Bài 2 - Quản lý hoạt động bể bơi Bốn Mùa 379: Còn nhiều lỗ hổng!
(ĐCSVN) - Liên quan đến vụ đuối nước thương tâm tại bể bơi Bốn Mùa (TP. Bắc Giang) đã cướp đi mạng sống của cháu bé 6 tuổi, quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên (PV) đã phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường trong việc chấp hành các quy định về kinh doanh bể bơi (loại hình kinh doanh có điều kiện) của đơn vị này.
Bể bơi Bốn Mùa (Bắc Giang), nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Ảnh: QĐ
Như thông tin Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phản ánh trong nội dung trước, đơn vị xây dựng, quản lý, kinh doanh dịch vụ bơi lội tại bể bơi Bốn Mùa là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại 379 có trụ sở tại phường Trần Nguyên Hãn, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Bể bơi này được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động từ 4 năm nay, thiết kế theo tiêu chuẩn, độ sâu từ 0,8 - 1,2 - 1,7 mét và đã được cơ quan chức năng cấp phép.
Tuy nhiên, theo những gì người dân phản ánh và kết quả tìm hiểu của PV thì trong quá trình hoạt động, bể bơi Bốn Mùa còn rất nhiều điểm tồn tại trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn và điều kiện kinh doanh dịch vụ bơi, lặn. Cụ thể, tại thời điểm ngày 15/5/2018 khi Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra thì cơ sở này đã có hàng loạt vi phạm liên quan đến các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và không tập huấn cho nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn được quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BVHTTDL.
Theo đó, bể bơi Bốn Mùa không có phao cứu sinh đặt ở nơi dễ thấy, trên thành bể bơi; không có biển báo khu vực dành cho người không biết bơi (< 1m); không có biển báo khu vực dành cho người biết bơi; không có biển báo khu vực cấm nhảy cắm đầu (độ sâu ít hơn 1,4m). Nghiêm trọng hơn, qua kiểm tra, Thanh tra Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang còn phát hiện bể bơi Bốn Mùa không có nhân viên cứu hộ được tập huấn chuyên môn; không có nhân viên y tế trình độ Trung cấp trở lên hoặc văn bản thỏa thuận với cơ sở y tế gần nhất…
Những hạn chế này của bể bơi Bốn Mùa đã vi phạm nghiêm trọng nội dung quy định tại khoản 4, khoản 8, khoản 9, Điều 3 Thông tư số 03/2018/TT-BVHTTDL và Điều 6, Nghị định 106 /2016/NĐ-CP “Quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao”. Đây được xác định cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người tham gia hoạt động bơi lội tại bể bơi Bốn Mùa và là một trong những nguyên nhân đã gây ra cái chết của cháu Hoàng Hải L. Với việc không có phao cứu sinh, không có nhân viên cứu hộ, không có nhân viên y tế thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình huống đuối nước hoặc sự cố mất an toàn tại bể bơi này?
Cũng tại thời điểm kiểm tra nói trên, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại 379 đã không cung cấp được cho đoàn kiểm tra các giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh bơi, lặn. Vì vậy, đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty phải bổ sung đầy đủ trang, thiết bị, nhân viên cứu hộ, thỏa thuận với cơ sở y tế gần nhất về nhân viên y tế trước ngày 17/5/2018. Đồng thời, yêu cầu đến ngày 23/5/2018, Công ty phải mang toàn bộ giấy tờ có liên quan đến làm việc với Thanh tra Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang để làm việc.
Song đến thời điểm ngày 28/6/2018, khi PV làm việc với lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang thì Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại 379 vẫn chưa đến làm việc theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Trọng Bắc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang cho biết: “Chúng tôi đã đôn đốc nhiều lần và đã gửi giấy mời yêu cầu đơn vị này sớm đến làm việc với Thanh tra Sở theo nội dung liên quan tới những tồn tại đã được chỉ ra khi Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra hành chính tại bể bơi Bốn Mùa”.
Trở lại với vụ việc đuối nước thương tâm đã đề cập ở trên, sau khi vụ việc xảy ra, UBND TP Bắc Giang đã chỉ đạo Công an thành phố tiến hành điều tra, xác minh để làm rõ nguyên nhân.
Theo Báo cáo kết quả điều tra ban đầu do Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Bắc Giang cung cấp thì tại thời điểm xảy ra vụ việc, khu vực bể bơi có ông Nguyễn Văn Bộ làm công việc “đảm bảo cho người dân vào bơi đúng vị trí quy định và cứu hộ cứu nạn tại bể bơi”; ông Nguyễn Trịnh Thêm phụ trách máy móc bơm và sục khí trong bể. Nội dung báo cáo ban đầu của cơ quan điều tra hoàn toàn không đề cập đến vai trò của nhân viên y tế tại thời điểm xảy ra vụ việc. Vấn đề đặt ra là lúc đó, tại bể bơi Bốn Mùa có nhân viên y tế trực theo quy định hay không? Nếu có, thì thời điểm ấy, nhân viên y tế đang ở đâu? Bởi theo các nhân chứng cho biết, khi cháu bé được đưa lên bờ thì không hề có nhân viên cứu hộ và nhân viên y tế tham gia sơ cứu cho nạn nhân.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dự, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại 379 cho rằng, thời điểm xảy ra vụ việc bể bơi có nhân viên cứu hộ nhưng “chắc họ bận tắt máy hay đi vệ sinh gì đó... nên không ra ngay lúc đấy được”. Còn nhân viên y tế cũng “không có mặt” tham gia hoạt động sơ cứu ban đầu cho nạn nhân. Cũng theo ông Dự, bể bơi có hệ thống camera nhưng thời điểm xảy ra vụ việc camera lại bị...hỏng.
Trước đó, kết luận giám định pháp y số 3470/17/GĐPY của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Bắc Giang đã ghi rõ: Cháu Hoàng Hải L chết do bị ngạt nước, trên cơ thể không có tác động của ngoại lực. Như vậy có thể thấy, nếu tại thời điểm đó có nhân viên cứu hộ và nhân viên y tế túc trực theo đúng quy định để tham gia ngay vào việc sơ cứu ban đầu thì cháu bé đã được cấp cứu và hậu quả có thể không xảy ra.
Theo ghi nhận của PV, đến thời điểm này, sau khi bị cơ quan Thanh tra Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang chỉ ra hàng loạt sai phạm và nhất là để xảy ra vụ đuối nước nghiêm trọng chiều ngày 5/6/2018 thì bể bơi Bốn Mùa vẫn ngang nhiên mở cửa kinh doanh bình thường. Hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt người tham gia các dịch vụ bơi lội tại bể bơi này.
Điều đáng nói là tại Biên bản kiểm tra hành chính ngày 15/5/2018, Đại diện Thanh tra Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang đã nêu rõ: “Công ty chỉ được tổ chức hoạt động kinh doanh bơi, lặn khi bảo đảm các điều kiện theo quy định”.
Sau đó, ngày 8/6, UBND TP Bắc Giang cũng có văn bản trong đó khẳng định: “Kiên quyết dừng hoạt động và xử lý nghiêm đối với các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định. Trước mắt, đề nghị kiểm tra ngay đối với bể bơi Bốn Mùa của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại 379, thuộc địa bàn phường Trần Nguyên Hãn, thành phố Bắc Giang”.
Nội dung văn bản là vậy nhưng trên thực tế, Công ty này vẫn cố tình chây ỳ trong việc chấp hành yêu cầu cung cấp giấy tờ có liên quan và làm việc với Thanh tra Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang mặc dù đại diện Thanh tra Sở đã đôn đốc nhiều lần nhưng lãnh đạo Công ty vẫn không đến làm việc. Vì vậy, ngày 26/6 vừa qua, Thanh tra Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang lại tiếp tục có giấy mời đối với Công ty này.
Dư luận đang đặt câu hỏi vì sao một đơn vị kinh doanh loại hình có điều kiện nhưng lại vi phạm các quy định về điều kiện hoạt động chuyên môn vẫn ngang nhiên hoạt động, kể cả sau khi vừa xảy ra tai nạn đuối nước? Đơn vị kinh doanh bể bơi Bốn Mùa 379 sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao với vụ tai nạn đuối nước ngày 5/6/2018 vừa qua?
Những vấn đề nói trên, dư luận và gia đình nạn nhân đang chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Bắc Giang.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.