Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo đảm sự linh hoạt, nhanh chóng, kịp thời của công tác cảnh vệ

Thứ Hai, 03/06/2024 20:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Theo các đại biểu, việc bổ sung áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết là cần thiết để đảm bảo việc trao quyền cho các lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp cảnh vệ trong trường hợp khẩn cấp, đáp ứng được yêu cầu về sự linh hoạt, nhanh chóng, kịp thời của công tác cảnh vệ.

Chiều 3/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Một trong những điểm mới của Dự thảo luật bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc quy định của Luật Cảnh vệ trong trường hợp cần thiết.

Góp ý về nội dung này,  đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hải Dương cho rằng việc quy định như dự thảo là cần thiết để đảm bảo việc trao quyền cho các lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp cảnh vệ trong trường hợp khẩn cấp, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi sự linh hoạt nhanh chóng, kịp thời của công tác cảnh vệ.

Tuy nhiên, với mục tiêu mà điều luật nêu ra là để bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và đảm bảo công tác đối ngoại thì đây đều là những mục tiêu rất lớn, có ảnh hưởng đến chính trị quốc gia. Vì vậy, theo đại biểu, với trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, để đảm bảo công tác đối ngoại, ngoài giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Công an, vẫn cần có cơ chế thống nhất và báo cáo trong các trường hợp này để tăng sự cẩn trọng và sự lựa chọn tối ưu cho các quyết định. Bên cạnh đó nên xem xét bổ sung một số tiêu chí để xác định rõ trường hợp cần thiết theo quy định là những trường hợp như thế nào?.

Đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn Hưng Yên) nêu quan điểm, việc quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết là cần thiết, vì tại khoản 5 Điều 10 Luật Cảnh vệ hiện hành quy định "căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, khi xét thấy cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp với quy định tại các Điều 11, 12, 13 và 14 của luật này". Mặt khác, việc áp dụng biện pháp cảnh vệ trong các trường hợp trên phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 " quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: Hồ Long.

Đồng quan điểm với đại biểu Luyến, song đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) cũng lưu ý, trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào thì việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân cũng phải được đề cao, tránh sự tùy tiện, lạm dụng việc thực thi các biện pháp liên quan, dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân nếu không thực sự cần thiết, như: tùy tiện, lạm dụng kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nổ súng huy động phương tiện v.v... Nhấn mạnh đây là yêu cầu có tính nguyên tắc quan trọng được Hiến pháp quy định cần được thể hiện trong luật và các văn bản dưới luật, song qua nghiên cứu đại biểu nhận thấy tại Điều 5 của Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định về nguyên tắc cảnh vệ và các điều khoản liên quan trong luật hiện hành và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ lại chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc này. Do đó, đại biểu  đề nghị cần bổ sung thêm khoản 6 vào Điều 5, quy định nguyên tắc không tùy tiện, lạm dụng thực thi các biện pháp cảnh vệ có thể dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân và trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát các quy định, nhất là quy định về biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng làm công tác cảnh vệ.

“Đề nghị Chính phủ và Bộ Công an tiếp tục quán triệt và cụ thể hóa các nguyên tắc này trong các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, nhất là trong quy định những trường hợp cấp thiết mà có thể áp dụng một số biện pháp cảnh vệ không được quy định trong luật này để bảo đảm thực hiện trong thực tế”, đại biểu kiến nghị.

Ngoài việc làm rõ nội hàm cụ thể của trường hợp cấp thiết là trường hợp nào và khi áp dụng các biện pháp cảnh vệ sẽ có tác động đến quyền con người, quyền công dân, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (Đoàn An Giang) đề nghị rà soát, đối chiếu nội dung tương tự như trên ở Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân và một số luật khác. Bởi các luật này chỉ quy định các trường hợp khẩn cấp hoặc tình trạng khẩn cấp nhưng dự thảo luật quy định trường hợp cần cấp thiết, trong khi đó lại có dẫn chiếu áp dụng Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.../.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN