Bao giờ có đủ sân chơi cho trẻ em?
(ĐCSVN) - Tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ từ thành phố lớn cho đến các miền quê đang thu hẹp nhanh chóng không gian vui chơi cho trẻ em. Trong các dịp hè, vấn đề sân chơi, nhất là sân chơi an toàn dành cho các em càng trở nên bức thiết.
Dạo quanh một số quận huyện nội, ngoại thành của Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, một điểm chung là không gian sinh hoạt, vui chơi dành cho trẻ em dường như quá eo hẹp. Tại khu phố Miếu Đầm, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chỉ có một sân chơi nhỏ (thực chất đây là sân của một ngôi đền) đã được chỉnh trang để làm thêm chỗ vui chơi cho trẻ em. Tuy nhiên, không gian ở đây có vẻ quá ngột ngạt khi trong một khoảng rộng vài ba trăm mét vuông được bài trí đủ thứ như: Chỗ vui chơi, chỗ dùng làm nơi đỗ xe, phía cổng vào thì dành cho mấy hàng quán ăn…
Ở một số khu tập thể cũ như: Quỳnh Mai, Bách Khoa, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ… được xây dựng từ những năm 80 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì sân chơi dường như không có, bởi từng khoảng không gian nhỏ đã được tận dụng vào đủ thứ công năng khác, phổ biến nhất là làm bãi đậu xe hoặc là nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát. Còn ở các khu chung cư mới hiện đại, khoảng không gian sinh hoạt chung cũng ngột ngạt không kém. Phổ biến là tình trạng quá tải do mật độ cư dân tập trung quá đông đúc.
Chị Nguyễn Lan Hương, nhà ở Khu tập thể Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội cho biết: Tôi hiện có 2 con đang là học sinh cấp 2. Dịp nghỉ hè, các cháu chủ yếu chỉ đọc sách, xem ti vi trong nhà vì không biết chơi đâu. Sân chơi ở trước khu dân cư thì nhỏ, hẹp, trong khi trẻ con đông, nên các cháu muốn đá bóng, chơi cầu lông, thậm chí chỉ rượt đuổi nhau… đều không được thoải mái. Thiếu sân chơi nên nhiều cháu rủ nhau ra lòng đường đá bóng hay chơi đùa rất nguy hiểm. Tôi cũng có đăng ký cho 2 con tham gia các lớp học năng khiếu ở trung tâm thiếu nhi, nhưng chỉ được một thời gian đành phải cho các cháu nghỉ vì không có thời gian đưa đón và đủ kinh phí cho các cháu theo học.
Có mặt tại phường Châu Sơn, TP. Phủ Lý (Hà Nam) những ngày gần đây, chúng tôi đã ngỡ ngàng khi chứng kiến nhiều tốp thanh thiếu niên chơi trò trượt pa-tin ngay cả trên lòng đường QL 21B. Trên đường xe cộ vẫn phóng rầm rầm, các trẻ em thì vẫn hồn nhiên vui chơi trong nguy hiểm và gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện qua lại.
Cháu Lê Thành Long, nhà ở Tổ dân phố Do Nha, phường Châu Sơn cho biết: "Bọn cháu mê môn thể thao này, nhưng không có chỗ chơi đủ rộng, thấy mặt đường nhựa phẳng nên ra đường tập luôn. Chúng cháu chỉ tập trong làn xe máy chứ không đi ra giữa đường nên không nguy hiểm lắm…" - Long hồn nhiên nói.
Những lí lẽ ngô nghê của con trẻ nhưng thực ra là nỗi trăn trở của người lớn. Chỉ vì thiếu không gian để chơi pa-tin nên các em đã tập chơi ngay trên đường. Được biết, trên địa bàn cũng có một số trung tâm chơi môn thể thao này nhưng của tư nhân mở ra kinh doanh. Do điều kiện, hoàn cảnh nên không phải đứa trẻ nào cũng được cha mẹ cho tiền để thỏa niềm đam mê.
Ở các huyện, xã miền núi vùng cao thì vấn đề không gian chơi cho trẻ em càng khó khăn. Nếu có dịp lên bất cứ địa phương vùng cao nào như: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái…, chúng ta sẽ dễ dàng gặp những đám trẻ con lam lũ chơi những trò dễ xảy ra thương tích, mất an toàn như: Leo trèo, trượt đất, chơi quay, chơi khăng... Thực tế, đa số các địa bàn vùng cao kinh tế còn khó khăn, thường khó bố trí được quỹ đất và cũng không có nguồn kinh phí để xây dựng những sân chơi theo đúng nghĩa cho trẻ em.
Có thể thấy, không có sân chơi đang là vấn đề tồn tại lớn nhất đối với nhu cầu vui chơi lành mạnh của trẻ em hiện nay. Ở thành phố thì chỉ nghèo nàn quanh quẩn mấy nhà văn hóa thiếu nhi, quảng trường, bể bơi. Song đa số các địa điểm trên do tư nhân thầu khoán thành các điểm kinh doanh, vui chơi, giải trí, giá cả thường đắt đỏ, không phải trẻ em nào cũng có điều kiện được tiếp cận. Còn ở các trung tâm vui chơi, giải trí công, mỗi dịp hè thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải triền miên, chất lượng dịch vụ kém.
Từ việc thiếu không gian vui chơi nên mỗi dịp hè, các trẻ em thường tham gia các chò chơi tự phát. Chúng vô tư biến các ao hồ, đầm nước, sông suối thành các bể bơi, sân bóng trên đường mà không lường trước được các nguy cơ tiềm ẩn như: Tai nạn giao thông, đặc biệt tình trạng đuối nước.
Thêm nữa, từ thực trạng trên đã sinh ra một số hệ lụy khiến không ít người phải nhức nhối như: Cả 3 tháng hè trẻ chỉ biết làm bạn với smartphone, Ipad, máy tính với các trò game vô bổ, thậm chí độc hại. Ở các làng quê, chính sự nghèo nàn của các dịch vụ giải trí và không gian vui chơi là những lý do khiến cho vô số các cơ sở kinh doanh điện tử, internet trở nên đông đúc vào mỗi dịp hè, mà phần lớn các “khách hàng” ở độ tuổi 8 - 15 tuổi. Không ít em đã sa đà vào các trò chơi mang tính kích động, bạo lực, hoặc có nội dung đồi trụy, dễ làm phát sinh những suy nghĩ tiêu cực, những hành động lệch lạc, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em trong những ngày hè là một trong những khó khăn, trăn trở chung của cả cộng đồng xã hội.
Thiết nghĩ, để giải quyết thực trạng thiếu sân chơi cho trẻ em, trước hết cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự đầu tư của toàn xã hội; cũng cần đội ngũ chuyên trách để quản lý lĩnh vực tổ chức vui chơi cho trẻ em. Đối với trẻ em, môi trường vui chơi lành mạnh, an toàn là điều kiện quan trọng và cần thiết giúp trẻ phát triển và hoàn thiện kỹ năng sống. Vì vậy, việc quy hoạch mạng lưới sân chơi cho trẻ em từ thành thị cho đến vùng nông thôn cần được chú trọng cả về số lượng và chất lượng.
Xây dựng những sân chơi vui tươi, tổ chức những trò chơi lành mạnh, bổ ích... là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Mỗi người, từng gia đình, khu phố, các cấp chính quyền, đoàn thể quần chúng cần thể hiện sự quan tâm bằng những hành động cụ thể, thiết thực hằng ngày, tạo mọi điều tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.
Một mùa hè nữa đang đến và cơn “khát” không gian vui chơi của trẻ vẫn còn đó..../.