Bắc Giang đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt
(ĐCSVN) - Tối 27/5, UBND tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hòa; di tích Quốc gia điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm; Quyết định công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn Nông thôn mới và huyện Hiệp Hòa đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.
|
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các tỉnh bạn… cùng đông đảo nhân dân trong huyện dự buổi lễ.
Vùng quê truyền thống cách mạng
Diễn văn tại buổi Lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nêu rõ, Hiệp Hoà là huyện thuộc vùng trung du nằm ở phía Tây của tỉnh Bắc Giang. Toàn huyện có 24 xã, 01 thị trấn (trong đó có 16 xã thuộc vùng ATK II). Cũng như nhiều vùng quê khác của tỉnh Bắc Giang, nhân dân Hiệp Hoà có truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời và lòng yêu nước nồng nàn, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm. Nhất là từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo, nhân dân Hiệp Hoà một lòng đi theo Đảng làm cách mạng; nhiều thanh niên yêu nước của huyện đã không sợ hy sinh, gian khổ đi tìm ánh sáng cách mạng của Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở Hiệp Hoà đã phát triển nhanh, dẫn đến sự ra đời của chi bộ Đảng Hoàng Vân vào ngày 26/02/1940, đã đánh dấu sự chuyển biến về chất của phong trào cách mạng ở Hiệp Hoà và của Nhân dân trong tỉnh. Đến năm 1942, nhiều đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh như: "Nông dân cứu quốc", "Thanh niên cứu quốc", "Phụ nữ cứu quốc", "Nhi đồng cứu quốc"… được thành lập và phát triển. Đến năm 1943, Hiệp Hoà được Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ chọn làm An toàn khu II.
ATK II ra đời đã tạo thế liên hoàn cơ động trong hệ thống căn cứ địa Việt Bắc - An toàn khu II - An toàn khu I; xây dựng được một mạng lưới liên lạc vững chắc và giao thông thông suốt với ATK I, Chiến khu Việt Bắc và các đảng bộ địa phương, đảm bảo sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ được liên tục, kịp thời.
ATK II Hiệp Hòa không những là nơi có vị trí địa lý quan trọng mà nơi đây còn là một địa bàn chiến lược về quân sự với một thế trận lòng dân vô cùng vững chắc. Từ năm 1940, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã tin tưởng đặt bộ phận chỉ đạo quân sự tại Hoàng Vân, nhiều cán bộ của Đảng thường xuyên qua lại Hoàng Vân, mở lớp huấn luyện chỉ đạo phong trào. Năm 1943, ATK II Hiệp Hoà còn khắc ghi hình ảnh sâu đậm của các vị lão thành cách mạng, các lãnh đạo Trung ương Đảng như: đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Ngô Thế Sơn, Trương Công Lệnh, Lê Hoàng, Hà Thị Quế, Nguyễn Trọng Tỉnh, Lê Thanh Nghị… đã về đây hoạt động, tuyên truyền, gây dựng phong trào cách mạng, được Nhân dân nuôi giấu, che chở, bảo vệ an toàn. Tại đây, Trung ương, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ đã tổ chức nhiều cuộc họp, lớp huấn luyện chính trị, quân sự quan trọng, đặc biệt là Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ tháng 4/1945, kịp thời vạch ra đường lối chỉ đạo đúng đắn, đưa phong trào cách mạng phát triển đúng hướng và đi tới thắng lợi.
Sau Cách mạng tháng tám thành công, cán bộ và nhân dân Hiệp Hòa tiếp tục góp công sức cùng với cả nước kháng chiến giải phóng Miền Nam và xây dựng CNXH ở Miền Bắc. Ngày 08/2/1955, thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm có vinh dự lớn được đón Bác Hồ về thăm, dự và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết Cải cách ruộng đất đợt II ở Soi vải. Đây là một cột mốc lịch sử, đánh dấu sự chuyển biến lớn lao của cách mạng Việt Nam; hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân; thực hiện người cày có ruộng; hoàn thành những mục tiêu lớn nhất mà cuộc cách mạng đã đề ra.
Trong thời kỳ đổi mới của đất nước, truyền thống quý báu của nhân dân Hiệp Hoà tiếp tục được phát huy, trở thành nguồn lực to lớn đóng góp vào sự phát triển của huyện, nhất là trong những năm vừa qua, Đảng bộ và nhân dân Hiệp Hoà đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, đoàn kết chặt chẽ, nỗ lực phấn đấu và thực hiện hoàn thành, hoàn thành vượt mức các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi Lễ |
Hoàn thành xuất sắc xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện Hiệp Hòa đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Linh hoạt ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện xây dựng nông thôn mới với các chính sách hỗ trợ và thưởng các xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới (2-3 tỷ đồng/xã, xã nâng cao 2-4 tỷ đồng/xã, thôn kiểu mẫu 300 -400 triệu đồng/thôn...); hỗ trợ kiên cố hóa trường lớp học (200-300 triệu đồng/phòng học); hỗ trợ cứng hóa đường giao thông nông thôn (đường trục xã 200 triệu đồng/km, đường trục thôn 80 triệu đồng/km, đường ngõ xóm 60 triệu đồng/km, đường nội đồng 40 triệu đồng/km); hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: hỗ trợ 4 triệu đồng/ha dồn điền đổi thửa, hỗ trợ từ 400.000 đồng đến 1,5 triệu đồng xây dựng cánh đồng mẫu lớn và nhiều chương trình hỗ trợ khác, các cơ chế hỗ trợ đúng tâm tư nguyện vọng của người dân, phù hợp với điều kiện của huyện vừa là nguồn lực để hỗ trợ đầu tư, đồng thời, vừa kích cầu để huy động nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt là phát huy nội lực của Nhân dân, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong phong trào thi đua, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Sản xuất nông nghiệp có nhiều điểm sáng, tạo nội lực xây dựng nông thôn mới bền vững. Bằng chính sách hỗ trợ xây dựng về sản xuất nông nghiệp với nhiều điểm sáng, tốp đầu của tỉnh về công tác dồn điền, đổi thửa với gần 3.500ha; 33 mô hình cánh đồng mẫu và 37 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Hiệp Hòa là huyện là địa phương đi đầu trong tỉnh về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang.
Hiệp Hòa là địa phương đầu tiên của tỉnh Bắc Giang triển khai Bộ tiêu chí thôn NTM theo phương châm “Từ đồng về nhà, từ nhà ra thôn, từ thôn lên xã”, lấy thôn làm động lực xây dựng xã nông thôn mới. Bộ tiêu chí áp dụng trên địa bàn huyện gồm 16 tiêu chí theo hướng nâng cao mức yêu cầu, việc gì thôn làm được thì trao quyền tự chủ, tự quản cho thôn làm. Từ mô hình hiệu quả của huyện Hiệp Hòa, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới triển khai tại các thôn trên địa bàn toàn tỉnh.
Đặc biệt, trong xây dựng NTM, Hiệp Hòa đã quan tâm tới việc Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa là tiền đề để phát triển văn hóa du lịch tâm linh sinh thái trên địa bàn huyện, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai hiệu quả, hàng năm, tổ chức Ngày hội quảng bá, giới thiệu các sản vật nông nghiệp, ẩm thực tiêu biểu huyện Hiệp Hòa…
Phát huy truyền thống, bồi đắp và nuôi dưỡng tinh thần cho thế hệ trẻ
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong thời gian qua.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình khẳng định, thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tiến hành xây dựng ATK II của Trung ương Đảng trên vùng đất Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. ATK II không những là địa bàn chiến lược về vị trí địa lý mà nơi đây còn là một địa bàn chiến lược về quân sự với một thế trận lòng dân vô cùng vững chắc.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Dương Văn Thái trao Quyết định công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn NTM cho lãnh đạo huyện. |
Dẫu đã trải qua nhiều năm tháng, song kí ức hào hùng về các sự kiện hoạt động cách mạng diễn ra tại các di tích ATK II; địa điểm lưu niệm nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết Cải cách ruộng đất đợt II tại Soi Vải, thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm và rất nhiều các địa danh khác của huyện Hiệp Hòa vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, cội nguồn lịch sử cách mạng này luôn được bảo tồn, phát huy giá trị để di tích Quốc gia đặc biệt ATK II trở thành biểu tượng của truyền thống văn hiến, truyền thống cách mạng anh hùng. Mãi được bồi đắp bởi lớp lớp các thế hệ nhân dân huyện Hiệp Hòa, để mỗi người con quê hương Hiệp Hòa nói riêng và Bắc Giang nói chung luôn tự hào, gắn bó với Đảng, với cách mạng.
Chúc mừng Hiệp Hòa đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, Hiệp Hòa là huyện có xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa đã đoàn kết, cố gắng, nỗ lực vươn lên và đạt được những kết quả tích cực, rất đáng tự hào. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh COVID-19, song với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của UBND huyện, Hiệp Hòa đã thành công trong việc giữ vững địa bàn sạch để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp các điểm di tích đặc biệt ATK II, di tích Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm; phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng cũng như những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM. |
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình yêu cầu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi số xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị văn minh; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên với phương châm “cán bộ là gốc của mọi công việc, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đủ đức, đủ tài ngang tầm nhiệm vụ mới”; tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, đề cao kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong thời kỳ đổi mới.
Lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cao, chỉ đạo quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ GPMB các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị để thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ. Xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ lộ trình, bước đi phù hợp với thực tiễn của huyện trong thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050; triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới; huy động nguồn lực đầu tư các dự án trong chương trình phát triển Đô thị đã được phê duyệt, phấn đấu huyện Hiệp Hòa đạt đô thị loại IV vào năm 2025. Tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với xây dựng NTM nâng cao. Tăng cường giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Lê Ánh Dương trao Bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM. |
Tiếp tục phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Làm tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập, ngoài công lập, các trạm y tế cấp xã; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và nâng cao toàn diện đời sống của Nhân dân. Đồng thời cấp ủy, chính quyền huyện nhà cần xây dựng kế hoạch cụ thể, dành nguồn lực để đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử tốt đẹp các di tích ATK II đặc biệt, di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện; đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, gắn với phát triển du lịch về nguồn...