Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bắc Giang: Tập trung giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ Tư, 13/09/2023 16:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đề nghị từ nay đến cuối năm, các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, kịp thời trao đổi thông tin, quyết tâm cao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn chương trình MTQG.

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu kết luận phiên họp. 

Sáng 13/9, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh chủ trì phiên họp đánh giá kết quả, tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành và UBND các huyện, TP.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 8/2023, một số văn bản mới về cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện chương trình MTQG được ban hành (như quy định trong công tác mua sắm vật tư, hàng hóa, dịch vụ, hỗ trợ phát triển sản xuất tại Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính, Thông tư số 02/2023/TTUBDT ngày 21/8/2023 của Ủy ban Dân tộc ...), qua đó tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện các chương trình MTQG.

Tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình MTQG năm 2023 của tỉnh là hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó ngân sách T.Ư hơn 958 tỷ đồng. Cấp tỉnh đã phân bổ chi tiết 5 đợt, đạt 90,9% kế hoạch, vốn chưa phân bổ còn hơn 100 tỷ đồng (Chương trình giảm nghèo bền vững còn 4,45 tỷ đồng; Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn 76,81 tỷ đồng; Chương trình xây dựng nông thôn mới còn 20,48 tỷ đồng).

Đến nay, cơ bản các huyện, TP đã hoàn thành phân bổ chi tiết vốn hỗ trợ năm 2023. Tuy nhiên, còn hơn 11 tỷ đồng thuộc Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giao cho huyện Sơn Động chưa phân bổ.

Trong tổng số vốn 1,4 nghìn tỷ đồng (bao gồm vốn năm 2021 và năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023, vốn năm 2023), hiện giải ngân đạt hơn 28% kế hoạch.

Tổng kế hoạch vốn chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023 là hơn 360 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến hết 31/8 đạt hơn 173 tỷ đồng, bằng 48% kế hoạch. Các huyện, TP giải ngân thấp hơn mức trung bình của tỉnh (48%) gồm: TP Bắc Giang (4,4%), Yên Thế (24,9%), Tân Yên (29,4%), Lạng Giang (30,7%), Việt Yên (45,1), Yên Dũng (46,3%). Về kết quả giải ngân vốn năm 2023, từ đầu năm đến ngày 31/8 đạt hơn 250 tỷ đồng, bằng 22,5% kế hoạch.

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn các chương trình MTQG chậm tiến độ. Trong đó chủ yếu là cơ chế chính sách, hướng dẫn của T.Ư trong thực hiện các dự án chưa rõ ràng, đặc biệt là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Do các cơ quan chủ trì chương trình, đơn vị được giao vốn chưa tích cực tham mưu thực hiện.

Các địa phương cấp huyện, cấp xã chưa có sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, đến nay số lượng dự án còn tồn đọng lớn, nguy cơ không hoàn thành giải ngân vốn theo kế hoạch. Một số chương trình không có người đăng ký tham gia.

Ngoài ra, do đặc thù năm 2023 có tới 13 dự án (trong tổng số 30 dự án lớn do tỉnh và huyện quản lý) thuộc diện khởi công mới, chiếm 61,7% số vốn đầu tư phát triển năm 2023; các dự án này đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu hoặc mới khởi công nên khối lượng thanh toán thấp.

Đồng chí Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại phiên họp. 

Việc triển khai các chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương đến nay còn gặp nhiều khó khăn do các nội dung thực hiện mới, tập trung xây dựng mô hình thí điểm trong khi các văn bản hướng dẫn của T.Ư chưa cụ thể.

Cán bộ một số địa phương chưa hiểu đúng, đầy đủ về quy định trong các văn bản hướng dẫn, chậm triển khai thực hiện các nội dung của các dự án, tiểu dự án. Còn tư tưởng trông chờ, sợ trách nhiệm. Năng lực của đội ngũ cán bộ ở cơ sở có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Qua đây, một số đại biểu kiến nghị, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng rút ngắn thời gian thẩm định dự án nhằm tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình; Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với một số cây trồng, vật nuôi làm căn cứ để triển khai dự án…

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, đồng chí Lê Ánh Dương biểu dương một số sở, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện các nội dung, đồng thời phê bình những đơn vị có tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đạt thấp.

Nhấn mạnh đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị từ nay đến cuối năm, các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, kịp thời trao đổi thông tin, quyết tâm cao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn chương trình MTQG. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị là chủ chương trình cần sâu sát cơ sở để nắm bắt khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ. Các huyện, TP báo cáo tình hình với thường trực huyện ủy, thành ủy về những khó khăn, vướng mắc để có hướng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Đồng chí yêu cầu, hằng tháng, các sở, ngành, địa phương lập tiến độ giải ngân gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Phấn đấu trong tháng 9 sẽ phân bổ hết vốn đầu tư.

Liên quan đến các kiến nghị của một số địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông -Vận tải, Sở Xây dựng xem xét rút ngắn thời gian thẩm định các dự án. Đối với dự án dược liệu tại huyện Sơn Động, đồng chí giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, UBND huyện Sơn Động sớm hoàn thành việc tuyển chọn đơn vị chủ trì liên kết thực hiện dự án phát triển dược liệu quý trong tháng 9.

Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với một số cây trồng, vật nuôi để các địa phương có căn cứ áp dụng./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN