Bảo đảm sự an toàn đón học sinh trở lại trường
(ĐCSVN) - Bộ GD&ĐT sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học, để các địa phương, mỗi nhà trường, căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch, quy trình đảm bảo an toàn cho đơn vị mình.
"Ngành Giáo dục ngay từ bây giờ phải đảm bảo các điều kiện an toàn để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường sau khi các địa phương có quyết định chính thức việc cho học sinh đi học trở lại. Tinh thần là phải đặt an toàn của người học lên trên hết”. Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ tại các cuộc làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Hưng Yên và Bắc Giang, ngày 25/2.
100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã phun khử khuẩn
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phê cho biết, thời gian qua ngành GD&ĐT địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Cụ thể, Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, các nhà trường đã tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh về nguyên nhân, tác hại và các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT. Hệ thống sổ liên lạc điện tử, Zalo, Gmail… được linh hoạt sử dụng để kịp thời thông tin lịch nghỉ học, hướng dẫn giao và chữa bài tập, hướng dẫn phụ huynh học sinh cách quản lý, hướng dẫn con tự học ở nhà.
Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế triển khai các nội dung phòng, chống dịch, cung cấp thuốc, vật tư sát trùng, khử khuẩn; cung cấp ấn phẩm tuyên truyền phòng, chống dịch cho các nhà trường. Ngoài ban hành các văn bản chỉ đạo, Sở GDĐT đồng thời tổ chức 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT (bao gồm cả hệ thống trường công lập và tư thục), trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Hưng Yên ngày 25/2. |
Qua kiểm tra, các cơ sở giáo dục đều nhận thức đúng về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch, trách nhiệm của nhà trường trong công tác phòng, chống Covid-19 và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Mỗi cơ sở giáo dục thành lập một ban chỉ đạo phòng, chống dịch, có phân công công việc, trách nhiệm, lịch trực rõ ràng; phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương trong công tác vệ sinh khử khuẩn, quản lý và theo dõi sức khỏe học sinh.
Tính đến ngày 24/2, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã phun khử khuẩn trường lớp, phòng học, tẩy trùng trang thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em; trong số đó một nửa (203 trường) khử khuẩn đến lần 3. Toàn bộ trường học được trang bị nước rửa tay, xà phòng bánh tại các vị trí bồn rửa tay trong khuôn viên trường; in và niêm yết bảng thông tin hướng dẫn rửa tay theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường, chiều 25/2, Sở GD&ĐT Hưng Yên phối hợp với Sở Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến cho 100% giáo viên trên toàn tỉnh về biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn y tế, kỹ thuật giúp thầy cô xử lý tốt các tình huống phát sinh.Trong tiết đầu của ngày học đầu tiên, toàn bộ học sinh sẽ được giáo viên hướng dẫn quy trình đảm bảo vệ sinh phòng, chống dịch, dù những thông tin này đã được nhà trường gửi đến phụ huynh thời gian qua để hướng dẫn các em.
“Nhà trường phối hợp với phụ huynh sẽ kiểm tra sức khỏe cho học sinh khi ở nhà, đo thân nhiệt lúc đến trường và chuẩn bị các điều kiện để trẻ ở trường an toàn. Chúng tôi yêu cầu các nhà trường, các lớp phải có mẫu theo dõi sức khỏe học sinh, nếu có vấn đề gì thì báo cáo ngay ban chỉ đạo để kịp thời xử lý. Đặc biệt, Hưng Yên sẽ triển khai 5 tấn thuốc khử khuẩn cho tất cả cơ sở giáo dục của tỉnh để vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ 9.665 phòng học, trang thiết bị, đồ dùng học tập, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường” - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hưng Yên nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cũng nhấn mạnh, ngoài việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GDĐT, nếu cho học sinh đi học trở lại phải bảo đảm hai yếu tố: an toàn và an tâm. Ngành GDĐT tỉnh do đó nỗ lực làm tốt và đảm bảo các điều kiện an toàn trường học, không để dịch lây lan trong nhà trường.
Bắc Giang đầu tư 3.000 thiết bị đo thân nhiệt cho các trường
Ngành GD&ĐT tỉnh Bắc Giang đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống Covid-19, như tuyên truyền tới toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh ý thức và cách thức phòng chống dịch; phun khử khuẩn trường lớp, tẩy trùng trang thiết bị dạy học; giữ liên lạc với gia đình, học sinh để hướng dẫn các em tự học tại nhà và nắm bắt tình hình sức khỏe học trò…
Thứ trưởng Nguyễn Hứu Độ trao đổi tại cuộc làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang ngày 25/2. |
Với đợt nghỉ học kéo dài gần một tháng, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang đặc biệt chú trọng tăng cường sự liên hệ giữa giáo viên và học sinh để duy trì nề nếp học tập, củng cố kiến thức và nhanh chóng bắt kịp với tiến độ học tập sau kỳ nghỉ. Các trường học triển khai nhiều hình thức khác nhau để hướng dẫn học sinh có kế hoạch học tập tại nhà. Sở GD&ĐT phối hợp với đơn vị liên quan, triển khai hệ thống học tập trực tuyến, cung cấp môi trường học tập, làm bài tập, theo dõi kết quả học tập cho học sinh.
Chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại trường, Sở GD&ĐT đã đề xuất và được UBND tỉnh cho phép điều chỉnh dự toán ngân sách để trang bị thiết bị đo thân nhiệt điện tử cho 100% các trường, điểm trường trong toàn tỉnh. Với dự kiến 3.000 thiết bị đo thân nhiệt điện tử, tương đương mỗi cơ sở giáo dục sẽ có 3-4 chiếc, việc kiểm tra cho toàn bộ học sinh có thể đảm bảo. Các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục cũng đầu tư xà phòng, nước rửa tay kháng khuẩn… cho học sinh, giáo viên.
“Chúng tôi sẽ thường xuyên khử trùng, vệ sinh trường lớp và các khu vực khác trong và ngoài trường, trước khi học sinh trở lại học và trong quá trình học sinh học tập. Các nhà trường thực hiện đo thân nhiệt, khám sàng lọc sức khỏe, chuẩn bị các điều kiện cách ly cán bộ, giáo viên, học sinh khi cần thiết. Đối với học sinh bị sốt hoặc có biểu hiện nghi nhiễm bệnh phải cho nghỉ học để điều trị. Các giáo viên trong quá trình giảng dạy, được khuyến khích lồng ghép nội dung phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho học sinh thông qua hoạt động dạy học” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm cho biết.
Đối với cơ sở giáo dục tổ chức bán trú, nội trú cho học sinh, Sở GDĐT chỉ đạo, phải khử trùng, tẩy trùng các thiết bị, dụng cụ nhà bếp, các khu sinh hoạt tập thể, đồ dùng vệ sinh cá nhân, đồ chơi...theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Bát, thìa, đũa ăn… phải được cọ rửa, luộc, hấp, sấy...tiệt trùng sạch sẽ. Các đồ dùng, vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc, ca... mỗi trẻ phải được dùng riêng, không chung đụng.
“Bắc Giang đã thực hiện tốt việc kiểm soát và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, khuyến cáo ngành Y tế. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Sở GDĐT cần chủ động rà soát các điều kiện để bảo đảm an toàn, an tâm cho học sinh, giáo viên khi đi học trở lại” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương trao đổi tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ.
Kiểm soát chặt chẽ các đối tượng ra vào trường học
Ghi nhận sự nỗ lực, trách nhiệm của ngành Giáo dục hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh “đã làm tốt nhưng không chủ quan, không hoang mang” khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia khác. Thời gian cho học sinh đi học trở lại sẽ được chốt vào cuối tháng 2 (chưa đầy 1 tuần nữa). Nhưng “ngành Giáo dục ngay từ bây giờ phải đảm bảo các điều kiện an toàn để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Tinh thần là phải đặt an toàn của người học lên trên hết”.
Thứ trưởng yêu cầu ngành Giáo dục địa phương tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh nâng cao ý thức trách nhiệm phòng, chống dịch; hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn. Các nhà trường cần công khai quy trình và đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch, để phụ huynh an tâm cho con em trở lại học tập.
“Các nhà trường, mỗi thầy cô cần đặt ý thức trách nhiệm phòng chống dịch lên mức cao nhất, vì vấn đề này liên quan đến tính mạng con người. Trường học cần được kiểm soát chặt chẽ các đối tượng ra vào, nắm lý lịch sức khỏe của từng học sinh, giáo viên…để đảm bảo đây là nơi an toàn, không có đối tượng nghi ngờ, cần cách ly. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt đầu vào thì thực hiện an toàn ở trường học sẽ rất khó khăn” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học, để các địa phương, mỗi nhà trường, căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch, quy trình đảm bảo an toàn cho đơn vị mình./.