Báo động tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm MSM
(ĐCSVN) - Trước đây, lây nhiễm HIV ở Việt Nam chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây, có nơi chiếm hơn 50% trong số người nhiễm mới. Một con số thật sự đáng báo động.
Hiện nay, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh trong đó có những địa phương nhóm này chiếm hơn 50% số ca mắc mới |
Hiện nay, nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam. Ở một số địa phương, người nhiễm HIV mới được phát hiện có tới hơn 50% là nhóm này và nó được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nếu như năm 2012 số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận vào khoảng 2.000 người, đến năm 2021 con số này là gần 4.500 người. Thời kỳ đầu của dịch, nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV là chủ yếu, đến giai đoạn hiện nay, nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính nhiễm HIV chiếm tỉ lệ lớn (có đến 76% số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận trong năm 2021 là nam quan hệ tình dục đồng giới).
Tại Long An, BS Nguyễn Ngọc Linh, Phó giám đốc CDC tỉnh cho hay, nếu năm 2015 chỉ có 5,9% ca nhiễm HIV được phát hiện tại tỉnh này là lây nhiễm trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam, năm 2018 là 16,2% thì năm 2021 tỉ lệ này đã ở mức 69,9%.
"Tỉ lệ lây nhiễm do hành vi tiêm chích giảm rõ, quan hệ tình dục là đường lây chính hiện nay, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Trước đây chúng tôi có suy nghĩ tình trạng này chủ yếu ở thành phố lớn và chưa có nhiều hình thức can thiệp trong nhóm này. Tuy nhiên, đến năm 2018, khi áp dụng có cách khảo sát mới, kết quả mới rõ thực trạng tại địa phương và tỉ lệ phát hiện ngày càng cao" - BS Linh chia sẻ.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số ca lây nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới cũng gia tăng gần đây. Theo thông tin từ cuộc khảo sát 450 mẫu trong nhóm này từ 20-40 tuổi mới thực hiện đầu 2022, có đến 70 mẫu dương tính HIV, con số này cao hơn hẳn so với khảo sát tương tự ở các tỉnh thành lân cận.
Đáng chú ý hiện nay, HIV đang xuất hiện trong nhóm MSM trẻ tuổi. Theo chia sẻ của các bác sĩ trực tiếp tham gia hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân HIV và các bạn trong các nhóm đồng đẳng viên chia sẻ thì nhiều trường hợp nhiễm HIV khi còn đang làm học sinh THPT. Đây thật sự là những thông tin đáng lo ngại để chúng ta có những giải pháp kịp thời và hiệu quả trong thời gian tới.
Thực trạng đã thấy rõ, nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao số trường hợp nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính lại gia tăng mạnh trong thời gian gần đây?
Theo các nhà chuyên môn nghiên cứu về hành vi của nhóm này đã chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản. Trước hết đó là do hành vi quan hệ tình dục trong nhóm khá phức tạp. Ở nhóm nay, quan hệ chủ yếu qua đường hậu môn, trong khi đây là hình thức mà nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất do niêm mạc hậu môn mỏng, niêm mạc trực tràng có nhiều mao mạch, dễ bị tổn thương, chảy máu. Mặt khác, một tỉ lệ nhất định có xu hướng quan hệ tình dục không an toàn, thường xuyên thay đổi bạn tình, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục với cả nam và nữ, không sử dụng biện pháp an toàn. Đường lây của nhóm thường chồng chéo nên tình trạng khó kiểm soát hơn.
Tuyên truyền về các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV cần được đẩy mạnh hơn nữa trong nhóm MSM |
Không chỉ vậy, người nhiễm có thể mắc kèm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như giang mai, sùi mào gà, lậu… Những bệnh lý này góp phần gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Mặc dù đang có tỉ lệ lây nhiễm HIV cao, song nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính lại là một nhóm còn đang khá khó tiếp cận để có thể tuyên truyền cũng như hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn.
Theo ThS. BS. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay nhóm MSM đang có ảnh hưởng lớn nhất vào sự gia tăng dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Tiếp cận nhóm quần thể này khó hơn các nhóm quần thể đích khác nếu không có sự tham gia tích cực của các bạn đồng đẳng viên mà chính họ là thành viên cốt cán trong các nhóm này. “Các bạn có sự đồng cảm, chia sẻ về tâm tư tình cảm và dễ dàng có tiếng nói chung trong cuộc sống. Vì vậy, các bạn ấy chính là cánh tay nối dài của các cơ sở y tế để tiếp cận, kết nối các khách hàng đến tư vấn xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), điều trị HIV/AIDS cũng như điều trị đồng nhiễm khác”, BS Thoa chia sẻ.
Về các giải pháp cụ thể, các bác sĩ cho rằng, muốn kéo giảm được tỉ lệ HIV ở nhóm này cần phải phổ cập kiến thức về HIV cho họ, tuyên truyền để họ sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, khuyến khích người bạn tình kiểm tra sức khỏe trước khi quan hệ tình dục đồng thời phải khám sức khỏe thường xuyên.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng nhấn mạnh, những người nhiễm HIV, nếu uống thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) đúng liều lượng sẽ giảm được nguy cơ lây lan HIV. Các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao thể sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Ngày 14/08/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược này, một số giải pháp cũng đã được đề cập tới, bao gồm: Nhóm giải pháp về chính trị xã hội; Nhóm các giải pháp về pháp luật, chế độ chính sách; Các nhóm giải pháp về chuyên môn kỹ thuật; Các nhóm giải pháp về đảm bảo tài chính; về nguồn nhân lực; về cung ứng thuốc, sinh phẩm thiết yếu và hợp tác quốc tế… Với việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trên, chúng ta cùng hi vọng mục tiêu của Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 sẽ sớm thành hiện thực./.