Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bản sắc Việt thời hội nhập qua những làng nghề Bắc Bộ

Thứ Ba, 22/10/2024 13:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các làng nghề Bắc Bộ không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn là cầu nối đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Những giá trị văn hóa truyền thống được hòa quyện với yếu tố hiện đại, tạo nên bản sắc độc đáo, phản ánh sức sống mãnh liệt của nền văn hóa Việt trong thời kỳ mới.

Các làng nghề truyền thống ở Bắc Bộ đều có nguồn gốc từ xa xưa, nhiều làng đã hình thành và phát triển qua hàng thế kỷ. Mỗi làng nghề thường gắn liền với một hoặc một số nghề thủ công truyền thống như gốm, thêu, mây tre đan, làm nón, giấy, cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác. Mỗi nghề đều mang lịch sử và bí quyết riêng, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong không gian làng nghề cả nước, Hà Nội nổi bật với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó khoảng 314 làng nghề đã được công nhận. Thủ đô hiện có 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Sản phẩm làng nghề Hà Nội rất đa dạng, nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế như may mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren truyền thống, mây tre đan, điêu khắc... Các làng nghề ở Hà Nội đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Trong quá trình phát triển, nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện sức sáng tạo của người dân, đang gìn giữ tại các làng nghề. Với vẻ đẹp bình dị, gần gũi, các làng nghề Bắc Bộ không chỉ lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc mà còn là động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt, chúng góp phần gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trước những nền văn hóa lớn trên thế giới trong thời kỳ hội nhập.

 Khi đến mỗi ngôi làng Bắc Bộ, du khách không chỉ chứng kiến quá trình sản xuất nghề cổ mà còn cảm nhận được sự gắn kết giữa con người và văn hóa. Nơi đây, truyền thống và hiện đại giao thoa, và những giá trị văn hóa quý báu được gìn giữ qua dòng chảy thời gian.
 Trong không gian làng nghề Bắc Bộ, làng lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, tỉnh Hà Nam là một điểm đến độc đáo, nơi lưu giữ nghề dệt lụa cổ truyền có cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV. Nghề dệt lụa ở đây không chỉ có giá trị kinh tế mà còn phản ánh sự hình thành cộng đồng làng xã Việt Nam ở vùng châu thổ sông Hồng.
Lụa Nha Xá được nhuộm bằng chất liệu thiên nhiên, mang lại sản phẩm với nét đặc trưng riêng, vừa mộc mạc, trang nhã về màu sắc, vừa bền đẹp theo thời gian. 
 Sau gần 700 năm tồn tại và phát triển, nghề dệt lụa Nha Xá đã gắn bó với người dân, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa Việt rực rỡ sắc màu. 
 Thủ đô Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những con phố cổ còn được tô điểm bởi 1.350 làng nghề. Các làng nghề Hà Nội đã đi vào sử sách, thơ ca, tạo nên những giá trị di sản trong nền văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
 Làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) có từ thế kỷ XV, hiện nay vẫn tràn đầy sức sống. Tiếng cười, tiếng nói và nhịp gõ của người thợ hòa quyện với hương đất sét, tạo thành một bản giao hưởng của lao động và sáng tạo.
 Ngoài các sản phẩm gốm mộc, Bát Tràng còn nổi tiếng với nghệ thuật chạm khắc, đắp nổi tinh tế, với họa tiết như rồng, phượng, hoa sen - những biểu tượng đặc trưng trong nền văn hóa Việt.
 Hành trình khám phá các làng nghề Hà Nội còn đưa du khách đến làng Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, nơi có nghề làm quạt nổi tiếng.
Người dân luôn mang trong mình di sản văn hóa truyền thống cha ông và sống giữa sắc màu của nghề làm quạt. 
Nền văn minh lúa nước đã định hình lịch sử văn hiến của vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Làng Vòng (Cầu Giấy - Hà Nội) là một đại diện tiêu biểu, nổi tiếng với đặc sản cốm từng được tiến vua trong các triều đại Lý. 
Nghề xưa, truyền thống cha ông vẫn được người dân làng Vòng gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ.
 Người dân làng Vòng chế biến đặc sản cốm.
 Lớp lớp nghệ nhân làng Vòng đã đi vào quá khứ nhưng truyền thống thì vẫn hiển hiện trong sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây, có được điều đó là do văn hoá vùng đất Thăng Long – Hà Nội tiếp tục chảy mãi như mạch nguồn văn hóa không bao giờ cạn.
 Giữa không gian 36 phố nghề Hà Nội, phố Lãn Ông vẫn duy trì nghề làm thuốc Đông Nam dược nổi tiếng. Những người làm thuốc tại đây thường dựa vào bí kíp gia truyền, nhờ đó nghề thuốc vẫn được giữ gìn qua thời gian.
 Trong bối cảnh xã hội phát triển, sản phẩm từ phố nghề, làng nghề không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn chứa đựng văn hóa và những câu chuyện về người làm nghề.
 Bên cạnh việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, các lễ hội và nghi thức tôn thờ tổ nghề là hoạt động không thể thiếu trong văn hóa làng nghề. Những hoạt động này thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và gắn kết cộng đồng, giúp người dân chia sẻ niềm vui, kỷ niệm, giữ gìn văn hóa truyền thống, đặc biệt là lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa của làng nghề truyền thống vùng Bắc Bộ.
N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN