Bắc Giang: Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Trong năm tới, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện các hình thức tuyên truyền, vận động về bình đẳng giới cho cán bộ, nhân dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh; các kỹ năng sống về giới và bình đẳng giới tại các trường có học sinh DTTS; tập huấn kỹ năng hoạt động bình đẳng giới, lồng ghép giới trong soạn thảo văn bản và tổ chức thực hiện chính sách…
Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới người DTTS tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. (Nguồn ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang) |
Bắc Giang là tỉnh miền núi với 09 huyện, 01 thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi và 01 huyện vùng cao, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm 14,26% dân số toàn tỉnh với hơn 260 nghìn người. Thực hiện công tác bình đẳng giới trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022; Kế hoạch tuyên truyền kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang năm 2022.
Trong năm, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 03 hội nghị tuyên truyền kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới cho 186 người là cán bộ thôn, bản, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với đó, lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới trong 43 hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho 2.385 người cũng là cán bộ thôn, bản, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Lồng ghép tập huấn nâng cao năng lực hoạt động về bình đẳng giới cho 244 cán bộ làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở huyện và xã trong thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đăng tin, bài và kế hoạch hoạt động bình đẳng giới, kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới năm2022; tuyên truyền trực quan bằng nhiều hình thức như: treo băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích tuyên truyền tại các trụ sở cơ quan, trường học, các trục đường chính... về các chủ đề, thông điệp, hoạt động bình đẳng giới. Ngoài ra, tổ chức các hội nghị, tọa đàm về bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái; thăm hỏi, động viên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hội viên phụ nữ nghèo, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn. Kiểm tra việc triển khai, thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 ở các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn lồng ghép với việc giám sát tình hình thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cơ quan, đơn vị.
Cũng theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, trong quá trình thực hiện còn một số hạn chế như: ngành công tác dân tộc không có cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới (đều là kiêm nhiệm). Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cấp huyện đến cấp thôn do dễ bị thay đổi vị trí công tác, còn thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới tại địa phương, cơ sở.
Kinh phí chi cho công tác bình đẳng giới hằng năm còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, Trung ương chưa bố chí kinh phí thực hiện Đề án theo Quyết định 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” cho tỉnh, do đó, việc triển khai thực hiện hiện các mục tiêu của Đề án trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ vẫn xảy ra; nạn nhân của những vụ việc này còn tâm lý e ngại, lảng tránh không dám tiếp xúc, lên tiếng, đấu tranh. Các trường hợp kết hôn với người nước ngoài có diễn biến phức tạp; việc chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Để thúc đẩy các hoạt động bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong năm tới, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện các hình thức tuyên truyền vận động về bình đẳng giới cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuyên truyền, học tập kỹ năng sống về giới và bình đẳng giới cho các trường, lớp phổ thông bán trú, nội trú và các trường có học sinh dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số.Tập huấn kỹ năng hoạt động bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới trong soạn thảo văn bản và tổ chức thực hiện chính sách. Xây dựng 01 mô hình về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới…
Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn 2022-2030, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới người dân tộc thiểu số tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 60% cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tăng tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm công hưởng lương đạt 40% vào năm 2025 và khoảng 50% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ lao động nữ DTTS làm việc trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản xuống 50% vào năm 2025 và dưới 30% vào năm 2030. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có sử dụng thẻ bảo hiểm của phụ nữ DTTS trong khám chữa bệnh lên 98% năm 2025 và 100% năm 2030…/.