Bài 5: Kiến tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, một trong những đổi mới quan trọng của dự án luật sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) chính là việc hình thành các quy định về phương pháp phân tích, đánh giá định lượng hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Bài 3: Gợi mở từ những mô hình được thế giới áp dụng
- Bài 2: Bấp cập chồng bất cập
- Quản lý, sử dụng nguồn lực vốn nhà nước tại doanh nghiệp
- Bài 4: Tạo bước ngoặt trong quản lý vốn nhà nước
Việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ khơi thông, khai thác hiệu quả nguồn lực vốn nhà nước. (Ảnh: TL) |
Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước
Nhận định đây là một dự án luật quan trọng, việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ khơi thông, khai thác hiệu quả nguồn lực vốn nhà nước, bà Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cho biết, việc Quốc hội khóa XIII ban hành Luật số 69/2014/QH13 là bước thiết lập chính sách có tính pháp luật cao nhất trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước. Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động, Luật số số 69/2014/QH13 dần bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định, cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nhất là khi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước.
Thực tế, việc xây dựng thể chế quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và kinh doanh tại doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ quan trọng đối với Chính phủ của nhiều quốc gia bởi đây là khu vực nắm giữ nguồn lực và tài sản rất lớn trong nền kinh tế. Không ngoại lệ, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế, công tác triển khai xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật ở Việt Nam cũng đang được khẩn trương thực hiện.
Từ năm 2021 đến nay, sau nhiều lần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đại diện khối các doanh nghiệp có vốn nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi đã được xây dựng theo đúng quy trình, trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Chính phủ nhiều vòng.
Bà Phạm Thúy Chinh cho biết thêm, đến thời điểm này, cơ bản hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi đã hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu của Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định. Trong phiên họp toàn thể chiều 14/5/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ trình bổ sung dự án luật sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 20/5), cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Theo bà Phạm Thúy Chinh, để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong Luật số 69/2014/QH13, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, cơ quan soạn thảo hướng tới việc xem xét sửa đổi một cách căn bản, toàn diện theo hướng ban hành Luật mới thay thế Luật số 69/2014/QH13.
Dự kiến, dự án Luật sẽ tập trung vào sửa đổi các nhóm chính sách lớn như:
Thứ nhất, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được xây dựng trên nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch; vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đi đôi với quyền kiểm soát, được quản lý, sử dụng kịp thời, linh hoạt nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có vốn nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt mở đường cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác phát triển; đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo hướng thống nhất một chính sách về đầu tư vốn, tiên tiến, phù hợp thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp hướng tới mục tiêu nhà nước quản lý theo dòng vốn đầu tư, vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp theo quy định của Bộ Luật Dân sự, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp.
Thứ ba, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp với mục tiêu phân cấp để đảm bảo chủ động và xác định rõ thẩm quyền trình tự, thủ tục, rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Thứ tư, sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trên tinh thần luật hóa quy định tại các Nghị định đã được thực hiện ổn định, phù hợp trong thời gian qua về cổ phần hóa doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, giải thể, phá sản doanh nghiệp.
Thứ năm, cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhằm tách bạch rõ nội dung chức năng quản lý, đầu tư vốn của đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp nhà nước; quy định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện, người đại diện chủ sở vốn.
Thứ sáu, quản trị doanh nghiệp, quy định quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng không quy định các nội dung mang tính quản trị hoạt động, điều hành của doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính tự chủ trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp xây dựng hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ, cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trên cơ sở tham khảo các thông lệ quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả.
Khơi dậy tiềm năng, nguồn lực vốn nhà nước
Một trong những đổi mới quan trọng của dự án luật trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi số quốc gia chính là việc hình thành các quy định về phương pháp phân tích, đánh giá định lượng hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo lĩnh vực, ngành nghề, mục tiêu, nhiệm vụ, quy mô tập trung vốn để ra các quyết định liên quan đến đầu tư, sử dụng, quản lý vốn nhà nước, nhất là trong đầu tư mới, đầu tư bổ sung vốn điều lệ hay đầu tư mua lại cổ phần, vốn góp và yêu cầu đánh giá tác động cụ thể đến quy mô, phạm vi, cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, thành phần kinh tế nhà nước trong tổng thể cơ cấu nền kinh tế, cạnh tranh chống độc quyền và thực hiện các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường.
Ông Florian Feyrabend - Trưởng đại diện Viện Konrad Adenauer Stiftung (Đức) tại Việt Nam - nêu rõ: Hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là Luật số 69/2014/QH13 hiện hành cũng đã được ban hành gần 10 năm. Dù đã tạo được khuôn khổ trong việc quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp phù hợp yêu cầu, bối cảnh hội nhập cũng như chủ trương tái cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đã đến lúc cần thiết phải sửa đổi Luật để phù hợp những thay đổi mang tính đột phá của nền kinh tế Việt Nam.
Những doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước đang hoạt động rộng khắp các lĩnh vực và trải dài hầu hết các địa phương trong cả nước, và đang tạo công ăn việc làm cho hơn một triệu lao động. Việc điều chỉnh Luật số 69/2014/QH13 sẽ có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp này, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động và cả địa phương nơi doanh nghiệp có trụ sở.
Do đó, theo ông Florian Feyrabend, việc xây dựng luật của cơ quan soạn thảo cần có sự tham vấn nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, những nhà lập pháp dày dạn kinh nghiệm ở trong và ngoài nước về những nội dung sửa đổi Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác có liên quan.
Về vấn đề này, bà Phạm Thúy Chinh khẳng định, việc sửa đổi toàn diện Luật số 69/2014/QH13 sẽ có tác động tích cực đến đại diện chủ sở hữu nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, các chủ thể quản trị doanh nghiệp nhà nước và các bên có nghĩa vụ, lợi ích liên quan. Các quy định mới cũng có thể làm thay đổi mối quan hệ đa chiều giữa doanh nghiệp có vốn nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước ngành theo ngành, lĩnh vực ở trung ương và địa phương cũng như mối quan hệ giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước với các các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Theo bà Phạm Thúy Chinh, thật sự, đây là dự án Luật rất khó, có ý nghĩa cấp bách, quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bà Phạm Thúy Chinh cũng bày tỏ kỳ vọng, việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 có thể cân đối giữa mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn lực vốn và mục tiêu bảo đảm vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, đáp ứng được các định hướng, chủ trương mới của Đảng đưa ra tại Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đặc biệt là hướng tới và đáp ứng mục tiêu tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đồng thời khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực vốn nhà nước, kiến tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.