Bài học về trách nhiệm công dân
(ĐCSVN) - Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 125 triệu đồng đối với 2 công dân ở huyện Nghi Xuân vì không chấp hành lệnh tham gia nghĩa vụ quân sự.
Cũng liên quan đến việc không chấp hành lệnh kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đầu tháng 3/2024, UBND huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 5 thanh niên không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự với tổng số tiền là 150 triệu đồng.
Đặc biệt, hành vi cố tình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự còn bị xử lý hình sự. Cụ thể, cách đây chưa lâu, TAND huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội Trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ, người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, theo Điều 7 "Vi phạm quy định về nhập ngũ", Nghị định 37/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu), người vi phạm quy định về nhập ngũ sẽ bị phạt hành chính từ 30 đến 75 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời gian tiếp theo.
Về hình sự, theo Điều 332 “Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự”, Bộ luật Hình sự, tùy theo mức độ, người có hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.
Tuổi trẻ tỉnh Bác Kạn tự hào bước qua “Cầu vinh quang” lên đường nhập ngũ. (Ảnh: Hoàng Thạc) |
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân” (Điều 45, Chương II) và “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sự nghiệp của toàn dân… Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh” (Điều 64, Chương IV). Thể chế hóa Hiến pháp, Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Công an nhân dân cũng quy định rõ việc công dân tham gia nghĩa vụ quân sự, công an.
Thực tiễn cho thấy, với kỷ luật tự giác nghiêm minh cùng tình đồng chí, đồng đội, môi trường quân ngũ thực sự là “trường học lớn” để thanh niên phấn đấu rèn luyện, trưởng thành. Đây cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân.
Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, nếu phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện tốt, các bạn trẻ sẽ có cơ hội được phục vụ lâu dài trong lực lượng quân đội và công an. Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, các chiến sĩ sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi lập thân, lập nghiệp và ổn định cuộc sống sau này.
Lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà hơn hết đó còn là niềm tự hào của tuổi trẻ để góp phần bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng đã được đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ cha anh đi trước.