Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài học từ vụ hơn 300 trẻ tử vong vì uống siro ho

Thứ Ba, 31/01/2023 15:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Hơn 300 trẻ nhỏ ở châu Á và châu Phi tử vong do sử dụng siro ho – một trong những sản phẩm vốn được cho là an toàn trong việc giảm ho cho trẻ – đã một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về việc sử dụng thuốc không được kê đơn hiện nay.

 Một số loại siro ho được bày bán ở thành phố Banjul, Gambia, ngày 6/10/2022. Ảnh: AFP

WHO đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp liên quan đến các loại siro ho

Khi cậu bé Mohammad Fajar (Indonesia) có các triệu chứng ốm vào cuối tháng 8/2022, chị Siti – một người mẹ làm nội trợ đã không lo lắng gì nhiều và đi mua siro ho ở hiệu thuốc gần nhà cho cậu bé uống. Cũng giống như nhiều người, chị Siti nghĩ rằng, con chị đủ khỏe mạnh để khỏi những triệu chứng  của hiện tượng cảm lạnh với lọ siro ho. Tuy nhiên, cậu bé Mohammad Fajar  5 tuổi đã qua đời vào ngày 15/9/2022. Nhưng cảm lạnh không phải là nguyên nhân khiến cậu bé tử vong mà tình trạng suy thận đã khiến cậu bé không qua khỏi.

Fajar là một trong số gần 200 trẻ em đã tử vong tại Indonesia trong năm 2022 vì tổn thương thận cấp tính.  Những trường hợp này được cho là do uống phải siro ho nghi nhiễm hóa chất dùng trong các sản phẩm chống đông. Các ca tử vong được cho là có liên quan đến việc sử dụng các loại siro nhập khẩu từ Ấn Độ, cụ thể là bốn loại siro do Công ty Maiden sản xuất, bao gồm Promethazine Oral Solution, siro ho trẻ em Kofexmalin, siro ho trẻ em Makoff và siro cảm lạnh Magrip N.

Không chỉ có Indonesia, mà Gambia và Uzbekistan là những quốc gia thời gian qua đã ghi nhận các trường hợp trẻ em tử vong do sử dụng siro ho như trên.

Vào giữa tháng 10/2022, cảnh sát Gambia thông báo kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc 69 trẻ tử vong do tổn thương thận cấp có liên quan 4 loại siro ho Ấn Độ do Gambia nhập khẩu thông qua một hãng dược tại Mỹ. Báo cáo của cảnh sát Gambia không nêu tên trực tiếp hãng dược Ấn Độ, nhưng vẫn liệt kê 4 sản phẩm của công ty này, gồm 4 loại siro kể trên.

Trong khi đó, vào cuối tháng 12/2022, Bộ Y tế Uzbekistan cho biết ít nhất 18 trẻ em ở nước này đã tử vong sau khi uống một loại sirô do hãng dược phẩm Ấn Độ Marion Biotech Pvt Ltd sản xuất. Theo bộ trên, 18 trong số 21 em mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp đã tử vong sau khi uống loại siro có tên Doc-1 Max. Loại thuốc này được bán trên trang web của nhà sản xuất như một phương pháp điều trị các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Siro có chứa ethylene glycol, hoạt chất mà Bộ Y tế Uzbekistan cho biết là một chất độc hại.  Bố mẹ các em đã cho uống thuốc trên ở nhà mà không có đơn của bác sỹ hay lời khuyên của dược sỹ, với liều lượng vượt quá liều lượng cho trẻ em.

Sau khi ghi nhận hơn 300 trẻ nhỏ tử vong tại nhiều quốc gia do sử dụng các loại siro ho, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 25/1 vừa qua đã tuyên bố kêu gọi các quốc gia khẩn trương xử lý và loại bỏ các loại dược phẩm không đạt tiêu chuẩn. 

WHO nhấn mạnh trong 4 tháng qua, tổ chức này đã tiếp nhận báo cáo về các vụ việc liên quan các loại siro ho không kê đơn dành cho trẻ em có chứa hàm lượng diethylene glycol (DEG) và ethylene glycol (EG) ở mức cao. Đây là những hóa chất độc hại được sử dụng làm dung môi công nghiệp và các chất chống đông, chúng có thể gây tử vong dù chỉ nuốt phải một lượng rất nhỏ và lẽ ra không được xuất hiện trong các loại dược phẩm. Các vụ việc như vậy đã được phát hiện tại ít nhất 7 quốc gia, trong khi Gambia, Indonesia và Uzbekistan là 3 nước ghi nhận các trường hợp trẻ nhỏ tử vong do các loại siro họ có chứa những hóa chất độc hại này. Hầu hết các trường hợp tử vong là trẻ dưới 5 tuổi. 

WHO đã ban bố các cảnh báo toàn cầu về các mặt hàng dược phẩm có liên quan đến những vụ việc như trên kể từ tháng 10 năm ngoái, đồng thời xác định được 6 công ty dược phẩm tại Ấn Độ và Indonesia sản xuất các loại siro ho gây nguy hiểm cho trẻ em.

Bảo vệ sức khỏe trước các sản phẩm thuốc không kê đơn

Sau khi xảy ra các trường hợp trẻ em ở các nước tử vong vì sử dụng siro ho – một trong những sản phẩm vốn được cho là an toàn trong việc giảm ho cho trẻ – đã một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về việc sử dụng thuốc không được kê đơn ở Việt Nam hiện nay.

Liên quan trực tiếp đến các loại siro ho nhiễm độc, đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế Việt Nam cho biết, qua kết quả tra soát danh mục các thuốc được nhập về Việt Nam cho thấy nước ta chưa cấp số đăng ký nào cho Công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd; Cục cũng chưa cấp số đăng ký cho bốn sản phẩm siro ho Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup. Đồng thời, Công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd cũng không có hồ sơ nào đang nộp tại Cục Quản lý dược. Điều này đã phần nào khiến các bậc phụ huynh có con nhỏ yên tâm về việc hiện không có các loại siro ho nhiễm độc nói trên ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, từ vụ việc này, không ít người tỏ ra quan ngại về việc sử dụng các sản phẩm siro ho nói riêng và các sản phẩm thuốc không kê đơn nói chung hiện nay.

Thuốc không kê đơn là những loại thuốc có thể được bán trực tiếp cho người dùng mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Thuốc không kê đơn chủ yếu được sử dụng để điều trị các tình trạng không cần chăm sóc hoặc giám sát y tế trực tiếp, điều trị nhiều loại bệnh và các triệu chứng như: đau, ho, cảm lạnh, tiêu chảy, táo bón, dị ứng… Vitamin và chất bổ sung cũng được bán không cần kê đơn. Người tiêu dùng có thể tìm thấy dễ dàng những loại thuốc này trong các cửa hàng thuốc.

Việc sử dụng thuốc không kê đơn có nhiều lợi thế, như cho phép tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhanh hơn, giảm số lần đi khám bác sĩ và chi phí thấp hơn so với thuốc kê đơn. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc không kê đơn có thể dẫn đến phản ứng phụ, dùng quá liều và các vấn đề liên quan đến thuốc khác. Do đó, người dùng cần tự trang bị kiến thức về cách sử dụng thuốc an toàn để phòng tránh những nguy cơ tiềm ẩn và thúc đẩy việc tự chăm sóc mình và người thân một cách có trách nhiệm.

Một trong số những “kĩ năng” đơn giản khi đi mua và sử dụng các sản phẩm thuốc không kê đơn là xem hạn sử dụng, đọc kĩ thành phần, tác dụng của thuốc,…. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có kiến thức về các thành phần, cũng như tác dụng, tác hại của thuốc đối với sức khỏe. Do vậy, vấn đề đặt ra vẫn là việc cần phải tăng cường công tác quản lý, giám sát các mặt hàng dược phẩm để bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo khuyến nghị của WHO, các nhà cung cấp và phân phối dược phẩm cần thường xuyên kiểm tra nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu làm giả, cũng như xác định chất lượng thuốc và các sản phẩm y tế khác. WHO cũng nhấn mạnh rằng chỉ những loại thuốc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được phân phối hoặc lưu hành trên thị trường./.

 

 

Song Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN