Bắc Giang thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mới: Bài 3 - Những cách làm sáng tạo
(ĐCSVN) - Thực hiện liên kết vùng có những việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ, Bắc Giang với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sát cánh cùng với các tỉnh, TP vượt qua khó khăn, gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít những hạn chế, vướng mắc.
Dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 -2025 (tháng 8/2023), đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao ghi nhận: “Bắc Giang đã quyết tâm, dám nghĩ, dám làm khi quyết liệt, kiên trì đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho dùng ngân sách tỉnh để mở rộng cầu Như Nguyệt, tháo một nút thắt, điểm nghẽn lớn về giao thông cho chính Bắc Giang và đất nước; chủ động mời các tỉnh giáp ranh bàn bạc, thống nhất đầu tư nhiều công trình cầu, đường kết nối quan trọng với Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh... Qua đó, tạo ra vùng kinh tế có sự liên kết chặt chẽ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh tại Lễ khánh thành cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2). |
Trước đó, về dự chung vui với cán bộ, nhân dân trong tỉnh khánh thành cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để cải tạo, mở rộng cầu là vấn đề khó, không phải vì thiếu kinh phí mà do nhiều yếu tố cả chủ quan, khách quan và ai cũng biết nhưng xử lý thế nào thì không dễ. Vì thế, Thủ tướng ấn tượng với cách làm của Bắc Giang về việc đề xuất phối hợp với tỉnh Bắc Ninh đầu tư dự án.
Đặc biệt, ở thời điểm đang xảy ra dịch Covid-19, Bắc Giang đối mặt với vô vàn khó khăn song các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã hết sức quyết liệt, giải quyết đồng bộ các vấn đề, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đó là tinh thần tự lực, tự cường không vì khó khăn mà bó tay, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tìm cách tháo gỡ về quy định, vốn, đầu tư, thẩm quyền…
“Đây là kinh nghiệm tốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi có khó khăn, điểm nghẽn, nút thắt về vấn đề nào đó, quan trọng chúng ta cần đặt quốc gia, dân tộc lên trên cùng nhau giải quyết. Khi giải quyết không xảy ra tiêu cực, không có tham nhũng thì chúng ta yên tâm làm” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Rất vui khi Bắc Giang được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương, ghi nhận về tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Không chỉ với công trình cầu Như Nguyệt, tinh thần chủ động thúc đẩy liên kết vùng thể hiện rõ khi Bắc Giang không đợi Trung ương ban hành các văn bản để triển khai thực hiện mà ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã tập trung trí tuệ, xác định và thống nhất những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung của cả nhiệm kỳ.
Bắc Giang xác định liên kết vùng là xu thế phát triển tất yếu. Do vậy tỉnh đã tích cực, chủ động, tăng cường phối hợp, ký kết các chương trình hợp tác với các địa phương cả trong và ngoài nước, nhất là các tỉnh lân cận, các tỉnh trong vùng để triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng (trong năm 2023, tỉnh đã chủ động mời BTV của 4 tỉnh giáp ranh là Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn đến Bắc Giang làm việc, ký kết biên bản hợp tác song phương; thống nhất với tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thỏa thuận hợp tác đã ký). |
Bắc Giang xác định liên kết vùng là xu thế phát triển tất yếu. Do vậy tỉnh đã tích cực, chủ động, tăng cường phối hợp, ký kết các chương trình hợp tác với các địa phương cả trong và ngoài nước, nhất là các tỉnh lân cận, các tỉnh trong vùng để triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng (trong năm 2023, tỉnh đã chủ động mời BTV của 4 tỉnh giáp ranh là Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn đến Bắc Giang làm việc, ký kết biên bản hợp tác song phương; thống nhất với tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thỏa thuận hợp tác đã ký).
Từ các chương trình phối hợp trên, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cụ thể hóa bằng các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức thực hiện.
Nhờ đó, nhiều cây cầu, tuyến đường được các bên phối hợp đầu tư; các lĩnh vực thu hút đầu tư, tăng trưởng công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước; thị trường tiêu thụ nông sản rộng mở, phát triển du lịch khởi sắc là minh chứng rõ nét cho tư duy linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong liên kết vùng của Bắc Giang.
Chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh
Mới đây, ngày 18/10/2023, tại thị xã Đông Triều, lãnh đạo Thị ủy Đông Triều (Quảng Ninh); Thành ủy Chí Linh; Thị ủy Kinh Môn (Hải Dương); Huyện ủy Lục Nam và Huyện ủy Sơn Động (Bắc Giang) đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả việc triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang giai đoạn 2022 -2025.
Liên kết vùng cần quan tâm lĩnh vực đào tạo, cung ứng nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN. Ảnh:DN tuyển dụng lao động trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. |
Tại hội nghị này, các đại biểu nhất trí đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động hợp tác giữa 5 địa phương còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Sự phối hợp chưa thường xuyên, liên tục, chưa tạo được tính kết nối trong chuỗi các lĩnh vực phát triển KT – XH; hợp tác trong phát triển sản xuất kinh doanh vẫn thiếu tính định hướng và chưa bền vững; một số tuyến giao thông chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao.
Nhìn rộng ra các lĩnh vực khác, địa phương khác trong liên kết vùng của cả tỉnh, giữa các tỉnh, TP lân cận và toàn vùng cũng thấy rõ những hạn chế nêu trên. Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng điều phối Vùng Trung du và miền núi phía Bắc nêu rõ, việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương chưa thực chất, hiệu quả thấp, nhất là giải quyết các vấn đề mang tính toàn vùng như lao động, việc làm, thị trường tiêu thụ, môi trường, hệ thống kết nối giao thông.
Liên kết, phối hợp phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của các địa phương. Phần lớn các chương trình hợp tác mới diễn ra trên cơ sở hợp tác song phương (chủ yếu là hợp tác giữa các tỉnh liền kề), những nội dung hợp tác nhiều và rộng, nhưng lại chưa bảo đảm tính tổng thể khi tham gia trong mối liên kết liên quan trực tiếp đến nhiều địa phương. Sự phối hợp giữa các địa phương còn chưa được thường xuyên, liên tục, chưa tạo được tính kết nối trong chuỗi các hoạt động phát triển KT-XH.
Trong phát triển công nghiệp, một trong những lĩnh vực rất cần thiết liên kết là kết nối thị trường nhân lực nhưng chưa được quan tâm đẩy mạnh. Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) ở Bắc Giang có nhu cầu nhân lực lớn, khó tuyển dụng nhân lực thì ở nhiều địa phương công nhân thất nghiệp, thiếu việc làm. Bắc Giang vẫn đang là điểm sáng về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dự báo thời gian tới nhu cầu tuyển dụng nhân lực của DN còn lớn, DN sẽ tiếp tục gặp khó nếu việc liên kết cung ứng nhân lực trong vùng chưa hiệu quả.
Về tiêu thụ nông sản, bên cạnh những sản phẩm của tỉnh đang có sự liên kết vùng, hợp tác hiệu quả với các tỉnh, TP trong khu vực tương đối thuận lợi như: Vải thiều, cam, bưởi, na, rau an toàn, gà đồi Yên Thế… vẫn còn nông sản có chất lượng tốt, có tiềm năng phát triển song việc tiêu thụ còn gặp khó khăn. Nguyên nhân do hoạt động liên kết vùng trong tiêu thụ nông sản chưa thường xuyên, phối hợp chưa chặt chẽ. Việc liên kết giữa DN, hợp tác xã tiêu thụ với các chủ thể sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán tại thời điểm thu hoạch, chưa nhiều các hoạt động sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ.
Về liên kết phát triển du lịch, hiện Bắc Giang và các tỉnh lân cận có quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm khá hiệu quả nhưng việc nghiên cứu thị trường, khảo sát để xây dựng sản phẩm và những chương trình phối hợp xúc tiến chung chưa nhiều, còn ít những sản phẩm du lịch của khu vực.
Hợp tác trong phát triển giao thông kết nối còn có nội dung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của các tỉnh, một số trục giao thông chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ. Công trình cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú nối huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) và huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là một ví dụ. Cầu này có chiều dài hơn 479 m, rộng 12 m. Trước khi đầu tư xây dựng cầu, UBND tỉnh Bắc Giang đã làm việc và được sự thống nhất, phối hợp của UBND TP Hà Nội cũng như huyện Sóc Sơn.
Trong công văn số 1062/UBND-ĐT ngày 13/3/2017 của UBND TP Hà Nội về việc phối hợp đầu tư tuyến đường nối từ QL1B Hà Nội - Lạng Sơn (địa bàn huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đến quốc lộ (QL) 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (khu vực nút giao Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) nêu rõ, TP Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối với cầu vượt sông Cầu (cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú) đến nút giao Bắc Phú của tuyến QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên.
Căn cứ cam kết trên, Bắc Giang đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ dự án. Các hạng mục đã hoàn thành, trong đó cây cầu đã xong gần ba năm nay nhưng đường kết nối với cầu vượt sông Cầu bên phía huyện Sóc Sơn (Hà Nội) hiện nay mới đang thực hiện. Có cầu, không có đường nên ngày ngày người dân phải đi đò qua sông, còn cầu vẫn phơi sương “đợi” đường.
Sau một chặng đường chủ động thúc đẩy liên kết vùng, Bắc Giang thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào bức tranh KT - XH khởi sắc của cả vùng, của đất nước, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao. Những bài học kinh nghiệm nào được rút ra và cần những giải pháp mới nào để thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ hơn thời gian tới?