Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bắc Giang: Hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 28/11/2022 19:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp phát triển vùng dân tộc thiếu số, thu hẹp khoảng cách vùng miền đã được nêu ra tại buổi gặp mặt, tiếp xúc, đối thoại với 200 người có uy tín (NCUT) tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc các huyện: Lục Ngạn, Sơn Động và Lục Nam (tỉnh Bắc Giang), diễn ra ngày 28/11.

 Đồng chí Trần Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang trò chuyện với NCUT dự buổi gặp mặt. (Ảnh: Sỹ Quyết)

Tham dự buổi gặp mặt, các đại biểu vui mừng về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp phát triển vùng DTTS, thu hẹp khoảng cách vùng miền như: Đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ các thôn phát triển kinh tế, công nhận NCUT tại các thôn có hơn 15% dân số là người DTTS sinh sống song không được thụ hưởng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS; quan tâm quy hoạch, di dời các hộ tại khu vực nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới, an toàn. Một số ý kiến đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí hoạt động, đi lại cho NCUT; tạo điều kiện cho NCUT đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương; quan tâm đào tạo nghề du lịch cho đồng bào dân tộc; hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng ở những thôn, bản chưa có…

Thông tin tại buổi gặp mặt, đồng chí Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết, giai đoạn 2021-2025, từ các nguồn vốn, tỉnh dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng để triển khai thực hiện 10 dự án của Chương trình phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, trong đó ngân sách trung ương hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 241 tỷ đồng, còn lại là vốn chính sách, ngân sách huyện, xã, nguồn vốn khác. Trong đó có dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại những nơi cần thiết; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, phát triển du lịch...

Về chính sách đối với NCUT, tỉnh Bắc Giang cũng dành hơn 16,3 tỷ đồng để xây dựng, nâng cao chất lượng NCUT và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của đội ngũ này. Do đó, trong giai đoạn này, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm cho NCUT.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cũng đề nghị các địa phương căn cứ tình hình thực tế để lựa chọn, đề xuất công nhận NCUT tại các thôn có từ 15% dân số là đồng bào DTTS sinh sống để Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh công nhận NCUT trong cộng đồng.

Tại buổi đối thoại, đồng chí Trần Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang cũng giải đáp một số ý kiến, đề xuất của NCUT, đồng thời bày tỏ mong muốn NCUT luôn đi đầu trong mọi phong trào, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giữ gìn tốt bản sắc văn hóa, phong tục, truyền thống... để đồng bào học tập, làm theo, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng, miền.

Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có gần 260 nghìn người DTTS, UBND tỉnh công nhận 523 người có uy tín ở 457 thôn, bản thuộc 78 xã tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Tân Yên. Những năm qua, diện mạo khu vực miền núi đã có sự đổi thay tích cực, tăng trưởng và phát triển mạnh, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện Sơn Động tăng bình quân 13%/năm, huyện Lục Nam hơn 10%, huyện Lục Ngạn hơn 8,5%; thu nhập bình quân của hộ DTTS đạt khoảng 65 triệu đồng/hộ/năm./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN