Bắc Giang xúc tiến tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn năm 2023
(ĐCSVN) – Năm 2023, tổng diện tích sản xuất vải của huyện là 17.000 ha, trong đó có gần 13.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; dự kiến sản lượng toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 25/5 đến cuối tháng 7 năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn và các đại biểu chứng kiến ký kết tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn. |
Sáng 07/6, UBND huyện Lục Ngạn tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn; đại diện lãnh đạo một số Cục, Viện của Bộ Nông nghiệp và PTNN, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; các sở, ban, ngành, huyện Lục Ngạn và một số hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chiêu thương tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, năm 2023 tổng diện tích sản xuất vải của huyện là 17.000 ha, trong đó có gần 13.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; dự kiến sản lượng toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 25/5 đến cuối tháng 7 năm 2023. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 6.000 tấn vải chín sớm, trong đó 59% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 41% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý từ năm 2008, bảo hộ nhãn hiệu tại 8 nước, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm trái cây đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021. Huyện đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 88 mã số vùng trồng đảm bảo đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch (Trung Quốc (35 mã); Mỹ, Úc, EU (19 mã); Nhật Bản (32 mã); Thái Lan (2 mã). Trên địa bàn huyện có 173 cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện hoạt động xuất khẩu.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều để xuất khẩu, nhiều thương nhân đã sớm tìm hiểu, ký kết hợp đồng, giám sát tiêu thụ vải thiều. Hiện đã có 204 thương nhân Trung Quốc được Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an đồng ý cho vào huyện Lục Ngạn để phối hợp thu mua vải thiều.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ kết nối để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu quả vải thiều Lục Ngạn đến các thị trường tiềm năng. Các doanh nghiệp, thương nhân tiếp tục tìm hiểu, ký kết hợp đồng liên kết để bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo mối liên kết bền vững giữa người dân trồng vải với các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu ở trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn nói riêng và những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang nói chung. Các đại biểu kiến nghị một số vấn đề liên quan đến đẩy mạnh kết nối thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm thế mạnh của địa phương; thủ tục hành chính để đưa sản phẩm vải thiều và các nông sản chủ lực vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị;…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn đánh giá cao huyện Lục Ngạn đã chủ động, đổi mới, gắn tiêu thụ mùa vụ vải thiều năm 2023 với phát triển du lịch để quảng bá sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ vải thiều, các loại nông sản và sản phẩm du lịch miệt vườn của huyện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND huyện Lục Ngạn và các địa phương trồng vải trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn bà con vùng trồng vải tiếp tục thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất và an toàn từ khâu sản xuất, thu mua, lưu thông, tiêu thụ; ứng dụng công nghệ, tem truy xuất nguồn gốc; quản lý mã số vùng trồng, mã số đóng gói đảm bảo các điều kiện sạch và an toàn thực phẩm.
Tiếp tục chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; khuyến khích người dân tham gia tiêu thụ trên nền tảng online, mạng xã hội...
Tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng ngành đường sắt Việt Nam, Hải Quan, Quản lý cửa khẩu; các công ty khai thác vận tải đường sắt, các doanh nghiệp… để vận chuyển vải thiều tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc bằng hệ thống đường sắt; giảm tải áp lực xuất khẩu vải thiều qua các cửa khẩu đường bộ.
Các đại biểu cắt băng xuất hành vải thiều đi tiêu thụ. |
Chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn chuẩn bị các điều kiện, tạo thuận lợi hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất như: Nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân, các sàn thương mại điện tử, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối... sớm kết nối, ký kết hợp đồng, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, nhà vườn bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết ổn định từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; tạo mối liên kết bền vững giữa người dân trồng vải thiều nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ.
Các cơ quan truyền thông của Trung ương và các địa phương tiếp tục quan tâm, chia sẻ, đồng hành trong công tác thông tin xúc tiến, quảng bá tiêu thụ vải thiều và các loại nông sản khác của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài nước về thương hiệu, giá trị chất lượng, sản phẩm sạch, an toàn và bổ dưỡng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và gắn với du lịch trải nghiệm vườn đồi của tỉnh Bắc Giang./.