Báo động về khủng hoảng an ninh lương thực ở Sudan
(ĐCSVN) - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang leo thang ở Sudan. Từ đó, kêu gọi hành động tập thể và ngay lập tức để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo sắp xảy ra.
Nông dân làng Gonova ở bang Sennar của Sudan, đang theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của cây cao lương và mong đợi một vụ thu hoạch bội thu. (Ảnh: FAO) |
Theo dự báo Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) được FAO công bố ngày 12/12, có đến 17,7 triệu người trên khắp Sudan, chiếm 37% dân số, đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở mức độ cao, được phân loại vào IPC Giai đoạn 3 trở lên (Khủng hoảng hoặc tệ hơn) trong khoảng thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 2/2024. Nhóm dân số bị mất an ninh lương thực trầm trọng nhất nằm ở các bang bị ảnh hưởng bởi mức độ bạo lực cao, bao gồm Greater Darfur, Greater Kordofan và Khartoum, đặc biệt là ở khu vực ba thành phố Khartoum, Bahri và Omdurman.
Sudan đang phải đối mặt với tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi kể từ khi giao tranh giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) ở thủ đô Khartoum và các khu vực khác bùng phát ngày 15/4 vừa qua. Xung đột kéo dài và bạo lực leo thang đang khiến khủng hoảng nhân đạo và mất an ninh lương thực trở nên trầm trọng tại một số khu vực thành thị, bán thành thị và nông thôn.
Bạo lực lan rộng đã khiến 6,3 triệu người phải di dời, trong đó có khoảng 5,1 triệu người phải di dời trong nước và 1,2 triệu người phải tìm nơi ẩn náu ở các nước láng giềng. Phần lớn những người di tản trong nước đến từ 8 bang, trong đó bang Khartoum chiếm tỷ trọng lớn nhất với 67%. Dân số phải di dời nằm rải rác trên tất cả 18 bang của Sudan và vượt ra ngoài biên giới đất nước, đặc biệt là đến Chad, Nam Sudan và Ai Cập. Văn phòng các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cách đây ít lâu đã cảnh báo rằng rằng nạn đói và sự di dời do chiến tranh ở Sudan đang vượt quá tầm kiểm soát.
Xung đột kéo dài nhiều tháng qua đã tàn phá nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm các cơ sở chăm sóc sức khỏe, trường học, đường sá, nguồn điện, nước cũng như các tài sản viễn thông. Nạn cướp bóc tràn lan đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt ngày càng nghiêm trọng các dịch vụ thiết yếu, thực phẩm và hàng hóa trên khắp đất nước, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng mà người dân Sudan phải đối mặt.
Từ tháng 7 đến tháng 9/2023, FAO đã tiếp cận hơn 1 triệu hộ nông dân ở Sudan (tương đương với khoảng 5 triệu người) để hỗ trợ sản xuất lương thực địa phương và duy trì sinh kế ở nông thôn. Tuy nhiên, bất ổn kéo dài và những khó khăn trong việc tiếp cận đang đe dọa an ninh lương thực tại quốc gia Bắc Phi này.
Đại diện FAO tại Sudan – ông Hongjie Yang cho biết: "Trước những thách thức an ninh lương thực đáng báo động, FAO kiên định cam kết hỗ trợ các cộng đồng nông thôn Sudan. Tính cấp bách của vấn đề và sự nỗ lực của chúng tôi là điều rõ ràng, nhưng con đường phía trước đòi hỏi nhiều kinh phí hơn để duy trì sự hỗ trợ quan trọng của chúng tôi".
Theo FAO, tổ chức này cần khẩn cấp 75,4 triệu USD, chiếm gần 80% kinh phí cần thiết để triển khai Kế hoạch ứng phó nhân đạo sửa đổi cho Sudan từ tháng 5-12/2023. Những nguồn kinh phí này rất quan trọng để giải quyết nhu cầu leo thang, tăng cường sản xuất lương thực địa phương và cải thiện khả năng tiếp cận trên phạm vi đất nước Sudan./.