Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chỉ đạo: Khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão số 3
(ĐCSVN) - Chiều 10/9, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, TP đánh giá tình hình thiệt hại và triển khai các phương án khắc phục hậu quả sau bão số 3. Cùng dự có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương báo cáo nhanh tình hình thiệt hại, biện pháp triển khai ứng phó với mưa lũ. Đồng thời nêu các giải pháp khắc phục sự cố sớm cấp điện, nước sạch, thông tin liên lạc trở lại; xử lý các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông; công tác khám, chữa bệnh, vệ sinh môi trường tại các địa phương bị ảnh hưởng mưa bão…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Tại điểm cầu địa phương, lãnh đạo các huyện, thị xã, TP đề nghị UBND tỉnh, các ngành quan tâm hỗ trợ khắc phục hậu quả sau mưa bão. Đại diện lãnh đạo huyện Lục Ngạn thông tin, hiện còn một số thôn trong vùng lòng hồ Cấm Sơn và toàn bộ xã Sa Lý bị chia cắt; xã Đèo Gia và Tân Lập chưa có điện. Nhiều diện tích cây ăn quả nguy cơ mất trắng do bị ngập lụt. Huyện đề xuất UBND tỉnh sớm hỗ trợ người dân gặp khó khăn, nhất là có giải pháp giãn nợ, giảm lãi suất cho các khách hàng bị thiệt hại do mưa lũ; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón… giúp người dân khôi phục sản xuất.
Tại huyện Lục Nam, mặc dù nước trên thượng nguồn sông Lục Nam đang rút nhanh song khu vực hạ lưu thuộc địa bàn các xã Vũ Xá, Đan Hội, Huyền Sơn nhiều diện tích lúa, hoa màu vẫn ngập sâu, dự báo sẽ giảm năng suất, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Bên cạnh nỗ lực, cố gắng của địa phương, huyện đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ để giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm đời sống nhân dân.
Bên cạnh ảnh hưởng sản xuất, hiện toàn tỉnh còn hơn 100 nghìn khách hàng chưa có điện (chiếm 15,5% trong tổng số khách hàng), chủ yếu là ở các địa bàn miền núi do bị nước lũ chia cắt. Một số tuyến đường giao thông bị sạt lở, chia cắt cục bộ...
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh có 3 vấn đề lớn cần quan tâm hiện nay đó là: Hệ thống đê điều trước áp lực nước sông lên cao, trọng điểm là hệ thống đê sông Cầu, sông Thương; công trình hồ chứa nước và tình trạng ngập úng ở một số nơi.
Đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung ứng phó các sự cố đê điều. Tổ chức phát quang cây cối ở mái đê, kè, cửa cống; thu gom, xử lý rác, phế thải bảo đảm thuận lợi cho công tác kiểm tra đê, kịp thời phát hiện những hư hỏng, yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa đến an toàn đê. Tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý kịp thời sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu, nhất là hệ thống đê sông Cầu, sông Thương; kiểm tra lại toàn bộ vật tư, phương tiện, thực hiện canh gác và phát quang cây cối; nghiêm cấm xe có trọng tải lớn đi trên đê vào mùa mưa lũ.
Đại diện Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang báo cáo giải pháp cấp nước sạch cho khách hàng. |
Đối với các nơi có đê bối, nhất là liên quan đến sông Cầu, sông Thương phải thực hiện nghiêm quy định về Luật Đê điều; khi cần thiết phải tháo cống để nước tràn đê bối nhằm giảm áp lực cho hệ thống đê chính. Tăng cường theo dõi các bản tin dự báo, những vùng có nguy cơ ngập lụt phải sẵn sàng phương án sơ tán dân nếu có tình huống nguy hiểm.
Đối với hệ thống hồ đập, ngành Nông nghiệp tiếp tục nâng cao trách nhiệm cho các đơn vị thủy nông bố trí lực lượng tuần tra, giám sát chặt chẽ; thường xuyên báo cáo tình hình, nâng cao công tác dự tính, dự báo, đặc biệt là theo dõi chặt chẽ mực nước hồ Cấm Sơn. Nếu cần thiết sẽ chủ động tổ chức sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm.
Các địa phương thường xuyên nắm thông tin tại các địa bàn bị ngập lụt, sẵn sàng phương tiện, vật tư hỗ trợ nhân dân bảo đảm đời sống. Đối với các khu vực thiệt hại về sản xuất, ngành Nông nghiệp phải cử người hướng dẫn người dân khắc phục kịp thời. Các ngành chức năng cần tập trung khắc phục ngay các điểm sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt; khôi phục hoàn toàn điện, viễn thông, nước sạch.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao ngành Y tế hỗ trợ hai huyện Sơn Động, Lục Ngạn và các địa phương bị ảnh hưởng của mưa lũ tiêu độc khử trùng môi trường; huy động thêm lực lượng hỗ trợ địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề để bảo đảm sức khỏe cho người dân với phương châm “nước rút đến đâu, vệ sinh, khử trùng đến đó”, không để dịch bệnh xảy ra. Các ngành chức năng tỉnh sớm hướng dẫn địa phương thống kê thiệt hại chính xác để có cơ sở hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do mưa bão.
Các ngành: Ngân hàng, Thuế, Bảo hiểm, các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương vào cuộc giải quyết các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng, giảm thiểu thiệt hại, khó khăn do thiên tai. Ở những nơi nước rút cần sớm khôi phục, tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế, tạo sinh kế cho người dân địa phương sớm vượt qua khó khăn. Huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng khắc phục, sửa chữa các điểm trường, công sở, nhà dân bị tốc mái.
Các ngành: Y tế, Điện lực, Viễn thông tiếp tục đưa lực lượng, thiết bị đến các vùng ngập lụt để hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố. Đối với trường học, phải bảo đảm an toàn mới đưa học sinh trở lại. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi lợi dụng đầu cơ tăng giá. Quan tâm công tác tuyên truyền, thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm liên quan công tác phòng, chống thiên tai.
Riêng TP Bắc Giang, hiện nước trên sông Thương đang dâng cao, TP cần chủ động rà soát, kiểm tra công tác chằng néo, bảo vệ các xà lan, tàu thuyền lớn đang neo đậu trên thượng nguồn, đề phòng xảy ra sự cố nguy hiểm. Huy động xã hội hóa để kịp thời bổ sung nhân công, phương tiện khẩn trương trồng lại cây xanh bị đổ do mưa bão, bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi, nếu nước lên cao cần tính toán phương án điều tiết, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều toàn tỉnh.