Báo động ô nhiễm môi trường ở làng nghề Bình Yên (Nam Định)
(ĐCSVN) – Do phát triển tự phát, không có quy hoạch, công nghệ lạc hậu, làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, Nam Định) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Sống chung với ô nhiễm
Làng nghề Bình Yên có khoảng 600 hộ dân, trong đó có trên 200 hộ với hơn 300 lao động tại chỗ làm nghề tái chế nhôm từ nhôm phế liệu được thu mua khắp nơi về. Bên cạnh lao động tại chỗ, còn có hơn 300 lao động là người nơi khác đến làm thuê.
Nhôm phế liệu là những chiếc nồi, ấm nhôm hỏng, vỏ lon bia, vỏ đồ uống đóng hộp… Những phế liệu này thu gom từ các hàng đồng nát. Sau đó sẽ nấu chảy và cô lại thành các thanh nhôm nguyên liệu hoặc tái chế để sản xuất xoong, mâm, ấm nhôm bán đi các nơi. Nhà nhà đua nhau làm nghề mà không có bất cứ giải pháp bảo vệ môi trường nào.
Hàng ngày, khói bụi khét lẹt từ các các cơ sở tái chế nhôm xả thẳng ra khu dân cư
Các hộ sản xuất ngay tại khuôn viên nhà ở của mình. Bình quân, mỗi tháng làng Bình Yên tái chế khoảng 1.500 tấn nhôm phế liệu, sử dụng trên 40 tấn than đá và 2 tấn hóa chất để tẩy trắng sản phẩm. Sản xuất tại nhà nên từ nhiều năm nay, mỗi ngày hàng trăm mét khối nước thải màu vàng đục chứa hóa chất và cặn bã từ khâu tẩy rửa sản phẩm (gồm axit, xút, Crom và một số hóa chất chuyên dụng khác) chưa qua xử lý đã thải trực tiếp ra rãnh nước trong làng rồi chảy ra kênh, mương. Con mương nước cạnh làng đã trở thành mương chết với các chất trắng đục, vàng đục đóng tảng kín mặt mương. Diện tích cấy lúa xung quanh bỏ hoang vì lúa không sống nổi. Cùng với ô nhiềm nước là khói bụi, mùi khét lẹt bốc lên từ các lò nấu nhôm.
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Trực về mức độ gây ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất thuộc làng nghề Bình Yên, có 52% số cơ sở thuộc nhóm A.; 48% thuộc nhóm C (nhóm có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao).
Kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại làng nghề Bình Yên cũng cho thấy, môi trường nước mặt tại sông Nam Ninh Hải, nơi chứa nước thải của các cơ sở sản xuất, có hàm lượng SS (chất rắn lơ lửng) cao gấp 12,2 lần Quy chuẩn Việt Nam. COD (lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ, COD càng cao càng có hại cho sinh vật nước và hệ sinh thái nước nói chung) cao gấp 20 lần; BOD5 (lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn có trong nước nói chung và nước thải nói riêng gây ra với thời gian 5 ngày) cao gấp 21,2 lần.
Tình trạng ô nhiễm trên đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng và sức khỏe của chính người dân trong làng. Ông Hoàng Văn Tính - Trưởng xóm 1 Bình Yên cho biết, mấy năm gần đây năm nào trong làng cũng có trên 10 người bị ung thư, các bệnh đường hô hấp khá phổ biến. Báo cáo môi trường của UBND xã Nam Thanh cũng khẳng định, tỷ lệ người mắc bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da… ở Bình Yên cao hơn hẳn các khu dân cư khác trên địa bàn xã.
Cần một giải pháp quyết liệt hơn?
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh cho biết, nghề tái chế nhôm đang đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế địa phương, với doanh thu khoảng hơn 50 tỷ đồng/năm. Nhưng do việc phát triển tự phát, không có quy hoạch, công nghệ lạc hậu, ý thức của người dân còn hạn chế nên ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Mương nước cạnh làng bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải chưa qua xử lý từ các cơ sở tái chế nhôm xả ra.
Mặc dù tháng 6/2008 các ngành chức năng của tỉnh Nam Định và Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Sỹ đã hỗ trợ làng nghề Bình Yên xây dựng 92 hố gas, 141 ống khói tại các hộ nhúng rửa sản phẩm nhôm, cô đúc nhôm, 186 thùng nhựa cho 93 hộ nhúng rửa sản phẩm, 30 thùng đặt tại kho chứa chất thải nguy hại tại bãi rác của xã. Tuy nhiên, những thiết bị này chỉ là dụng cụ chứa chứ hoàn toàn không xử lí được các chất độc hại, ống khói cũng chỉ cao hơn căn nhà mái bằng chút ít nên khí thải vẫn luẩn quẩn trong khu dân cư. Đến nay, nó hoàn toàn không còn tác dụng, trong khi người dân không tự bỏ kinh phí đầu tư thiết bị mới để giảm thiểu ô nhiễm.
Năm 2013, dự án Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Bình Yên đã triển khai nhưng đến nay, vẫn chưa hoàn thành. Khi hoàn thành, cũng chỉ xử lý tập trung được nước thải, chất thải rắn sẽ gom về kho chứa. Với khí thải thì rất khó khăn chưa biết xử lí thế nào.
Về lâu dài, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh Phạm Thanh Đồng cho biết, xã đang xây dựng kế hoạch quy hoạch cụm công nghiệp để di dời các hộ sản xuất thuộc nhóm gây ô nhiễm môi trường cao ra khỏi khu dân cư. Song do ngân sách hạn hẹp và cơ chế chưa đồng bộ nên chưa biết đến khi nào mới thực hiện được. Trước mắt, UBND xã sẽ thường xuyên vận động các hộ sản xuất ký cam kết bảo vệ môi trường, đến nay mới có 70 hộ ký cam kết và việc thực hiện cam kết rất hạn chế. Công tác kiểm tra, yêu cầu các hộ thực hiện cam kết cũng rất khó khăn. Vì thế, ô nhiễm môi trường vẫn chưa biết đến khi nào mới được cải thiện./