Bác sĩ quân y Nguyễn Hữu Bẩm học và làm theo lời Bác
(ĐCSVN) - Chuyện về thiếu tá, bác sỹ quân y Nguyễn Hữu Bẩm, hơn hai mươi năm rời quân ngũ nghỉ hưu vẫn tận tụy với công việc chữa bệnh cứu người mà không hề nhận một đồng tiền công được người dân xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nhắc tới với sự cảm kích, trân quý.
Sau 26 năm công tác trong ngành quân y, khi trở về địa phương, ông Nguyễn Hữu Bẩm vẫn tiếp tục với công việc cứu người. Ở tuổi 75 với gần 27 năm gắn bó với công tác xã hội, bác sĩ quân y Nguyễn Hữu Bẩm chưa một lần chối bỏ trách nhiệm của người thầy thuốc mỗi khi bà con cần sự giúp đỡ.
Một trong những câu chuyện được bác sỹ quân y Nguyễn Hữu Bẩm chia sẻ đó là cứu chữa thành công người phụ nữ chuyên phun thuốc sâu thuê bị trọng bệnh. Dù đã bị bệnh viện trả về nhưng với suy nghĩ “còn nước còn tát”, bác sỹ Bẩm đã mang hết tài năng và y đức của mình nỗ lực cứu người bệnh. Với cố gắng của ông, cùng với sự hợp tác của gia đình, người bệnh đã được cứu sống và đến nay sống rất khỏe mạnh. Đây chỉ là một trường hợp trong rất nhiều ca bệnh được ông cứu chữa thành công.
Cảm kích tấm lòng nhân ái của người bác sỹ già, người bệnh sau khi được bác sỹ Bẩm cứu giúp, có người mang hoa quả, mang gạo nếp… gọi là chút quà quê đến biếu, những ông Bẩm đều nhận rồi xin gửi lại để họ dưỡng bệnh. Với ông những tình cảm chân thành của bệnh nhân là nguồn động lực to lớn để ông tiếp tục cố gắng, bởi ông luôn cho rằng, những việc làm của mình vẫn còn rất nhỏ bé, chưa là gì so với những đòi hỏi của xã hội.
“Là một bác sĩ đã mang lời thề Hippocrates, tôi luôn nhớ những lời dạy cùa Bác Hồ về y đức cùa một người thầy thuốc trong thư gửi Hội nghị Quân y tháng 3/1948, Bác viết: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu. Không chỉ vậy, tôi từng tham gia cứu chữa cho chính những đồng đội của mình ngoài chiến trường những năm tháng ác liệt nhất, mọi thứ đều thiếu thốn, phải chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, vì thế với với tôi tình cảm quân dân, tình thương yêu đồng chí, đồng đội luôn gắn bó sắt son, sinh mạng của ai cũng đều quý, nếu cứu được thì tôi sẽ nỗ lực hết sức”. Ông Bẩm bộc bạch.
Không chỉ nỗ lực mang lại sự sống cho người bệnh mà ông đã trích một phần lương hưu của mình để hỗ trợ những bệnh nhân nghèo mua thuốc điều trị bệnh.
Xã Công Lý quê ông, có trục đường liên huyện, liên xã, đường xấu, nhiều đoạn còn ổ gà cộng với ý thức tham gia giao thông của người dân chưa tốt... Vì vậy, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra, gây thiệt hại đến người và tài sản. Được Hội chữ thập đỏ huyện tin tưởng ông đã dành một phần diện tích đất của gia đình dựng chốt sơ cứu an toàn giao thông. Không kể đêm hay ngày, nắng hay mưa cứ có người cần giúp là ông lại chuẩn bị dụng cụ, đồ nghề đến hiện trường làm công tác sơ cứu ban đầu trước khi chuyển người bị thương lên tuyến trên chữa trị. Ông cho biết: Cấp cứu ban đầu cần được thực hiện kịp thời, càng sớm càng tốt, như vậy mới có thể giảm bớt nguy hiểm cho người bị nạn. Ðối với những trường hợp nhẹ, ông băng bó vết thương, cầm máu; trường hợp nặng thì tùy theo mức độ mà xử lý và cùng cán bộ, người dân địa phương chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế một cách nhanh nhất...
10 năm phụ trách chốt sơ cứu tại gia, trở thành bác sĩ của người dân ông đã cứu giúp hơn 100 trường hợp tai nạn đáng tiếc trên tuyến giao thông qua xã. Tất cả đều được ông giúp đỡ không một đồng công xá.
Không chỉ tận tâm cứu chữa cho người bệnh, có nhiều người hoàn cảnh rất nghèo đến chữa trị, vợ chồng bác sỹ Nguyễn Hữu Bẩm không ngại nấu cháo, nấu cơm phục vụ để họ yên tâm điều trị. Ông Bẩm luôn cho mình may mắn vì được vợ con hiểu, chia sẻ, động viên để ông thực hiện tâm nguyện chữa bệnh cứu người.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm luôn là người bạn đời đồng cam cộng khổ, theo sát và ủng hộ chồng làm công tác thiện nguyện. Bà nói rằng còn sức khỏe, vợ chồng ông bà sẽ còn tiếp tục công việc chữa bệnh, cứu người. Một trong ba người con của ông bà cũng theo nghề y và đồng hành cùng bố. Những người con khác của ông Bẩm đều không ngần ngại mỗi khi ông cần đến sự giúp đỡ. Noi theo gương bố, hàng tháng các con ông đều trích một phần tiền lương để giúp người bệnh nghèo mua thuốc, trang trải cho việc chữa bệnh.
Tham gia vào chương trình giao lưu những điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị 05 khu vực phía Bắc do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức mới đây, ông Bẩm không giấu được niềm vui, hạnh phúc của mình. Ông chia sẻ: “Đây không chỉ là dịp để tôi được chia sẻ về câu chuyện, cách làm của mình trong thực hiện Chỉ thị 05 mà còn là dịp để tôi được gặp gỡ giao lưu với các điển hình tiên tiến đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, từ đó tôi soi lại mình, để tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống cũng như trong mọi việc làm của mình”.
Ông cho rằng: Hiện thế hệ trẻ ngày nay không chỉ đầy đủ về điều kiện vật chất và tinh thần mà tất cả các phương tiện để thực hiện ước mơ của các bạn còn rất đa dạng, phong phú. Nếu những người lính như ông và đồng đội của ông thời trước thì lý tưởng cách mạng chính là được ra chiến trường chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, thì lý tưởng của các bạn trẻ ngày nay là tiếp nối truyền thống tốt đẹp của thanh niên Việt Nam góp sức, dựng xây quê hương, đất nước. Ông muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ hãy có tư tưởng vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, hãy học tập và làm theo đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ngày, từng giờ, từ những việc đơn giản nhất, theo đúng lứa tuổi, theo đúng hoàn cảnh của mình để trở thành những công dân có ích./.