Bắc Giang đón du khách về dự khai hội Yên Thế
(ĐCSVN) - Diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 15 đến 17/3), Lễ hội Yên Thế nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, đồng thời là dịp để huyện Yên Thế tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hoá đặc sắc, tiềm năng du lịch, các sản vật đặc trưng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày một phát triển.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự lễ khai hội. (Ảnh: Quang Chương/doanhnghiepkinhtexanh.vn) |
Sáng 16/3, tại Khu Di tích lịch sử khởi nghĩa Yên Thế, huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) long trọng tổ chức lễ hội kỷ niệm 139 năm Khởi nghĩa Yên Thế.
Dự lễ hội có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.
Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo Hội đồng hương Bắc Giang tại Hà Nội; Hội đồng hương Yên Thế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; các huyện, TP của tỉnh Bắc Giang và một số huyện, TP ngoài tỉnh kết nghĩa với huyện Yên Thế, đông đảo nhân dân địa phương và du khách.
Trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta trước khi có Đảng, khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) được đánh giá là cuộc khởi nghĩa có vũ trang của nông dân có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất, kéo dài nhất, oanh liệt nhất. Khởi nghĩa Yên Thế đã trở thành biểu tượng rực rỡ của lòng yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, đóng góp nhiều kinh nghiệm vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật về chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng, căn cứ làng xã chiến đấu liên hoàn trên một địa bàn rộng khắp.
Màn tái hiện lễ tế cờ của nghĩa quân Yên Thế. (Ảnh: baobacgiang.com.vn) |
Được tổ chức tại Khu Di tích lịch sử Khởi nghĩa Yên Thế, thị trấn Phồn Xương, Lễ hội nhằm ôn lại những trang sử hào hùng, tinh thần đấu tranh anh dũng của Đề Nắm, Đề Thám và các nghĩa quân giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; tiếp tục khẳng định, tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế; đồng thời giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đây còn là dịp để huyện Yên Thế tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hoá đặc sắc, tiềm năng du lịch, các sản vật đặc trưng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày một phát triển.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội đã ôn lại những trang sử hào hùng, tinh thần đấu tranh anh dũng của các thủ lĩnh, nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đồng chí khẳng định, tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế không ngừng phấn đấu đưa Yên Thế từ một huyện khó khăn trở thành huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá; văn hóa - xã hội có bước phát triển vượt bậc, quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những tiềm năng, thế mạnh của huyện được coi trọng, phát huy, khai thác. Đặc biệt là các giá trị về văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đang được bảo tồn, gìn giữ, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội huyện phát triển nhanh, bền vững, xứng danh với bề dày lịch sử của vùng đất anh hùng.
Với những giá trị hết sức tiêu biểu, trường tồn, ngày 10/5/2012 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế là Di tích quốc gia đặc biệt, ngày 27/12/2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định xếp hạng Lễ hội Yên Thế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tất cả những giá trị tốt đẹp đó góp phần khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo của lễ hội Yên Thế nói riêng và văn hóa vùng Yên Thế, Bắc Giang trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.
Đông đảo nhân dân, du khách thập phương đổ về theo dõi chương trình khai mạc. (Ảnh: Quang Chương/doanhnghiepkinhtexanh.vn) |
Diễn ra trong 3 ngày (từ 15 đến 17/3), lễ hội năm nay được huyện tổ chức với nhiều hoạt động thể thao, thi đấu hấp dẫn như: Giải Vô địch võ thuật tỉnh Bắc Giang và các giải do UBND huyện tổ chức: Đẩy gậy, bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng chuyền hơi, kéo co, bắn nỏ, cầu lông, tenis, cờ tướng, chọi dê. Trong khuôn khổ của lễ hội còn có biểu diễn nghệ thuật rối nước, hát quan họ trên thuyền, hát chèo, hội diễn văn nghệ quần chúng, giới thiệu ẩm thực và trưng bày các sản phẩm chủ lực, hội trại thanh niên, hội chợ thương mại.
Trước đó, chiều 15/3, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế tổ chức lễ tế, dâng hương tại tượng đài Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và lễ phóng sinh tại khu vực đình Phồn Xương./.