Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bạc Liêu: Nâng cao hiệu quả phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân

Thứ Tư, 26/09/2018 10:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra và thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.

Sâu sát trong chỉ đạo thực hiện

Thực hiện phong trào, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức quán triệt triển khai Quyết định số 730/QĐ-TTg ngày 19/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 02/7 hàng năm là Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân và các văn bản có liên quan; đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Các ngành, các địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, hàng năm tổ chức kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc triển khai thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân. Hàng năm tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt phong trào.

Tỉnh tổ chức lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, văn hoá, nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường ngân sách nhà nước cho thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân. Sử dụng nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu, các nhiệm vụ, dự án có liên quan tới vệ sinh và nâng cao sức khỏe nhân dân; tăng cường xã hội hoá, huy động nguồn lực của các tổ chức cá nhân đề triển khai thực hiện phong trào.


Đoàn viên thanh niên tham gia làm vệ sinh môi trường tại
cống Cầu Xáng (phường 1, TP. Bạc Liêu). Ảnh: Báo Bạc Liêu.


Nâng cao hiệu quả các hình thức truyền
thông

Xác định nâng cao nhận thức của nhân dân là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh và thực hiện bền vững phong trào, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm của mọi người dân tham gia các vấn đề về vệ sinh liên quan đến sức khoẻ. Các nội dung tuyên truyền về tư tưởng chỉ đạo của phong trào, mục đích, ý nghĩa, các nội dung đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu về vệ sinh nâng cao sức khỏe của phong trào.

Các hình thức tuyên truyền đa dạng: Trên các phương tiện thông tin đại chúng: Phát thanh truyền hình, báo chí..; tuyên truyền qua các cuộc họp, mít tinh, tập huấn, câu lạc bộ, hoạt động nhóm; tổ chức đăng tin chạy chữ trên Đài Truyền hình Bạc Liêu; treo băng tuyên truyền tại các trục lộ chính, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; đưa tin, bài phát sóng trên loa của xã, ấp, cụm dân cư phát sóng hàng ngày vào buổi sáng và chiều; cấp phát các tài liệu truyền thông về vệ sinh phòng chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động…. Theo đó, giai đoạn 2012 – 2016 đã thực hiến phát cấp phát trên 120.400 tờ rơi; poster: 103 tờ, thực hiện treo 14 panô; 70 băng rôn tuyên truyền...

Hằng năm, tỉnh đều tổ chức hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khoẻ nhân dân (ngày 02/7) theo chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khoẻ. Tỉnh đã tổ chức phát động hưởng ứng tổ chức lễ mít tinh cổ động xây dựng phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân lồng ghép với Ngày Asean phòng, chống sốt xuất huyết và tay-chân-miệng tại TP. Bạc Liêu, huyện Phước Long, Giá Rai, Đông Hải thu hút đông đảo cán bộ, công nhân viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Bên cạnh đó, các địa phương đã tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm cho lãnh đạo Sở Y tế, UBND huyện, Trung tâm y tế xã huyện, các ban, ngành của xã, ấp, trạm y tế, các ban, ngành, đoàn thể của xã: Phụ nữ, thanh niên, nông dân, cựu chiến binh, trưởng ấp, phụ nữ ấp… về việc triển khai phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền thực hiện phong trào.

Tạo nếp sống vệ sinh văn minh cho người dân

Sở  Y tế các cấp phối hợp với các sở, ban, ngành đã vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch; ăn uống hợp lý và rèn luyện thân thể. Đẩy mạnh các hoạt động 3 sạch bao gồm: Sạch nhà gắn liền với vệ sinh thân thể; sạch bếp gắn liền với vệ sinh an toàn thực phẩm gắn liền với vệ sinh môi trường. Theo đó, giai đoạn 2012– 2016, Sở Y tế phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, UBND, các ngành đoàn thể hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 285 hộ gia đình; 57 trạm y tế được xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; cấp trên 2.100 bánh xà phòng cho các hộ dân và trường học...

Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành vận động nhân dân thực hiện duy trì phong trào vệ sinh hàng tuần, hàng tháng vào một ngày nhất định ở các đường làng, ngõ xóm, các cơ quan, công sở, trường học, doanh nghiệp… nhằm tạo thói quen và nếp sống vệ sinh, văn minh trong nhân dân. Thống nhất định kỳ hàng tháng ra quân tổng vệ sinh vào “sáng thứ bảy của tuần đầu tiên trong tháng”, làm tổng vệ sinh đường phố, khóm, ấp, cơ quan, trường học, công sở… với khẩu hiệu “Vì Bạc Liêu sạch - đẹp – văn minh, không xả rác ra đường và nơi công cộng”, để huy động toàn thể nhân dân tham gia các hoạt động và tạo những thói quen, nếp sống vệ sinh, văn minh trong nhân dân. Tỉnh đã tổ chức Lễ ra quân lần đầu tiên trên toàn địa bàn vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 08/03/2013; mỗi huyện, thị xã, thành phố tổ chức 01 điểm. Riêng cấp tỉnh chọn thành phố Bạc Liêu làm Lễ ra quân tổ chức làm tổng vệ sinh trên địa bàn thành phố Bạc Liêu gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy về xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị loại II, thành phố “xanh-sạch-đẹp-văn minh”.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt vệ sinh nơi công cộng, trên các phương tiện phục vụ giao thông. Vận động người thu gom, loại bỏ dụng cụ phế thải xóa bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết; Quản lý tốt nước thải, rác thải sinh hoạt, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường. Phát động phong trào trồng và chăm sóc cây xanh nơi công cộng, đường phố, đường làng, trong khuôn viên từng hộ gia đình; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động chăm sóc, bảo quản và phát triển cây xanh theo đúng quy hoạch xây dựng đô thị.

Triển khai phong trào “Ba không”: Các hộ dân, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cam kết thực hiện không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn, không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế; đồng thời, thực hiện tốt vệ sinh trong dịch vụ ăn uống, đảm bảo bếp ăn mỗi gia đình, bếp ăn tập thể, cơ quan, doanh nghiệp ngày càng sạch hơn, an toàn hơn, văn minh hơn…

Với sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, sự tham gia tích cực của người dân, Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tại Bạc Liêu đã được triển khai sâu rộng và mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo đó, bước đầu phong trào đã nâng cao ý thức người dân về nếp sống vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch, ăn uống hợp lý và rèn luyện thân thể; thực hiện tốt vệ sinh nơi công cộng vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn ổn định, không có dịch xảy ra trên địa bàn; không xảy ra ngộ độc thực phẩm lớn; an toàn vệ sinh lao động được triển khai thực hiện tốt. Tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh trạm y tế đạt 100%, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình 70% (năm 2016)…

Trong giai đoạn 2017 – 2021, Bạc Liêu xác định nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” chuyển biến thành các hành động cụ thể về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường liên quan tới sức khỏe. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu có liên quan tới vệ sinh và nâng cao sức khỏe của các Chương trình mục tiêu quốc gia y tế, tăng tỉ lệ người dân có nước sạch, có nhà tiêu hợp vệ sinh, giữ vệ sinh môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.../.

AD

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN