Bài học cho hành vi trục lợi từ dịch bệnh
(ĐCSVN) –Việc sản xuất khẩu trang, dung dịch sát khuẩn giả, trang thiết bị y tế kém chất lượng là hành vi trục lợi bất chính bất chấp dịch bệnh. Hành vi này cần bị lên án và xử lý nghiêm khắc.
Lực lượng chức năng đọc lệnh bắt tạm giam đối tượng Ngô Minh Danh. (Ảnh: TTXVN). |
Ngày 19/8 vừa qua, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam với Ngô Minh Danh (50 tuổi, quê Tây Ninh) và Nguyễn Văn Mịch (47 tuổi, ngụ quận 12) để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Tại thời điểm ngày 10/8, khi kiểm tra kho chứa hàng do ông Mịch quản lý trên đường Tân Thới Nhất 8 (quận 12), Phòng cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Công an quận 12 đã bắt quả tang ông Mịch đang tổ chức cho 32 người sản xuất găng tay y tế giả nhiều nhãn hiệu khác nhau. Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ hàng hóa trong kho này gồm 50 tấn găng tay kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; 3,7 tấn găng tay đã qua phân loại; 400 thùng găng tay y tế thành phẩm mang nhãn hiệu V… (tương đương 320.000 đôi găng tay); nhiều thùng hàng thành phẩm là găng tay y tế mang các nhãn hiệu khác và một lượng lớn khẩu trang y tế.
Ông Mịch khai nhận được Ngô Minh Danh - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển y tế Trường Thọ thuê quản lý kho trên từ tháng 7/2020 với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Mịch còn được ông Danh giao quản lý kho hàng ở phường Tây Thạnh (quận Tân Phú), là nơi cất giữ găng tay y tế giả đã thành phẩm.
Trước đó, cũng liên quan đến việc trục lợi từ dịch bệnh, ngày 23/7/2020, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định khởi vụ án hình sự “Sản xuất hàng giả” xảy ra ngày 17/3/2020 tại Công ty Cổ phần liên doanh Minh Trí Hải Thịnh; Khởi tố bị can đối với Phạm Thị Hoài, sinh năm 24/8/1984, là Giám đốc Công ty cổ phần liên doanh Minh Trí Hải Thịnh về tội “Sản xuất hàng giả” quy định tại khoản 2, điều 192, Bộ luật hình sự.
Cụ thể, ngày 17/3/2020, khi tiến hành kiểm tra đối với Công ty Cổ phần liên doanh Minh Trí Hải Thịnh (ở xóm 5, xã Liêm Chung, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty này đang sản xuất các sản phẩm: Gel sát khuẩn trà xanh, xịt khuẩn khô thảo dược, nước rửa tay khô thảo dược các loại. Tuy nhiên, đại diện công ty không xuất trình được hồ sơ liên quan đến hoạt động sản xuất; hóa đơn, chứng từ của nguyên liệu dùng để sản xuất; hồ sơ công bố của sản phẩm; hàng hóa thành phẩm do Công ty sản xuất có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa.
Bước đầu điều tra xác định, Phạm Thị Hoài đã có hành vi chỉ đạo, điều hành Công ty cổ phần liên doanh Minh Trí Hải Thịnh sản xuất hơn 9.000 chai nước rửa tay khô kháng khuẩn giả mạo số công bố hàng hóa; dán nhãn hàng hóa giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất; giả mạo hàng hóa của thương nhân khác. Tổng giá trị hàng hóa giả được định giá tương đương với giá trị hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng là trên 466 triệu đồng.
Được biết, đây chỉ là hai trong số khá nhiều vụ việc sản xuất, tiêu thụ khẩu trang kém chất lượng, dung dịch sát khuẩn giả được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Dư luận rất đồng tình, ủng hộ với những động thái quyết liệt của cơ quan chức năng đối với những hành vi trục lợi từ những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Anh Bùi Quang Kha ở TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) cho biết: “Giữa lúc dịch COVID-19 lây lan, đe dọa cả xã hội thì các đối tượng này lại nhẫn tâm sản xuất khẩu trang giả, dung dịch sát khuẩn giả. Những sản phẩm này rất có thể là nguyên nhân làm cho dịch bệnh lan rộng. Đây là những hành vi “mất nhân tính”, trục lợi trên chính sức khỏe, tính mạng của người khác; cần phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Đồng tình với ý kiến trên, chị Bùi Thị Hà Thu ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ: “Việc sản xuất hàng giả là hành vi vi phạm pháp luật. Nghiêm trọng hơn, ở đây chỉ vì lợi nhuận, nhiều cá nhân đã nhẫn tâm sản xuất khẩu trang giả, dung dịch sát khuẩn giả từ đó, gây nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Họ sẽ nghĩ sao nếu chính cha mẹ, người thân họ sử dụng phải những sản phẩm này? Vì lợi nhuận bất chính, họ đã bất chấp sự an nguy của cả xã hội; bất chấp sự nỗ lực phòng chống dịch của cả nước trong nhiều tháng vừa qua... Tôi đề nghị sau khi khởi tố vụ án, khỏi tố bị can các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện quá trình điều tra và đưa ra xét xử các đối tượng vi phạm nói trên”.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng thiết bị y tế kém chất lượng, khẩu trang y tế giả, dung dịch sát khuẩn giả... tiểm ẩn rất nhiều nguy cơ đe dọa đến sức khỏe của người sử dụng. Các sản phẩm này không những không được bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Trao đổi với báo chí, BSCK II. Bùi Quang Hào – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Da liễu TW cảnh báo, khi người dân sử dụng phải dung dịch sát khuẩn không rõ nguồn gốc thì tiềm ẩn 2 nguy cơ thường gặp đó là: Dung dịch sát khuẩn nhưng không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn (do thành phần hoạt chất, nồng độ... không đảm bảo quy chuẩn) và như vậy rất dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ngoài ra, với nước sát khuẩn “rởm” dễ gây ra phản ứng phụ tại chỗ (như viêm da kích ứng hoặc dị ứng) hoặc gây độc hại khi dung dịch bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thức ăn.
Tương tự như vậy, việc sử dụng khẩu trang giả, được sản xuất từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng cũng sẽ khiến người tiêu dùng đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao hơn; nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay.
Có thể thấy, khởi tố các vụ án liên quan đến việc sản xuất thiết bị y tế giả, khẩu trang giả, dung dịch sát khuẩn kém chất lượng... là việc làm cần thiết, được dư luận xã hội đánh giá cao. Đây là những bài học về hậu quả của các hành vi trục lợi từ dịch bệnh. Xử lý các vụ án nói trên, không chỉ thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật, trực tiếp răn đe những đối tượng vi phạm khác, mà còn góp phàn trực tiếp vào công tác phòng chống dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân./.