Bắc Quang: Tăng tốc phát triển kinh tế nông nghiệp
(ĐCSVN) - Theo đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, các huyện có thế mạnh về nông nghiệp và nhiều diện tích cam như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp để đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; đặc biệt, cần tính toán cụ thể vai trò của Nhà nước, người dân, hợp tác xã trong việc tiêu thụ cam.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ tại xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang. (Ảnh: Kim Tiến/Báo Hà Giang) |
Ngày 15/9, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chủ trì buổi làm việc với huyện Bắc Quang, nhằm nắm bắt tình hình phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ các tháng cuối năm 2021.
9 tháng đầu năm 2021, huyện Bắc Quang có 17/61 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 5 chỉ tiêu đạt từ 90 - 99%; 15 chỉ tiêu đạt từ 60 - 82%; 18 chỉ tiêu đánh giá cuối năm; 2 chỉ tiêu đánh giá mùa vụ; 4 chỉ tiêu đạt thấp. Huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; nghiêm túc, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đề án phát triển bền vững cây cam Sành đã thẩm định 62 hộ/6 xã; giải ngân 61 hộ với kinh phí trên 6,4 tỷ đồng; xây dựng 1 mô hình bảo quản cam sau thu hoạch bằng kho lạnh; xây dựng vườn cam mẫu gắn với du lịch. Tập trung xây dựng 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Vô Điếm, Việt Hồng, Liên Hiệp và Đồng Tâm). Các lĩnh vực y tế, giáo dục tiếp tục được duy trì. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để nắm bắt tình hình tại cơ sở mang lại hiệu quả thiết thực. An ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững...
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu huyện Bắc Quang đoàn kết, thống nhất, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021; xây dựng phương án, kịch bản đảm bảo tăng trưởng kinh tế; không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Lĩnh vực nông nghiệp ít bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, do đó phải tăng tốc phát triển kinh tế nông nghiệp để bù lại những khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Trong đó, phát triển các mô hình kinh tế hộ phù hợp với điều kiện thực tế. Cải tạo vườn tạp phải thực chất, phát huy được hiệu quả đất đai của từng hộ gia đình. Ngoài mở rộng diện tích thì phải nâng cao được giá trị trên đơn vị sản xuất. Quy hoạch lại vùng sản xuất, trồng cây các loại liền vùng, liền khoảnh để trở thành sản xuất hàng hóa, mang lại giá trị. Huyện cần đảm bảo chất lượng cam, khung thời vụ, thống nhất về giá cả; không được bán cam non. Phải giữ được thương hiệu cam Hà Giang...
Đồng chí nhấn mạnh, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến các lĩnh vực; giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt. Do đó, các huyện có thế mạnh về nông nghiệp và nhiều diện tích cam như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên cần phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp để đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh; đặc biệt, cần tính toán cụ thể vai trò của Nhà nước, người dân, HTX trong việc tiêu thụ cam. Xác định cụ thể diện tích và xem xét điều kiện sản xuất cây vụ Đông để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng phát triển kinh tế hộ; quan tâm đến khâu chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp...
Trước đó, thăm một số mô hình kinh tế trên địa bàn huyện Bắc Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đề nghị huyện Bắc Quang và các cơ quan chuyên môn cần bám nắm địa bàn, sâu sát cơ sở để giúp đỡ, hướng dẫn người dân chăm sóc và liên kết tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá; vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới gắn với cải tạo vườn tạp; trong đó cần đặc biệt quan tâm đến tiêu chí thu nhập, nâng cao đời sống người dân…/.