Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bạo lực gia đình, bạo hành đối với phụ nữ thì bị xử lý thế nào?

Thứ Năm, 16/11/2023 16:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Đối với hành vi cố ý gây thương tích, bạo hành vợ dẫn đến bị gãy xương cẳng tay trái, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 35%, bị cáo bị tòa tuyên phạt mức án 2 năm tù giam.

Tại phiên toà giả định định về phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em tại Điện Biên, các đại biểu đã được xem tình huống giả định về hành vi vi phạm pháp luật bạo lực gia đình, bạo hành đối với phụ nữ: Tình huống giả định là phiên tòa xét xử bị cáo với tội danh cố ý gây thương tích. Theo cáo trạng truy tố, bị cáo sau khi đi nhậu về thì xảy ra mâu thuẫn với vợ dẫn đến hành vi bạo lực, xô vợ ngã xuống nền nhà, sau đó bị cáo bỏ đi ngủ. Vợ bị cáo cảm thấy rất đau tay và tay không cầm nổi đồ vật nên đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả cho thấy vợ bị cáo bị gãy xương cẳng tay trái, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 35%. Vợ bị cáo đã trình báo sự việc Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương, để nhờ hỗ trợ giải quyết theo quy định pháp luật, Hội phụ nữ địa phương đã vào cuộc, tố giác hành vi bạo lực gia đình của bị cáo đến cơ quan chức năng. Trong phiên tòa, bị cáo đã bày tỏ sự ăn năn, hối hận về hành vi của mình, qua đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo mức án 2 năm tù giam.

 Phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật bằng hình thức dễ nhớ, dễ hiểu, hấp dẫn, sinh động

Theo đó, từ các tình tiết phiên toà được mô phỏng, các diễn biến thường gặp ở ngoài đời, phiên tòa giả định đã nêu rõ các hành vi vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình, bạo hành đối với phụ nữ, để các đại biểu và người dân hiểu rõ hơn kiến thức pháp luật liên quan đến gia đình.

Phiên toà giả định cũng làm nổi bật nạn bạo lực trong gia đình là một vấn đề mà xã hội quan tâm vì giữa người có hành vi bạo lực và nạn nhân là người trong gia đình. Chính vì mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình mà nạn nhân dễ dàng tha thứ cho người đã có hành vi bạo lực với mình. Thậm chí, đôi khi do xấu hổ, không muốn cho lối xóm, đoàn thể hay chính quyền địa phương biết gia đình mình có bạo hành, nên nạn nhân đã không lên tiếng. Chính vì lẽ đó mà người gây ra bạo lực càng ngày càng lấn tới nên dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật về hình sự. Cụ thể vụ án này là một minh chứng.

Phiên tòa giả định đã tuyên truyền pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đến người dân xã Pá Khoang với một hình thức mới, dễ nhớ, dễ hiểu, hấp dẫn, sinh động, thông qua tình huống thực tế, qua đó góp phần nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật cho người dân, nhất là những kiến thức, hiểu biết về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ, trẻ em.

Đông đảo người dân tham dự phiên tòa giả định 

Qua phiên toà giả định giúp nhân dân nhận thức được việc phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần sự chung tay vào cuộc của mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Khi có hành vi bạo lực xảy ra, mọi người đều phải có trách nhiệm ngăn chặn và thông báo cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền để xử lý và hỗ trợ nạn nhân. Sự lên tiếng và ủng hộ của cộng đồng sẽ là động lực để nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ và dũng cảm đứng lên để đấu tranh chống lại bạo lực. Đồng thời góp phần xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới./.

Kim Dung

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN