Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mới: Bài 4 - Bài học kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất
(ĐCSVN) - Nhờ tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sát cánh cùng với các tỉnh, TP vượt qua khó khăn, Bắc Giang đã thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, tạo động lực mới cho phát triển KT - XH. Qua đó, Bắc Giang rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý và nhận diện những hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.
- Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mới: Bài 1- Hướng ra Thủ đô, hướng ra biển
- Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mới: Bài 2- Kinh tế “cất cánh”
- Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mới: Bài 3 - Những cách làm sáng tạo
Những kinh nghiệm quý
Bài học kinh nghiệm trong liên kết vùng của Bắc Giang có được là xác định rõ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chủ động liên kết. Bám sát các văn bản của Trung ương về đẩy mạnh liên kết vùng và các chương trình đã ký kết hợp tác với các tỉnh, TP lân cận, các tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện. Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã nhấn mạnh, đề cao sự đeo bám, quyết tâm, quyết liệt, rõ người, rõ việc; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp.
Tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đánh giá kết quả hợp tác liên kết vùng - đây là một trong những giải pháp để Bắc Giang hướng ra biển. |
Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã tập trung phát hiện nút thắt, điểm nghẽn, việc khó; chỉ đạo nghiên cứu, ban hành chủ trương, cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, quyết tâm tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Thể hiện rõ nhất là việc hóa giải điểm nghẽn cầu Như Nguyệt. Thể hiện rõ nữa là Bắc Giang quyết tâm hoàn thành và là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhờ đó phát huy mạnh mẽ nội lực, đồng thời huy động hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, trong đó có nguồn lực lớn từ liên kết vùng để thúc đẩy phát triển.
Cùng với đẩy mạnh các hoạt động hợp tác liên kết với các địa phương trong vùng, Bắc Giang chú trọng hợp tác với các địa phương, đối tác nước ngoài, các đại sứ quán để thúc đẩy thu hút đầu tư và nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh. Chủ động gặp gỡ, đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, DN. Chỉ số PCI đứng thứ hai cả nước là minh chứng rõ nét cho công tác này.
Trong liên kết tiêu thụ nông sản, kinh nghiệm của Bắc Giang trước hết là thực hiện nhất quán từ cấp ủy, chính quyền đến người dân trồng vải thiều với phương châm lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có, sạch và an toàn của vải thiều cũng như các loại nông sản khác làm tiêu chí sản xuất, tiêu thụ bền vững. Theo đó, Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch bài bản cho quá trình sản xuất; chú trọng mở rộng diện tích sản xuất vải thiều chất lượng cao; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; tìm kiếm, áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, phục vụ tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá, cách làm của Bắc Giang trong tiêu thụ nông sản có sự sáng tạo, tùy vào thời điểm mà linh hoạt ứng phó, mang lại hiệu quả, tác động lớn. Đây là kinh nghiệm quý cho nhiều địa phương về đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Về phát triển du lịch, Bắc Giang xác định việc liên kết là giải pháp quan trọng, thiết thực, hiệu quả. Thấy rõ những hạn chế của sản phẩm du lịch còn mới, chưa hoàn chỉnh trong khi phần lớn các DN lữ hành có xu hướng khai thác những sản phẩm du lịch có sẵn nên tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ trong các tour chuyên đề; tăng cường đầu tư bảo đảm giao thông thuận lợi giữa các điểm du lịch, các điều kiện thuận lợi dọc tuyến du lịch.
Các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương đang chuẩn bị các điều kiện khai thác phát triển du lịch Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ảnh: Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử ngày càng thu hút nhiều du khách. ĐÔNG GIANG. |
Xác định để liên kết hiệu quả cần có quan hệ hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hiệu quả, những năm gần đây Bắc Giang liên tục tổ chức hội thảo, ký kết phát triển du lịch với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương…
Kiến nghị, đề xuất
Đi qua hơn nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, mặc dù đối mặt với vô vàn khó khăn do tác động nặng nề của đại dịch Covid -19, suy thoái kinh tế thế giới… song với quyết tâm cao và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, đổi mới sáng tạo; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác.
Đến nay, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành sớm và cơ bản hoàn thành nhiều chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Trong đó, thúc đẩy liên kết vùng đã góp phần quan trọng vào kết quả này.
tin tức bắc giang, bắc giang, chính sách phát triển vùng, thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, cụm công nghiệp, liên kết tiêu thụ nông sản, bản đồ công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đẩy liên kết vùng, tạo động lực mới, Hệ thống giao thông
"Một lần nữa tôi xin nhắc lại để các đồng chí thống nhất nhận thức, tỉnh Bắc Giang chúng ta không có nhiều lợi thế nổi bật so với các địa phương khác trong cả nước, nhất là các tỉnh trong vùng Thủ đô. Vì vậy, để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phát triển thì giải pháp quan trọng, hiệu quả nhất chính là tiếp tục phát huy nội lực, đặc biệt là nhân tố con người kết hợp với các nguồn lực khác để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, của mỗi địa phương”.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái |
Một trong những giải pháp quan trọng nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu cả nhiệm kỳ mà đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ mới đây, đó là: “Phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, đề cao nhân tố nội lực, nhân tố con người trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Một lần nữa tôi xin nhắc lại để các đồng chí thống nhất nhận thức, tỉnh Bắc Giang chúng ta không có nhiều lợi thế nổi bật so với các địa phương khác trong cả nước, nhất là các tỉnh trong vùng Thủ đô. ì vậy, để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phát triển thì giải pháp quan trọng, hiệu quả nhất chính là tiếp tục phát huy nội lực, đặc biệt là nhân tố con người kết hợp với các nguồn lực khác để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, của mỗi địa phương”.
Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự “dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”; mỗi đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu phải “quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn”; mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ bài bản, chặt chẽ, khoa học, bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả” theo đúng tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Từ bài học kinh nghiệm nửa nhiệm kỳ thì đây chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để Bắc Giang chủ động thúc đẩy liên kết vùng và hoàn thành các nhiệm vụ phát triển KT-XH khác.
Được biết, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 19/8/2023, về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc. Theo đó, phương thức điều phối của Hội đồng về: Lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; đầu tư phát triển; đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển vùng; giải quyết vấn đề liên kết vùng; kế hoạch điều phối liên kết vùng; cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.
Ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh nhận định: “Cái khó nhất trong liên kết vùng là thể chế thì với việc thành lập Hội đồng điều phối đã được khắc phục. Và mấu chốt trong liên kết vùng là quy hoạch thì nội dung này cũng được đề cập trong phương thức điều phối. Bởi chỉ có thống nhất trong quy hoạch mới bố trí được nguồn lực đầu tư, tạo động lực phát triển liên vùng”.
Theo đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc nên nghiên cứu, tham mưu Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương triển khai các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ của Trung ương gắn với bảo đảm nguồn lực phù hợp, đặc biệt đối với những dự án nhỏ nhưng nằm trên địa bàn nhiều tỉnh. Trong chiến lược tổng thể về liên kết vùng, ngoài các vấn đề về liên kết giao thông, cần định hướng phát triển vùng động lực của toàn vùng, từ đó lan tỏa, kích thích kinh tế các khu vực lân cận.
Đi đôi với các giải pháp trên cần định hướng liên kết các chuỗi kinh tế, các chuỗi sản phẩm mang tầm quy mô vùng, trong đó hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp; các vùng chuyên canh sản xuất tập trung quy mô lớn; các sản phẩm du lịch chung... Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là kết nối cung ứng nhân lực, tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho cả vùng.
Nhiều ý kiến đề xuất cần phát huy vai trò cầu nối giữa các hiệp hội, hội DN các tỉnh trong việc tổ chức gặp gỡ, xúc tiến đầu tư, thương mại cũng như tổ chức các diễn đàn với quy mô khu vực trở lên tạo không gian cho các DN, doanh nhân giao lưu trao đổi, hợp tác để cùng nhau phát triển.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn cho thấy “Muốn đi nhanh, đi một mình. Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Thúc đẩy liên kết vùng góp phần tạo ra một hệ thống kinh tế mạnh mẽ và đa dạng. Sự hợp tác giữa các địa phương trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ đã tăng được năng suất và hiệu quả sản xuất, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm mới.
Liên kết vùng cũng tạo điều kiện để các địa phương có thể học hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm và tận dụng tối đa tiềm năng của mình để phát triển bền vững. Phát huy những bài học kinh nghiệm được rút ra, kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, đồng thời thực hiện hiệu quả các giải pháp mới, chắc chắn Bắc Giang sẽ thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển chung của cả vùng, của đất nước.