Bảo đảm hệ thống khám bệnh, chữa bệnh luôn vận hành thông suốt
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương, bệnh viện… về tiến độ triển khai xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Dự thảo Nghị định), chiều 9/8.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: MK |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Nghị định và các văn bản hướng dẫn là rất quan trọng để đưa Luật Khám bệnh, chữa bệnh đi vào cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực, nhất là những chính sách mới, mang tính đột phá, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Do vậy, Bộ Y tế cần báo cáo đầy đủ tiến độ xây dựng Nghị định và các văn bản hướng dẫn dưới nghị định theo thẩm quyền, nhất là những chính sách mới, định hướng đúng nhưng còn băn khoăn về tính khả thi, điều kiện tổ chức triển khai, hoặc đòi hỏi phải đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với cơ sở y tế, cơ quan quản lý, người bệnh,… và lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan; lộ trình kiện toàn bộ máy, tổ chức của các cơ sở y tế, cơ quan quản lý… bảo đảm năng lực thực hiện Luật Khám, chữa bệnh năm 2023.
"Các bộ, ngành, địa phương, cơ sở y tế tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, tìm kiếm phương án tối ưu đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình triển khai Luật Khám, chữa bệnh", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ trao đổi về khó khăn, vướng mắc, bất cập của các quy định về tự chủ bệnh viện công lập - Ảnh: Minh Khôi |
Nhiều kiến nghị về quy định đặc thù, điều khoản chuyển tiếp
Theo Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trình bày, dự thảo Nghị định bao gồm 5 nhóm nội dung chính: Tổ chức cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hoạt động của người hành nghề; tổ chức cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (thiết bị y tế, huy động điều động, kinh phí, tự chủ, xã hội hoá, cơ chế tài chính trong trường hợp khẩn cấp); quy định về cấp giấy phép hành nghề trong giai đoạn chuyển tiếp.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết đối với vấn đề tự chủ trong chuyên môn và bộ máy tổ chức; lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi thay đổi khái niệm phân tuyến chuyên môn kỹ thuật bằng cấp chuyên môn kỹ thuật…
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiến nghị Bộ Y tế làm rõ nguyên tắc vận hành, kết nối giữa các cấp chuyên môn kỹ thuật (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu) cùng danh mục kỹ thuật chuyên môn được phép thực hiện.
Còn Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng các quy định về việc cấp giấy chứng nhận giấy phép hành nghề đối với những loại hình nghề mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ phải rất chi tiết bảo đảm sự thống nhất trong cách hiểu và vận dụng. Đồng tình với ý kiến này, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp mong muốn Dự thảo Nghị định tháo gỡ được vướng mắc trong việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp điều trị mới lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam.
Ý kiến lãnh đạo một số bệnh viện, địa phương cũng mong muốn Dự thảo Nghị định làm rõ thêm các quy định đặc thù về cơ chế xã hội hoá y tế, tự chủ bệnh viện công lập, chính sách hợp tác công tư, tiêu chí phân cấp chuyên môn kỹ thuật…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận cuộc họp. Ảnh: MK |
Xây dựng chính sách toàn diện để triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiệu quả
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc xây dựng Dự thảo Nghị định là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Y tế chủ trì và phải bám sát các nội dung, chính sách được thể chế hoá trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Quyết định số 172/QĐ-TTg năm 2023 về ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
"Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp, làm việc với các bộ, ngành, địa phương, cơ sở y tế, chuyên gia,… để xây dựng các chính sách toàn diện, đầy đủ để triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh sau khi có hiệu lực", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ghi nhận các ý kiến trong cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế xây dựng các tiêu chí rõ ràng, đánh giá kỹ tác động của quá trình chuyển tiếp từ quy định cũ sang quy định mới đối với mạng lưới cơ sở y tế; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý, nguồn lực…, bảo đảm sự vận hành thông suốt, không để xảy ra xung đột, cản trở công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Đối với vấn đề xã hội hoá y tế, tự chủ bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để hướng dẫn chi tiết các điều, khoản trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trên nguyên tắc y tế công lập bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cơ bản cho nhân dân; đồng thời, thúc đẩy xã hội hoá, tự chủ bệnh viện công lập tại khu vực có trình độ phát triển, người dân có nhu cầu cao và khả năng chi trả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để người dân có thể tiếp cận từ xa những bác sĩ giỏi, phương pháp điều trị tốt, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; tập huấn chuyên môn, tổ chức lại lực lượng y tế dự phòng để tăng cường năng lực điều trị cho y tế cơ sở…/.