Bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong bối cảnh COVID-19
(ĐCSVN) - Ngày thế giới về Đa dạng văn hóa vì đối thoại và phát triển (21/5) năm nay diễn ra trong bối cảnh cả thế giới phải chịu những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Tác động của đại dịch đối với lĩnh vực văn hóa được cảm nhận ở khắp nơi trên thế giới.
UNESCO khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trong bối cảnh COVID-19 (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: UN) |
Năm 2001, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Tuyên bố toàn cầu về Đa dạng văn hóa. Sau đó, tại cuộc họp toàn thể Liên hợp quốc tháng 12/2002, UNESCO quyết định lấy ngày 21/5 hàng năm là Ngày thế giới về Đa dạng văn hóa vì đối thoại và phát triển. Ngày kỷ niệm này là cơ hội cho chúng ta hiểu một cách sâu sắc hơn về các giá trị của đa dạng văn hóa; đồng thời thúc đẩy các mục tiêu của Công ước UNESCO về Bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được thông qua vào ngày 20/10/2005.
Theo UNESCO, 75% mâu thuẫn, xung đột xảy ra trên thế giới đều liên quan đến văn hóa. Thu hẹp khoảng cách khác biệt trong văn hóa là việc làm cấp thiết vì sự an toàn, hòa bình và phát triển. Đa dạng văn hóa là động lực mạnh mẽ của sự phát triển, không chỉ liên quan tới tăng trưởng kinh tế mà còn để có được một cuộc sống hoàn thiện hơn về mặt trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần.
Ngày thế giới về Đa dạng văn hóa vì đối thoại và phát triển năm nay diễn ra trong bối cảnh cả thế giới phải chịu những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Các sự kiện văn hóa bị hủy bỏ, các cơ sở văn hóa phải đóng cửa, các hoạt động văn hóa cộng đồng bị đình chỉ, các di sản thế giới được UNESCO công nhận đứng trước nguy cơ bị cướp bóc,… Tác động của đại dịch COVID-19 đối với lĩnh vực văn hóa được cảm nhận ở khắp nơi trên thế giới.
Theo một thống kê của UNESCO, trong số 167 quốc gia thành viên có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 119 quốc gia (chiếm 71%) đã đóng cửa hoàn toàn, 30 quốc gia đã đóng cửa một phần và chỉ có 18 quốc gia tiếp tục mở cửa các di sản. Việc đóng cửa và hạn chế đi lại đã ảnh hưởng rất lớn về mặt kinh tế-xã hội đối với các cộng đồng sinh sống tại hoặc trong phạm vi di sản. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, các buổi lễ... đã bị hoãn hoặc hủy bỏ, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần của các cộng đồng dân cư ở khắp mọi nơi.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp về sáng tạo và văn hóa đóng góp 2.250 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu (3% GDP) và 29,5 triệu việc làm trên toàn thế giới cũng chịu những tác động sâu sắc. Hàng loạt nghệ sỹ và nhà sáng tạo, đặc biệt là những người làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, giờ đây không thể kết thúc hoặc sản xuất hạn chế các tác phẩm nghệ thuật mới. Các tổ chức văn hóa trên khắp các khu vực thế giới, cả lớn và nhỏ, đang mất lượng doanh thu rất lớn sau mỗi ngày qua đi. UNESCO cho rằng, chính đại dịch COVID-19 đã làm “khuếch đại” hơn sự bất ổn đã có từ trước của ngành công nghiệp sáng tạo; đồng thời nhấn mạnh rằng, bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa là điều quan trọng hơn bao giờ hết.
Người Cơ Tu (ở Quảng Nam, Việt Nam) giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình qua điệu múa Tung Tung Ya Yá (Ảnh: Kiều Giang) |
Trong một nỗ lực nhằm giải quyết những tác động sâu sắc mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với lĩnh vực văn hóa, UNESCO đã ra mắt một trang web hàng tuần với tên gọi “Văn hóa & COVID-19: Theo dõi tác động và ứng phó” để cung cấp cái nhìn tổng quan về diễn biến nhanh chóng của dịch bệnh. Trang web này cũng phân tích cả những tác động tức thời của cuộc khủng hoảng y tế và các ví dụ về cách các quốc gia trên thế giới đang thích ứng với tình hình. Đây là một trong số các sáng kiến của UNESCO nhằm ứng phó với tác động của đại dịch đối với lĩnh vực văn hóa trên toàn thế giới.
Nhìn ở một khía cạnh khác, văn hóa cũng chính là sợi dây kết nối mọi người trên toàn thế giới. Thời gian vừa qua, khi mà đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới, các lệnh phong tỏa được áp đặt ở nhiều nơi, trên mạng xã hội, chúng ta vẫn thấy những video đầy cảm hứng của các nghệ sĩ và nhạc sỹ nổi tiếng thế giới biểu diễn miễn phí cho hàng xóm của họ, cũng như hàng triệu người dưới hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, nhiều người sử dụng tài năng nghệ thuật của mình để truyền bá thông tin quan trọng về COVID-19, chẳng hạn như vũ điệu rửa tay “Ghen Cô-vy” của chàng trai trẻ Quang Đăng đã lan tỏa không chỉ ở Việt Nam mà còn được yêu thích ở nhiều quốc gia, với nhiều lứa tuổi,…
Điều đó cho thấy, văn hóa làm cho chúng ta kiên cường, cho chúng ta thêm hy vọng và nhắc nhở rằng chúng ta không cô đơn. Đó cũng là lý do và động lực để UNESCO sẽ tiếp tục đưa ra và triển khai các sáng kiến hỗ trợ văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và di sản văn hóa khi hàng tỷ người trên thế giới tìm đến văn hóa để cảm thấy thoải mái, vượt qua thời gian cách ly và giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19./.