ Anh Dũng đã thống nhất chủ trương và thông qua con trai Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị cáo đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 công ty (Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông) phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu như ngụy tạo hoạt động kinh doanh bằng hình thức ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần… không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc Tập đoàn. Các bị cáo đã thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, các bị cáo còn ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống” thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu.
Viện Kiểm sát xác định, các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó, tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 8.643 tỷ đồng. Số tiền này được các bị cáo sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu.
Chìm xuồng ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ, 16 người di cư thiệt mạng
Ngày 15/3, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một xuồng cao su chở người di cư đã chìm ở ngoài khơi bờ biển Aegean, phía Bắc nước này, khiến ít nhất 16 người thiệt mạng.
Lực lượng cứu hộ giải cứu người di cư trên vùng biển Địa Trung Hải. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN) |
Tỉnh trưởng tỉnh Canakkale Ilhami Aktas thông báo lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã giải cứu 2 người ở ngoài khơi thị trấn Eceabat thuộc tỉnh này, trong khi 2 người khác tự bơi vào bờ.
Lực lượng chức năng hiện vẫn chưa xác định cụ thể số người di cư có mặt trên chiếc xuồng khi xuồng này bị chìm, cũng như quốc tịch của họ. Ông Aktas nhấn mạnh hoạt động tìm kiếm người mất tích vẫn đang diễn ra tại khu vực chiếc xuồng gặp nạn với sự tham gia của 10 tàu thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển và 2 trực thăng. Xe cứu thương cũng được triển khai tại một cảng biển gần đó.
Biển Aegean là tuyến đường quan trọng đối với người di cư tìm cách đến châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù trong những năm gần đây, số lượng người di cư, chủ yếu đến từ Trung Đông và châu Phi, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm, song họ vẫn sử dụng tuyến đường qua nước này đến Hy Lạp hoặc Italy nhằm tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn tại các nước châu Âu.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong tuần này, đã bắt giữ ít nhất 93 người di cư đang cố gắng xuất phát bằng thuyền từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ để tìm đường đến châu Âu/.