Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 07/11/2022 10:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) chú trọng phối hợp với ngành chức năng bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh này nhằm không ngừng chăm lo nâng cao đời sống văn hoá cho đồng bào các DTTS nơi đây.

Truyền dạy kỹ thuật trình diễn các nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ 

Tiềm năng của cộng đồng
Trong ngôi nhà của già làng Hồ Văn Hạnh ở thôn Lê Triêng, xã Trung Sơn, huyện A Lưới, ấn tượng nhất là những bộ nhạc cụ được treo trên giá rất cẩn thận. Tất cả được ông xem như gia tài của mình và gìn giữ hàng ngày. Xã Trung Sơn là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào Pa Cô, với những nét văn hóa nổi bật đã tạo nên bản sắc riêng, đặc biệt là các điệu múa, dân ca, cách chơi cồng chiêng. Nơi đây, các điệu múa, tiếng cồng chiêng như ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. 
Khác với mọi ngày, hôm đó căn nhà của già Hạnh thật đông các thanh niên trai gái trong làng. Mọi người đều trong trang phục truyền thống, xếp thành đội hình theo sự hướng dẫn của già. Rồi các động tác điệu múa, lời hát truyền thống bắt đầu vang lên theo từng nhịp… Già Hạnh tự hào: “Già đã mở nhiều lớp truyền dạy cho con cháu và thế hệ trẻ các điệu múa hát truyền thống, với các làn điệu Ca lơi, Cha chấp, Ba bói, dạy cách múa đánh cồng chiêng, thổi kèn, giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục và các nét hoa văn trang trí riêng có của đồng bào mình…”. 
Dừng buổi tập để trò chuyện với khách, ông Hạnh nhớ lại: “Tôi bắt đầu học thổi khèn, các điệu múa, lời hát, chơi cồng chiêng khi còn tuổi nhỏ, ban đầu học vất vả lắm, cái nhạc cụ này không dễ cảm nhận hết và khó chơi thành thạo được. Tôi phải mất nhiều đêm thức cùng các bậc cao niên trong bản tập hát, tập múa, chơi cồng chiêng, nên cái duyên với nó bén rễ từ đó”. Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu dần nhưng già Hạnh vẫn mong muốn được tiếp tục góp sức mình bằng việc chỉ dạy, truyền thụ cho lớp trẻ học múa hát, cồng chiêng, khèn, hay bất cứ làn điệu, nhạc cụ nào của dân tộc mình. Ông sẵn sàng bỏ ra cả ngày trời để truyền lại âm nhạc cho thanh niên trong thôn, xã. Ông vui mừng: “Nhờ có huyện và xã quan tâm, bà con bây giờ đã dần dần nhận thức được giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình rồi!…”.
Cùng tâm huyết như già làng Hồ Văn Hạnh, Lê Văn Nghếu từ một kỹ sư lâm nghiệp trẻ được dân tín nhiệm trở thành Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, nhưng đóng góp lớn của anh lại là việc giữ lại những vốn quý văn hóa của đồng bào mình. Về cơ sở, thấy bà con còn lưu giữ nhiều nét văn hóa, nhưng cũng có những thứ dường như đã biến mất. Từ đó, Nghếu nảy ý định tự tìm hiểu, sưu tầm để gìn giữ lại cho đồng bào. Sau hơn 3 năm tự mày mò, Nghếu đã nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn được hàng trăm hiện vật văn hóa và chuyện kể vùng cao A Lưới. Các hiện vật được anh hồ sơ hóa thời gian, địa điểm sưu tầm, đặc điểm, chức năng sử dụng, chất liệu, thời lượng và cách chế tác. Nghếu tâm sự: “Mình còn cất công theo các già làng trong vùng học cách chế tác, sử dụng các công cụ, nhạc cụ truyền thống đang có nguy cơ mai một…”. 

Tái hiện không gian văn hóa đồng bào Tà Ôi ở A Lưới 

Tập trung nguồn lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá
Chị Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện A Lưới cho biết: Để bảo tồn các giá trị văn hóa, huyện A Lưới đã triển khai công tác sưu tập, đánh giá giá trị và thí điểm trưng bày các hiện vật văn hóa vật thể của các dân tộc thiểu số (DTTS) ở A Lưới, phục dựng các kiểu kiến trúc nhà cộng đồng, nhà sàn, nhà dài truyền thống. Cụ thể, huyện đã triển khai phục dựng lại một số khu nhà Piing của tộc người Pa cô, ở các xã Trung Sơn, Hồng Vân; của người Ka tu, ở xã Lâm Đớt. Xây dựng 131 ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng, khôi phục 15 nhà Rông truyền thống của dân tộc Tà ôi, 3 nhà Gươl truyền thống của dân tộc Ka tu, 1 nhà Moong truyền thống của dân tộc Pa cô, đưa vào hoạt động Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. 
Song song đó, ngành nghề dệt Zèng và thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng được quan tâm bảo tồn và phát huy. Đến nay, hoạt động dệt Zèng đã được huyện A Lưới tổ chức 170 đợt triễn lãm phục vụ du khách đến tham quan và các dịp lễ lớn. Sản phẩm thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ đồng bào làm ra vừa góp phần tích cực trong việc bảo tồn văn hoá dân tộc vừa tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Các bản sắc riêng có của đồng bào DTTS được bảo tồn, phát huy trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc 

Cùng với việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể, những năm qua huyện A Lưới đã quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể như các lễ hội truyền thống: Ariêu Caar (Lễ hội đoàn kết giữa các làng) được khôi phục, phục dựng khá nguyên vẹn, Ariêu Piing (Lễ cải táng), Ariêu Aza (Tết truyền thống, mừng lúa mới). Các tập tục văn hoá tốt đẹp khác của đồng bào các dân tộc đều được duy trì thường xuyên, đúng định kỳ. Các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các dân tộc thiểu số đã được sưu tầm, bảo tồn, phát huy và hòa nhập cùng phát triển. 
Huyện cũng đã duy trì lớp học ngôn ngữ Pa Cô – Tà Ôi dạy kết hợp với tiếng Việt cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên vùng sâu, vùng xa, bộ đội, công an, biên phòng; xây dựng và thực hiện hiệu quả đề tài dịch 20 ca khúc hát về Đảng, Bác Hồ, hát về quê hương A Lưới từ lời Việt sang lời Pa Cô để bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc cho thế hệ trẻ. Theo chị Lê Thị Thêm, hiện tại phong trào văn hóa dân gian đang được phát huy rầm rộ ở các làng, thôn, tổ dân phố của huyện. Tiêu biểu là các câu lạc bộ văn nghệ dân gian làng Việt Tiến, xã Hồng Kim; làng du lịch văn hóa cộng đồng A Hưa, xã Quảng Nhâm; làng AKa – Achi, xã A Roàng; thôn A Đĕĕng, xã Bắc Sơn... Đây là những địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá cộng đồng phục vụ du khách đến tham quan du lịch. Đặc biệt, trong các dịp lễ hội, những món ăn truyền thống được bà con chế biến đúng theo bản sắc riêng để tiếp đãi du khách nhằm góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực của vùng cao A Lưới này.

Lễ A Da Koonh mừng lúa mới của người Pa Cô ở A Lưới
được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới - Hồ Văn Ngưm, khẳng định: Địa phương đang huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn và phát huy những bản sắc riêng có của các DTTS, góp phần để văn hoá vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, huyện tích cực vận động 100% đồng bào DTTS sử dụng trang phục truyền thống trong những ngày lễ hội Ariêu Aza, Ariêu Caar, A Riêu Piing... Tiến hành phục dựng nguyên bản lễ hội Ariêu Aza, một di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Tiếp tục nghiên cứu, biên soạn và xuất bản chữ viết, tục ngữ, ca dao, các làn điệu dân ca, dân vũ, truyện cổ... của các DTTS. Có chính sách phát huy vai trò các nghệ nhân trong công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá. 
Cùng đó, huyện A Lưới tập trung lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động các nguồn lực nhằm xã hội hoá việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tu bổ, bảo tồn di tích và các hoạt động văn hoá, tiến đến tổ chức các lễ hội Ariêu Aza định kỳ mỗi năm 1 lần, Ariêu Caar 5 năm một lần... đưa các lễ hội này trở thành các sản phẩm du lịch. Đồng thời, địa phương phối hợp cùng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng bộ chỉ số phát triển các DTTS đến năm 2025 và thống kê các di sản văn hoá tiêu biểu các DTTS trên địa bàn toàn huyện. Phấn đấu kết hợp công tác bảo tồn các giá trị văn hoá với phát triển ngành nghề thủ công truyền thống và du lịch cộng đồng để góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào các DTTS ở A Lưới.

Bài, ảnh: Bá Trí

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN