Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bác sĩ cải tiến xe lăn, được ghi danh vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam

Thứ Hai, 11/12/2023 14:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chi phí cải tiến một chiếc xe lăn có bình oxy hỗ trợ và túi thuốc cấp cứu khoảng 150.000 đồng. Đó là sáng kiến của bác sĩ Nguyễn Thanh Hà vừa được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2023.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa phối hợp với Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2023.

Ấn phẩm giới thiệu các công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn đã đạt giải tại các cuộc thi từ năm 2021 đến tháng 6/2023.

Trong số 79 công trình vinh dự được ghi vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam có sáng kiến "Xe lăn cải tiến" phục vụ bệnh nhân nặng của bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và cộng sự).

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà tại Lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2023. Ảnh:Tuấn Dũng 

Bác sĩ Hà cho biết, xe lăn là một thiết bị không thể thiếu tại các cơ sở khám chữa bệnh, phục vụ vận chuyển bệnh nhân. Việc sử dụng xe lăn để đưa bệnh nhân từ khoa điều trị đến các khoa khác là rất cần thiết. Tuy nhiên có những trường hợp nặng phải duy trì thở oxy, nếu được chỉ định đi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng (chụp, chiếu, xét nghiệm...) phục vụ chẩn đoán bệnh, bệnh viện phải bố trí ít nhất 2 y, bác sĩ đi cùng, sử dụng thêm bình oxy, bóp bóng Ambu...

Để giảm bớt sức lao động cho nhân viên y tế, giảm cồng kềnh thêm dụng cụ đẩy bình oxy, vị bác sĩ này đã nghiên cứu, cải tiến xe lăn.

Chiếc xe này được thiết kế bởi khung chắc chắn, hình dáng như chiếc ghế ngồi có tựa lưng, bê mặt bằng nệm êm và có thêm bánh xe cùng tay cầm để đẩy hoặc cho người bệnh ngồi tự di chuyển. Xe gồm 4 bộ phận: xe lăn tay; bình oxy hỗ trợ; Ambu bóp bóng và túi đựng thuốc cấp cứu.

Các bộ phận của xe lăn cũ được thiết kế kết hợp lại thành một xe lăn hoàn chỉnh, đảm bảo các chức năng. Xe dễ sử dụng và gấp gọn nên rất tiện lợi.

Chiếc xe sau khi hoàn thành được thử nghiệm tại khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ đem lại kết quả ngoài mong đợi, có thể áp dụng vào tất cả các khoa lâm sàng.

Bác sĩ Hà cho biết chi phí cho việc cải tiến một chiếc xe khoảng 150.000 đồng, rất phù hợp để nhân rộng, đặc biệt là với những bệnh viện có điều kiện kinh phí còn hạn chế. "Nhiều trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện đã áp dụng mô hình này. Một số bệnh viện ngoài tỉnh cũng xin mô hình này để đưa vào hoạt động", bác sĩ cho hay.

Chiếc xe lăn cải tiến của bác sĩ Nguyễn Thanh Hà và cộng sự. Ảnh: Tuấn Dũng 

Được biết, ngoài công trình "Xe lăn cải tiến" bác sĩ Hà còn có rất nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu đã được các cấp ngành ghi nhận, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn khám, chữa bệnh tại cơ sở. Tiêu biểu như các đề tài: Khảo sát tình hình sử dụng thuốc hạ glucose máu ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2; Nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị hạ kali máu ở bệnh nhân Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ...

Bác sĩ CKI Nguyễn Đình Thiện, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ cho biết, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà là người có chuyên môn vững vàng, hết lòng vì bệnh nhân. Trong suốt thời gian công tác tại bệnh viện, bác sĩ Hà luôn thể hiện tinh thần lao động sáng tạo, miệt mài cho ra đời nhiều sáng kiến mang lại ứng dụng cao trong thực tiễn. Tinh thần đó tác động tích cực đến cán bộ, y bác sĩ, góp phần lan tỏa phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" trong đơn vị.

"Tôi rất tự hào vì sáng kiến của cán bộ trong đơn vị được ghi vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Sáng kiến được áp dụng tất cả các khoa lâm sàng trong bệnh viện, dễ sử dụng chi phí thấp giảm bớt sức lao động và cồng kềnh cho nhân viên y tế. Nhiều đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh đã xin mô hình này để đưa vào hoạt động", bác sĩ Thiện chia sẻ./.

 

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN