Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động

Thứ Bảy, 21/09/2024 17:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thời gian qua, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương đã hoạt động hiệu quả, góp phần giúp Ban Chấp hành Công đoàn các cấp triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật đồng thời tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên công đoàn và người lao động; tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hàng ngàn lao động trên địa bàn.

 Cán bộ Trung tâm đến tư vấn pháp lý trực tiếp tại doanh nghiệp, giúp NLĐ nâng cao kiến thức để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương, qua đánh giá, các nội dung liên quan đến khiếu nại mà người lao động (NLĐ) thường gặp xoay quanh các chế độ tạm hoãn hay chấm dứt hợp đồng lao động; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; xây dựng thang bảng lương; thực hiện nội quy lao động và xử lý kỷ luật lao động; chậm trả lương, nợ lương, thưởng, không trả lương ngừng việc; giải quyết các chế độ khi NLĐ nghỉ việc; tai nạn lao động; các chế độ bảo hiểm bắt buộc, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần; thỏa ước lao động tập thể…

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương, khi nhận được hồ sơ liên quan đến các vụ việc khiếu nại, kiện tụng, Trung tâm nhanh chóng liên hệ với đại diện DN để nắm rõ vấn đề, phối hợp với chính quyền địa phương sở tại để cùng giải quyết. Qua đó, tỷ lệ hòa giải bước đầu đạt hơn 30%; bước tiếp theo là hòa giải tại tòa đạt khoảng 30%. Số vụ còn lại NLĐ ủy quyền cho trung tâm khởi kiện ra tòa... Qua đó, trung tâm đã đòi được công bằng cho NLĐ với số tiền hàng tỷ đồng/năm.

Ngoài những nội dung trên, hiện nay những vấn đề NLĐ hay gặp phải là “tín dụng đen”, tham gia các trò chơi với tỷ lệ 1 ăn 20; nhiều anh, chị công nhân bị lừa đảo cung cấp CCCD, số tài khoản cho kẻ xấu và bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn… Để giúp NLĐ tránh được những trò lừa đảo của kẻ xấu, Trung tâm thường xuyên tuyên truyền từ nhà trọ, đến doanh nghiệp. Trong các buổi tuyên truyền có sự phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương nhằm giúp NLĐ không “sập bẫy” lừa đảo.

Được biết, trung bình mỗi năm, Trung tâm hỗ trợ tư vấn pháp luật từ 4.000-5.000 cuộc qua các kênh.

Để công tác hỗ trợ pháp lý cho NLĐ được tốt nhất, hiệu quả nhất, Trung tâm cũng thường xuyên nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên; thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức; phối hợp công đoàn cấp trên cơ sở nắm tình hình và tư vấn cho công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên, công nhân lao động trong việc giải quyết tranh chấp lao động tại các công đoàn cơ sở có dấu hiệu bất ổn; phối hợp với Thanh tra lao động, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất một số nội dung để tư vấn và giải quyết khi có tranh chấp lao động...

V.L

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN