Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bao giờ LHP mới trở thành “cú hích” cho Điện ảnh phát triển?

Thứ Năm, 09/11/2023 17:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN)- Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XXIII với chủ đề "Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn" sẽ được tổ chức tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) từ ngày 21 – 25/11. Đây có thể coi là một cơ hội lớn để điện ảnh nước nhà giao lưu hội nhập trong “dòng chảy” mạnh mẽ của điện ảnh thế giới. Thế nhưng cũng như nhiều lần tổ chức trước, liệu liên hoan phim lần này có thực sự là “cú hích”để đưa công nghiệp điện ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới?

 Ảnh minh họa (Ảnh: TL)

 

Tính đến nay, LHP Việt Nam đã trải qua 22 lần tổ chức. Nhiều năm trở lại đây, sự kiện này đã được tổ chức định kỳ 2 năm/lần tại nhiều tỉnh/thành trong cả nước. Tuy nhiên, LHP Việt Nam vẫn chưa thực sự trở thành một thương hiệu mang tầm quốc gia, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế. Nhiều LPH mặc dù rất muốn “phô trương thanh thế” song lại rơi vào cảnh“ảm đạm” nhạt nhẽo khiến khán giả không quan tâm, và người trong nghề “ngó lơ”.

Lý giải về thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng do khâu quảng bá yếu, thủ tục hành chính, văn bản pháp lý còn rườm rà, cách tổ chức còn bất cập, ít đổi mới, tư duy coi LHP như là một ngày kỷ niệm truyền thống của ngành điện ảnh, mời nhiều thế hệ nghệ sĩ gạo cội không còn làm nghề hơn là các nhà sản xuất trẻ - lực lượng nòng cốt của làng phim hiện đại dẫn đến sự kiện không có sự tươi mới….

Trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang được xem là mũi nhọn trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.Luật Điện ảnh cũng vừa được Quốc hội thông qua vào năm 2022 đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà. Từ chỗ điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, Luật đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế.

Với nhiều điểm mới, Luật Điện ảnh  được kỳ vọng sẽ là tiền đề thúc đẩy xây dựng những chính sách hỗ trợ để triển khai hiệu quả, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng công nghiệp điện ảnh. Đặc biệt, việc hợp tác công - tư huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá… đã, đang và sẽ được các cơ quan quản lý xúc tiến, xây dựng, triển khai.

Thế nhưng thực tế thì sao? Trong vài năm trở lại đây, chất lượng nền điện ảnh nước nhà đã dần được nâng cao, lượng phim kém, nhảm nhí đã dần biến mất trên thị trường. Một số bộ phim đề tài chiến tranh đạt chất lượng, được trao giải tại LHP Việt Nam và giải Cánh diều như: Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Những đứa con của làng, Truyền thuyết về Quán Tiên... Một số bộ phim Nhà nước đặt hàng được trao các giải thưởng quốc tế cũng như giải trong nước như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến...

Bên cạnh đó, một số bộ phim Việt Nam của các hãng phim tư nhân thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khám giả đem về doanh thu cao và được đánh giá tốt về chất lượng như “Hai Phượng”, “Cua lại vợ bầu”, “Mắt biếc”… Có những hãng tư nhân không đặt mục tiêu thương mại mà hướng đến “phim nghệ thuật”, nên đã có một số bộ phim được trao giải tại các LHP quốc tế khác như: Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư, Song lang…Gần đây, phim “Nhà bà Nữ” của đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên Trấn Thành liên tục cán những kỷ lục ấn tượng…

Tuy nhiên công bằng mà nói những bộ phim tạo được những kỷ lục vẫn nằm phần lớn ở các hãng phim tư nhân, thậm chí là những phim không đoạt giải tại các LHP trong và ngoài nước. Và thực tế từ những lùm xùm về nội dung bộ phim ăn khách đang diễn ra thời gian gần đây đã cho thấy để phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn vẫn rất cần vai trò quan trọng của nhà nước trong việc đặt hàng và định hướng nội dung tư tưởng tác phẩm.

Mỗi lần tổ chức LHP dù đã xã hội hóa nhưng vẫn mất một nguồn kinh phí lớn, vậy câu hỏi đặt ra là đến bao giờ LHP mới trở thành “cú hích” cho ngành công nghiệp điện ảnh phát triển? Có lẽ nó không chỉ phụ thuộc vào việc xây dựng, quảng bá, tạo tiếng vang cho hoạt động quan trọng này mà có lẽ điều quan trọng nhất vẫn nằm ở việc đổi mới cung cách tổ chức, đối tượng tham gia và cả đơn vị tổ chức….

 

TT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN