Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bắc Giang: Tận dụng tối đa "thời gian vàng" để triển khai nhiệm vụ năm học mới

Thứ Bảy, 21/08/2021 19:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đó là chỉ đạo của đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác chuẩn bị năm học 2021-2022 và tuyển sinh đào tạo nghề diễn ra chiều 21/8.

Hình ảnh tại Hội nghị. 

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ngành: Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Y tế, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện, TP; một số trường cao đẳng nghề trên địa bàn.

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, hiện toàn tỉnh có 761 cơ sở giáo dục; tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 91,3%; trường chuẩn quốc gia đạt 92,1%.

Chuẩn bị năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ tuyển 560 chỉ tiêu giáo viên; phối hợp với các huyện, TP sắp xếp đội ngũ bảo đảm đủ về tỷ lệ và cân đối cơ cấu bộ môn.

Chủ động mua sắm, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Xây dựng kịch bản tổ chức lễ khai giảng, các hoạt động dạy và học trong năm học gắn với công tác phòng, chống dịch.

Trên địa bàn tỉnh có 39 cơ sở gồm: 3 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 15 trung tâm, 14 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đến đầu tháng 8, các đơn vị mới tuyển sinh được 35% kế hoạch năm.

Đồng chí Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT trao đổi tại hội nghị về phương án tổ chức lễ khai giảng năm học mới. 

Nguyên nhân là do dịch bệnh COVID-19 trong những tháng vừa qua diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động tập trung, không thể tổ chức tư vấn, giới thiệu trực tiếp trong khi nhiều học sinh chưa quen với hình thức nộp hồ sơ trực tuyến.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các huyện, TP, đơn vị liên quan tập trung thảo luận về công tác chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất cho năm học mới, phương án hợp đồng bổ sung thêm giáo viên tiểu học hiện còn thiếu để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông.

Một số địa phương kiến nghị tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thiếu giáo viên dạy Tin học cấp tiểu học; bổ sung nhân viên y tế cho các trường mầm non; tăng biên chế cho phòng GD&ĐT; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lại số giáo viên âm nhạc, mỹ thuật dôi dư để sắp xếp vị trí việc làm phù hợp.

Cho phép một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp bổ sung thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất, mở rộng quy mô, qua đó tạo sức hút với học sinh.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, hai ngành Giáo dục, Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục bám sát diễn biến của dịch bệnh, linh hoạt điều chỉnh phương thức quản lý, giáo dục trực tiếp hoặc trực tuyến, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm.

Đồng chí yêu cầu căn cứ hướng dẫn của Sở GD&ĐT và các văn bản quy định, tùy thực tế dịch bệnh, mỗi địa phương linh hoạt tổ chức ngày tựu trường và khai giảng cho học sinh với quy mô, hình thức phù hợp song phải đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên.

Đồng chí Mai Sơn kết luận hội nghị. 

Đồng chí yêu cầu các huyện, TP đang trưng dụng trường tiểu học, THCS làm khu cách ly sớm di chuyển người cách ly sang trường mầm non để bàn giao cơ sở vật chất cho nhà trường sớm triển khai nhiệm vụ năm học.

Ngành Giáo dục cần chủ động nghiên cứu, sẵn sàng áp dụng nhiều hình thức dạy và học khác nhau thông qua trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Các nhà trường phải tận dụng tối đa "thời gian vàng" khi dịch bệnh đang được kiểm soát để triển khai nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Có phương án tổ chức xét nghiệm tầm soát trong cán bộ, giáo viên và học sinh; tuyên truyền đến thầy cô giáo, học sinh chủ động theo dõi sức khỏe, khi thấy dấu hiệu ho, sốt, khó thở phải báo ngay cơ sở y tế gần nhất để có phương án phòng, chống dịch.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến kết hợp với trực tiếp để đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh; tăng cường ứng dụng số hóa trong quản lý, giáo dục, góp phần nâng chất lượng đào tạo nguồn lao động chất lượng cao của tỉnh.

Các cơ quan truyền thông và ngành chức năng tích cực phối hợp tuyên truyền nêu rõ những chính sách ưu đãi, lợi ích của mô hình giáo dục nghề nghiệp, nhất là mô hình 9+; hằng năm tổ chức các cuộc thi tay nghề giỏi từ đó tôn vinh giáo viên, học sinh giỏi nghề. Qua đó thu hút người trẻ học nghề, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian đào tạo, sớm tham gia vào thị trường lao động, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế của gia đình và địa phương./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN