Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay

Thứ Sáu, 20/12/2024 21:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Sáng 20/12, tại TP Đà Nẵng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy Đà Nẵng và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay”. Hội thảo là hoạt động thiết thực, góp phần vào tổng kết nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII và chuẩn bị văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Hội thảo với sự đồng chủ trì của GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IIII; đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu, quản lý, các viện, học viện, trường đại học; đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên…

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, an ninh và phát triển luôn là song đề tác động lẫn nhau, là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành bại của mọi quốc gia, dân tộc. Trong thời đại ngày nay, lại càng như vậy, vì bản thân cả an ninh và phát triển đều có nội dung mới và phương thức giải quyết khác trước.

Bên cạnh các vấn đề an ninh truyền thống, quen thuộc, thường liên quan đến sức mạnh cứng, trực tiếp tác động đến chế độ xã hội, chính quyền, cuộc sống người dân..., đã xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề an ninh phi truyền thống, không hề có tiền lệ, liên quan đến cả sức mạnh mềm, tồn tại và hoạt động như một tác nhân xuyên quốc gia, tác động rất phức tạp đến an toàn của người dân, đất nước và cả thế giới. Có thể nêu một số nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, khủng hoảng môi trường do biến đổi khí hậu, tội phạm công nghệ cao, ma túy, dịch bệnh toàn cầu, tấn công mạng, tội phạm sinh học, tội phạm tài chính – tiền tệ, thông tin giả...

Các nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống là sản phẩm của thế giới ngày nay, thế giới của nhiều chuyển động mang tính thời đại. Con người vừa thể hiện có năng lực phi thường trong chinh phục thiên nhiên, làm chủ khoa học công nghệ; vừa thể hiện hạn chế, thậm chí bất lực trước nhiều hiểm họa, rủi ro, thách thức do chính sự phát triển của xã hội loài người tạo ra. Các nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống là vấn đề toàn cầu, tồn tại và hoạt động trên phạm vi toàn cầu; bởi vậy, đòi hỏi con người phải tiếp cận và giải quyết chúng trong một hệ sinh thái toàn thế giới, toàn thể cộng đồng nhân loại, đồng bộ và toàn diện. Ở đây, không có chỗ cho tư duy và hành động cục bộ, phiến diện, hẹp hòi, loại trừ nhau.

 Hội thảo là hoạt động thiết thực, góp phần vào tổng kết nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII và chuẩn bị văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Theo GS.TS Lê Văn Lợi, là một quốc gia đang hội nhập sâu, đồng bộ và toàn diện với thế giới, Việt Nam đương nhiên là một không gian tiềm tàng các nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống; vì vậy, nhất thiết phải chủ động tiếp cận và xác định giải pháp ứng phó hiệu quả. Hội thảo hôm nay là một nỗ lực ở tầm quốc gia hướng tới mục tiêu và giải pháp cho những vấn đề cơ bản và cấp bách.

Trên cơ sở đó, GS.TS Lê Văn Lợi đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ các vấn đề: Nhận diện các nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống trong bồi cảnh hiện nay; kinh nghiệm thế giới và thực trạng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở Việt Nam; giải pháp đảm bảo an ninh phi truyền thống ở Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cao nhiều nhận định có liên quan mà Hội thảo đặt ra. Trong đó, về nhận diện các nhân tố đe dọa an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay, Hội thảo cho rằng, an ninh phi truyền thống có thể hiểu là bao gồm những vấn đề an ninh vượt ra ngoài phạm vi quân sự và liên quan trực tiếp đến các yếu tố xã hội, môi trường, kinh tế và y tế. Đặc điểm của những mối đe dọa phi truyền thống này là sự khó lường, tác động lan tỏa rộng rãi và thường xuyên vượt qua biên giới quốc gia.

Theo Hội thảo, trong thời đại toàn cầu hóa, một sự kiện xảy ra ở một quốc gia có thể nhanh chóng lan truyên và gây ảnh hưởng đến khu vực và thậm chí là toàn thế giới. Do đó, việc làm rõ khái niệm "bảo đảm an ninh phi truyền thống" trong trường hợp này có thể giúp các quốc gia dễ dàng xây dựng những chiến lược phòng ngừa và ứng phó linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, an ninh mạng ngày càng trở thành vấn đề trọng yếu trong danh sách các mối đe dọa phi truyền thống. Các cuộc tấn công mạng có thê gây thiệt hại to lớn đến hạ tầng cơ sở quốc gia, làm gián đoạn các hoạt động kinh tế và xã hội, và thậm chí đe dọa đến sự ổn định chính trị. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng khi mạng Internet phát triển với tốc độ chóng mặt và không gian mạng trở thành “mặt trận” mới mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Những sự kiện như các vụ rò rỉ dữ liệu lớn hay các cuộc tấn công vào hệ thống tài chính không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn làm suy giảm niềm tin của công chúng vào các cơ quan nhà nước và hệ thống quản lý. Chính vì vậy, bảo đảm an ninh phi truyền thống trong lĩnh vực này đòi hỏi các nước phải xây dựng hệ thống phòng thủ mạng, tăng cường hợp tác quốc tế và xây dựng luật pháp để điều chỉnh các hành vi vi phạm trên không gian mạng.

 Đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo cũng thống nhất với nhận định: Biến đổi khí hậu đang là một thách thức an ninh phi truyền thống đáng lo ngại và yêu cầu sự hợp tác toàn cầu. Sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn đe dọa trực tiếp đến sinh kế của hàng tỷ người trên thế giới. Nhiều khu vực nông nghiệp bị phá hủy, làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt lương thực và nước ngọt. Điều này có thể dẫn đến các cuộc di cư ồ ạt, xung đột vì tài nguyên và thậm chí là tình trạng bất ổn xã hội trong nhiều quốc gia. Biến đổi khí hậu không thể được kiểm soát bởi một quốc gia duy nhất mà đòi hỏi sự cam kết và hợp tác quốc tế. Làm rõ khái niệm bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh biến đổi khí hậu sẽ giúp các nước nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình và cùng nhau hành động để bảo vệ sự sống của nhân loại.

Hội thảo nhấn mạnh: An ninh phi truyền thống còn bao gồm cả an ninh lương thực và an ninh năng lượng, hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và phát triển của mỗi quốc gia. Khi dân số toàn cầu gia tăng nhanh chóng, nhu cầu về lương thực và năng lượng ngày càng cao. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực và năng lượng. Đặc biệt, tình trạng mất an ninh lương thực có thể làm gia tăng đói nghèo và gây ra các cuộc xung đột liên quan đến tài nguyên.

Để đối phó với các thách thức này, các quốc gia cần hợp tác để xây dựng các hệ thống sản xuất và cung cấp lương thực, năng lượng bền vững, đồng thời cần nghiên cứu và áp dụng các giải pháp khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Ngoài ra, để bảo đảm an ninh phi truyền thống, cần có sự tham gia tích cực của toàn xã hội, từ các cá nhân, tổ chức phi chính phủ đến chính phủ và các tổ chức quốc tế. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về các mối đe dọa phi truyền thống cũng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một môi trường an toàn. Khi mỗi cá nhân đều có ý thức và sẵn sàng hành động để bảo vệ môi trường, tôn trọng an ninh thông tin, hay tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm, xã hội sẽ trở nên ổn định và giảm thiểu rủi ro từ các mối đe dọa phi truyền thống.

Liên quan đến các giải pháp bảo đảm an ninh phi truyền thống ở Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Hội thảo cho rằng, đất nước đang trong quá trình tiến vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều nội dung mới, trong đó có cả việc bảo đảm an ninh phi truyền thống.

Quang cảnh tại Hội thảo. 

Theo Ban tổ chức Hội thảo, những giải pháp then chốt nhằm bảo đảm an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước trước hết cần tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực trong việc xây dựng chính sách, chia sẻ thông tin và phối hợp hành động. Việt Nam cần tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN và các tổ chức quốc tế khác.

Cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ là một ưu tiên quan trọng. Việt Nam cần tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ sạch, an ninh mạng và y tế công cộng. Điều này đòi hỏi sự kết hợp giữa đầu tư nhà nước và huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Cần xây dựng khung pháp lý và thể chế phù hợp là một nhiệm vụ cấp bách. Cần rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an ninh phi truyền thống, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong thực thi.

Đồng thời, cần tăng cường năng lực của các cơ quan chuyên trách và cơ chế phối hợp liên ngành.

Quan tâm giáo dục và nâng cao nhận thức công chúng là một giải pháp quan trọng không thể thiếu. Cần tích hợp các vấn đề an ninh phi truyền thống vào chương trình giáo dục các cấp, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và cách thức ứng phó.

Việc huy động sự tham gia của toàn xã hội cũng rất quan trọng. Các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương cần được khuyến khích và tạo điều kiện để tham gia vào các hoạt động bảo đảm an ninh phi truyền thống. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong việc phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới.

Bảo đảm an ninh phi truyền thống cần được xem xét trong mối quan hệ tổng thể với các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Các giải pháp đề xuất cần phù hợp với điều kiện và nguồn lực của Việt Nam, đồng thời tận dụng được sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN